rối loạn cảm xúc

Các dạng Rối loạn Cảm xúc

Rối loạn cảm xúc là một tình trạng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trạng và các chức năng liên quan của nó. Rối loạn cảm xúc là một thuật ngữ khái quát. Bao gồm các loại rối loạn trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Cả hai đều ảnh hưởng đến cảm xúc. Người mắc chứng này có tâm trạng đi từ cực thấp (trầm cảm) đến cực cao (hưng cảm).

Các dạng rối loạn cảm xúc

Trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-V) (2013), các rối loạn cảm xúc hiện được chia thành hai nhóm: rối loạn lưỡng cực và các rối loạn liên quan, và rối loạn trầm cảm. Các loại rối loạn cảm xúc chính bao gồm:

Rối loạn trầm cảm ưu thế: thường được gọi là trầm cảm ưu thế hoặc trầm cảm lâm sàng. Nó bao gồm các giai đoạn tâm trạng cực kỳ buồn bã, tuyệt vọng hoặc trống rỗng. Các triệu chứng đi kèm có liên quan đến những thay đổi về thể chất, nhận thức và cảm xúc.

Rối loạn lưỡng cực I: Rối loạn này trước đây được gọi là “hưng trầm cảm”. Đặc trưng bởi tâm trạng hưng phấn và / hoặc cáu kỉnh và gia tăng năng lượng hoặc hoạt động. Trong giai đoạn hưng cảm, người mắc có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và / hoặc cho những người khác.

Rối loạn lưỡng cực II: Người được chẩn đoán phải có ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ trong hiện tại hoặc trong quá khứ. Và ít nhất một giai đoạn trầm cảm ưu thế hiện tại hoặc trong quá khứ. Nhưng không có tiền sử của bất kỳ giai đoạn hưng cảm nào. Tiêu chuẩn chẩn đoán cho các giai đoạn hưng cảm, hưng cảm và trầm cảm nặng vẫn tương tự với Rối loạn lưỡng cực I.

Rối loạn tâm thần chu kỳ: Người mắc có tiền sử tối thiểu hai năm về nhiều giai đoạn hưng cảm nhẹ và nhiều giai đoạn trầm cảm không quá nặng.

Các rối loạn khác: Các loại rối loạn cảm xúc khác bao gồm rối loạn cảm xúc gây ra do sử dụng chất kích thích / thuốc và có liên quan đến y tế. Ngoài ra còn có các rối loạn cảm xúc “cụ thể” và “không cụ thể” khác. Các rối loạn này không đáp ứng chính xác các tiêu chí chẩn đoán cho các rối loạn cảm xúc.

Các chứng rối loạn cảm xúc mới

Có ba chứng rối loạn trầm cảm mới được đưa vào DSM-V.

Rối loạn điều hòa tâm trạng: Rối loạn trầm cảm này được thêm vào DSM-V dành cho trẻ em dưới 18 tuổi. Những trẻ có biểu hiện cáu kỉnh, tức giận dai dẳng và thường xuyên có các đợt bộc phát cực độ, mà không có bất kỳ nguyên nhân cụ thể nào.

Rối loạn trầm cảm dai dẳng: Chẩn đoán này bao gồm cả rối loạn trầm cảm ưu thế mãn tính kéo dài từ hai năm trở lên, đây là một dạng trầm cảm cấp thấp hơn.

Rối loạn tiền kinh nguyệt: Chẩn đoán này dựa trên sự hiện diện của một hoặc nhiều triệu chứng cụ thể trong tuần trước khi bắt đầu hành kinh. Các triệu chứng này biến mất khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Các triệu chứng bao gồm thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh hoặc tức giận. Tâm trạng chán nản hoặc tuyệt vọng, và lo lắng hoặc căng thẳng. Cũng như một hoặc nhiều trong số bảy triệu chứng bổ sung, với tổng số ít nhất là năm triệu chứng.

Các triệu chứng của rối loạn cảm xúc

Rối loạn cảm xúc có thể dẫn đến những khó khăn để tiếp tục công việc hàng ngày và nhu cầu của cuộc sống. Một số người, đặc biệt là trẻ em, có thể có các triệu chứng trầm cảm về thể chất. Như đau đầu hoặc đau bụng không rõ nguyên nhân. Rối loạn cảm xúc khá đa dạng, có thể gây ra những ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Nói chung, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Mất hứng thú với các hoạt động từng được yêu thích
  • Ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
  • Khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường
  • Mệt mỏi
  • Khóc
  • Lo lắng
  • Cảm thấy “vô vị”, không có năng lượng để quan tâm
  • Cảm thấy bị cô lập, buồn bã, tuyệt vọng và vô dụng
  • Khó tập trung
  • Khó đưa ra quyết định
  • Cảm giác tội lỗi
  • Cáu gắt
  • Suy nghĩ về cái chết và / hoặc tự tử

Với rối loạn cảm xúc, các triệu chứng này đến liên tục và gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày. Chúng không phải là những suy nghĩ và cảm xúc rời rạc mà mọi người đều có.

Nguyên nhân

Không ai biết nguyên nhân chính xác của rối loạn cảm xúc. Có nhiều yếu tố góp phần gây ra chứng tâm lý này và có xu hướng di truyền. Sự mất cân bằng hóa học trong não có thể là một trong những nguyên nhân. Các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống cũng có thể gây ra trầm cảm. Ví dụ như có người thân qua đời, ly hôn hoặc chấn thương. Đặc biệt nếu một thành viên khác trong gia đình đã từng mắc bệnh này trước đó. Hoặc có thể do những yếu tố di truyền khác.

Chẩn đoán

Các rối loạn tâm trạng cần được đánh giá và điều trị đúng cách. Bởi một chuyên gia sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như bác sĩ tâm thần. Nếu bất kỳ triệu chứng nào cản trở cuộc sống của bạn, đặc biệt là nếu bạn đang có ý định tự tử, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức. Bên cạnh đánh giá tâm thần, khám sức khỏe và xét nghiệm thể chất giúp loại trừ các lý do thể chất gây ra các triệu chứng này.

Phương pháp điều trị

Hàng triệu người bị rối loạn cảm xúc và được điều trị thành công. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm liệu pháp tâm lý, còn được gọi là liệu pháp trò chuyện. Các loại thuốc giúp điều chỉnh sự mất cân bằng hóa học não bộ. Sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và thuốc thường là phương pháp tốt nhất.

Dịch bởi Vương Võ từ The Various Types of Mood Disorders

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt