sự chăm chỉ và thành công

Liệu chỉ chăm chỉ có mang lại thành công cho bạn?

Quy tắc chăm chỉ ta được dạy

Trong bài The Duty Trap có viết:“Khoảng 5, 6 tuổi, ta được cha mẹ dạy cho một khái niệm “đáng lo ngại”: Quy tắc Chăm chỉ. Khi còn nhỏ, có việc ta phải làm, không phải vì thích hay nó hợp lý, mà vì người lớn muốn ta làm vậy. 

Thậm chí khi ta khóc lóc không chịu làm thứ bài tập vô vị, họ sẽ quát mắng. Họ bảo nếu không làm nổi công việc đơn giản ấy, ta sẽ chẳng thể tồn tại được trong thế giới của người trưởng thành. Và, rồi suốt cả tuần nhồi nhét, thứ ta thực sự muốn làm chỉ được xếp vào ngày cuối tuần. Dẫn đến một sự phân định rạch ròi: sở thích là niềm vui, công việc là khổ ải.

Chẳng lạ gì sau khi tốt nghiệp đại học, quan điểm ấy đã hằn sâu khiến ta thường không dám mạnh miệng về việc mình muốn làm gì để cảm thấy vui. Quy tắc Chăm chỉ đang điều khiển 80% thời gian sống của ta trên cõi đời. Nó khiến ta tin rằng công việc tốt, lương cao đồng nghĩa với tẻ nhạt, khó chịu và bất cập. Có lẽ bởi vậy mới có người trả lương để ta làm nó.

Chăm chỉ để làm gì?

Để sau này lớn lên ta sẽ có một cuộc sống ổn định, sẽ kiếm được thật nhiều tiền! Ngay sau khi ra trường, quy tắc Chăm chỉ một thời liền trở thành điều kiện lao động vô cùng cần thiết. Sự chăm chỉ được đề cao, người chăm chỉ được trọng dụng. Vì thế chăm chỉ trở thành một chiến thuật an toàn trong thế giới cạnh tranh khốc liệt. 

Việc tố chất này từng được tung hô thái quá là kết quả của công nghiệp hóa diễn ra trên khắp thế giới nhiều thập kỷ trước. Thời ấy chẳng ai rỗi hơi đem chuyện vui hay không vui ra bàn. Mà quan trọng là làm được nhiều hay không. Cũng chẳng có Facebook để hàng ngày ta tự tra tấn bằng những câu chuyện của bạn này, bạn kia. “Sao bọn nó may mắn và yêu công việc như thế, hẳn thú vị lắm đa?” 

Mặt trái của sự chăm chỉ

Giống như mọi thứ đều có hai mặt, tố chất chăm chỉ cũng là một cạm bẫy.

  • Che mờ khả năng đưa ra nhận xét và phê phán.
  • Bỏ qua cơ hội tốt vì quá mải mê với công việc.
  • Dễ dàng chấp nhận (và dần trở thành dung nạp) những bất cập và bất công. Vì quá dễ dãi và phung phí năng lượng, như những con cừu ngoan ngoãn.
  • Dần trở thành con robot, tên phụ việc, hoặc chiếc bánh răng tầm thường trong một guồng máy không bao giờ ngừng nghỉ.
  • Chạy chọt, xin xỏ để vào vị trí, nhưng không có gì đảm ta sẽ trở thành chiếc động cơ.
  • Ở lại hay ra đi cũng không quan trọng. Vì sẽ luôn có ai đó trẻ hơn, nhiệt huyết và tài giỏi hơn sẵn sàng thay thế một chiếc bánh răng rồi sẽ mòn. 

Chăm chỉ đảm bảo một thu nhập căn bản, nhưng không đảm bảo được sự an toàn đúng nghĩa. Cũng không đủ đảm bảo được những vị trí “ngon ăn” hay một cuộc sống “viên mãn” như viễn cảnh mà người xung quanh từng vẽ ra cho ta.

Chìa khoá của sự thành công

Thế giới dần trở nên phẳng hơn, công bằng và khách quan hơn. Tiếp nhận nhiều hơn nhưng sàng lọc kỹ hơn, cũng có nghĩa là khốc liệt hơn. Ai cũng sẵn sàng lên án sự lười biếng, của cả người khác lẫn của bản thân. Nhưng không nhiều người có can đảm thừa nhận sự siêng năng mù quáng bấy lâu của mình. Cũng giống như lười biếng là cầm chắc thất bại, sự siêng năng không phải là chìa khóa chắc chắn của thành công. Chìa khoá của thành công chính là bản lĩnh và lòng can đảm.

Nguồn tham khảo: Một phần nội dung được lược dịch theo The Book of Life, The Duty Trap.

Đỗ Duy Anh - ThS. BS. Đỗ Duy Anh, hiện đang là Giảng viên bộ môn Sinh lý tại trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch.

ThS. BS. Đỗ Duy Anh, hiện đang là Giảng viên bộ môn Sinh lý tại trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch.