Những dấu hiệu bạn là Chàng trai Ngoan

Cũng như Cô gái ngoan, Chàng trai ngoan là kiểu nhân vật không hiếm trong xã hội hiện đại. Thật vậy, những người đàn ông khổ sở vì hội chứng đó xuất hiện ngày càng nhiều. Nhất là trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, nơi những giá trị cũ và mới xung đột nảy lửa. Và thế nào là người đàn ông, người đàn bà đúng nghĩa là những khái niệm đang chuyển biến. 

1. Chân dung của một chàng trai ngoan

Không như thành kiến chung của xã hội (đặc biệt là xã hội phương Đông), đàn ông đa phần là những kẻ độc tài gia trưởng. Nhiều người đàn ông hiện đại đã hấp thụ cái nhìn mới về vai trò của người đàn ông trong gia đình, về những nhu cầu và quyền lợi chính đáng của phụ nữ.

Họ cố gắng hành xử dễ thương, làm vui lòng người thân và gia đình. Nhưng sao mọi chuyện vẫn rối tinh cả lên. Kết quả họ mong muốn là được yêu thương và tôn trọng đúng mức mãi không đạt được. Khi mọi thứ trở nên tan vỡ, ta lại có dịp nhìn lại hình ảnh Chàng trai ngoan và những gì không ổn với nó. Để có thể lột xác khỏi đó. Và trở thành người đàn ông trưởng thành đích thực. 

2. Thế nào là chàng trai ngoan?  

2.1 Điểm chung giữa Chàng trai và Cô gái ngoan

  • Ấn tượng mà họ muốn cho chúng ta thấy: sự dễ thương và hòa nhã.
  • Có chung niềm tin là nếu họ cư xử đúng và là người tố. Họ sẽ được yêu thương, được đáp ứng những nhu cầu. Và cuộc sống của họ sẽ yên bình hạnh phúc.
  • Cách nhìn của họ về khái niệm “người tốt” thường bao gồm sống hòa bình, rộng lượng, hữu ích cho người khác. Và hạn chế (hay giấu đi) những khuyết điểm, sai lầm, tình cảm tiêu cực, v.v.
  • Muốn tỏ ra luôn luôn tốt bụng và thấu hiểu. Không bao giờ cho phép mình được nói cao giọng hơn người khác. Ngay cả khi có người lạm dụng, họ vẫn muốn được đối xử như một người hiền lành hơn là một kẻ bất công. 

2.2. Những gì mà Chàng trai ngoan làm

Cố gắng để hiền lành, tử tế, vừa lòng người khác

Nhiệm vụ chính là tôn trọng và biết cách làm vừa lòng phụ nữ (trước tiên là mẹ mình). Không bao giờ được thực hiện hành vi hay thái độ nào khiến mẹ khóc hay khiến vợ giận. Bởi vì, với họ, đó là một trọng tội.

Niềm tin sâu sắc của họ là như sau: “Tôi sẽ có tất cả nếu tôi tiếp tục là người hiền lành, lịch sự, đứng đắn và không hung dữ.” Đó là lý do tại sao nhiệm vụ thứ hai của họ là để người khác dẫm lên chân mình thường xuyên nhất có thể. Danh tiếng tốt của họ và hình ảnh mà những người khác có về họ là rất quan trọng. Việc đánh mất hình ảnh là một con người dễ thương và hòa ái là điều họ sợ nhất. Để giữ lấy hình ảnh này, họ sẵn sàng van xin “kẻ thù” nếu có thể.

Nhưng vấn đề là, dường như Chàng trai ngoan lúc nào cũng không thể làm vừa lòng bất cứ ai. Đến đỉnh điểm, khi lời cầu xin câm lặng muốn người xung quanh chấp nhận kia bị từ chối, họ sẽ đổ lỗi cho tất cả. Rồi bị giam cầm trong cơn thịnh nộ của bản thân. Điều này sẽ khiến họ bám vào bờ mép của chứng rối loạn ranh giới, hay trầm cảm.

Bảo vệ bản thân bằng cơ chế tự vệ xưa cũ

Chàng trai ngoan sống không biết mệt mỏi trong ánh mắt những vị cha mẹ thậm chí còn chẳng ở đó nữa. Anh vẫn nhìn và diễn giải những tình huống mới mà mình phải đối mặt bằng con mắt của thời ấu thơ. 

Đứa trẻ nào cũng sợ bị bỏ rơi, nên nó phải dùng những cơ chế tự vệ trong khả năng. Với mục đích là ngăn chặn bất kỳ dấu hiệu nổi loạn hoặc hung hăng nào có thể khiến nó bị rứt bỏ một cách đau đớn khỏi tình cảm của người cha mẹ mà nó dễ tiếp cận nhất. Để nó không bị trừng phạt, không bị bỏ rơi, không bị nhận “ít tình cảm” hơn anh chị em.

Thế rồi khi lớn lên, càng bị người ta đánh đập, lạm dụng, khủng bố, Chàng trai ngoan lại càng nương náu vào tính thụ động và vẻ ngoài hoà nhã. Trở thành thứ mà người ta gọi trong phân tâm học là “hung tính/gây hấn thụ động”: thuật ngữ chỉ định một con người dịu dàng và thụ động ở bên ngoài nhưng bên trong đầy hung hăng và hờn oán.

Tìm cách trở thành người khác với cha mình. 

Nhiều Chàng trai ngoan có cha là người lạnh lùng, hoặc hung dữ, hoặc tình ái lăng nhăng hay nghiện rượu. Họ rất ghét các nét tính cách đó của cha mình và luôn tìm cách sống ngược lại. Để khác cha, họ luôn tìm cách làm “đúng”, tin rằng mình cần giấu đi những yếu kém, sai lầm.

Họ sợ rằng những khuyết điểm, tật xấu hay sai lầm của mình sẽ bị phản ứng nặng nề. Sợ là người khác sẽ nổi giận, chán ghét hoặc thậm chí từ bỏ họ nếu biết sự thật. Kết quả là họ giấu nỗi sợ đó bằng cách luôn kìm nén cảm xúc của mình, không thích đưa nhu cầu của mình lên trước những nhu cầu của người khác.

Vô hình chung họ phủ nhận luôn những tiềm năng hung tính, những bóng tối sẵn có trong lòng mỗi người đàn ông. Họ thường có nhiều bạn là phụ nữ hơn là nam giới. Nguyên nhân một phần là do mối quan hệ khó khăn với cha mình khiến họ khó tạo được quan hệ tốt với nam giới. Họ nghi kị chính bản chất nam tính của mình. Và từ chối nhìn vào mọi kiểu gương mặt của nó. Cố gắng mọi cách trở nên khác với cha, họ có nguy cơ rơi vào thái cực ngược lại cũng cực đoan không kém. Nhưng “bóng ma vô thức” sẽ luôn đeo đuổi họ, chỉ chờ có dịp là trồi lên. 

3. Mặt tối của Chàng trai ngoan là gì?

Dưới lớp vỏ ngoài trơn tru dễ thương của Chàng trai ngoan cũng ẩn chứa những mặt trái. Dù hòa nhã và “biết điều” đến đâu, Chàng trai ngoan vẫn có một “tội lỗi” ẩn ngầm.

3.1 Giải toả áp lực bằng những cơn nghiện và sống không trung thực

Cho dù đó là nghiện cờ bạc, tốc độ, rượu, khiêu dâm, tính keo kiệt, lười biếng vô độ. Hay còn có thể là thói tham ăn. Thì thường vẫn có một cái gì đó “trái khoáy” ở họ, một chút gì đó mà họ liều lĩnh bảo vệ tới cùng. Hành vi nghiện ngập đối với họ là một cửa ngõ để giải tỏa stress, xoa dịu những nỗi đau, và nâng đỡ tinh thần. Vì những áp lực thường trực làm họ không chịu nổi, phải tìm cách “xì” ra ở đâu đó. Một sự thật ít người biết đến là dạng nghiện ngập mà các Chàng trai ngoan thường mắc phải nhất là nghiện tình dục. Và họ cũng thường là người gặp phải rối loạn tình dục. 

Vì lẽ đó, Chàng trai ngoan sống hai mặt và không trung thực. Họ giấu những lỗi lầm bởi họ không muốn bị chỉ trích. Nói những gì họ nghĩ là người xung quanh muốn nghe. Và không để lộ ra những cảm xúc của mình.

3.2 Đầy toan tính, cho đi là phải nhận lại

Hơn nữa, do không dám đưa nhu cầu của mình lên trước, thường không dám đòi hỏi thẳng thắn những gì mình muốn và cần. Do đó, Chàng trai ngoan thích khéo léo điều khiển người khác và thích kiểm soát mọi chuyện xung quanh.

Một cách vô thức, các Chàng trai ngoan thường bị thu hút bởi những người gặp khó khăn, những tình huống khó xử. Vì ở đó, họ có cơ hội giúp đỡ, hào hiệp, trổ tài, và qua đó hy vọng đạt được sự yêu quý của người khác. Do đó, họ khó xác định giới hạn với người khác. Tuy nhiên, những sự rộng lượng họ cho đi chắc chắn là để nhằm mục đích thu lại. Dù các Chàng trai ngoan có khuynh hướng rộng lượng, song những gì họ cho đi thường có những mối dây ràng buộc kèm theo.

3.3 Tính gây hấn thụ động, trả đũa ngầm

Các Chàng trai ngoan thường cho mình là những người dễ tính, trầm tĩnh. Sự thật là bao nhiêu bất bình, giận dữ của họ không tiêu biến đi mà bị đè nén như trong một cái “nồi áp suất”.  Khi không được như ý, tính gây hấn thụ động sẽ khiến Chàng trai ngoan chọn cách trả đũa ngầm. Họ có khuynh hướng bộc lộ những bất bình, giận dữ đè nén của họ bằng những cách gián tiếp, quanh co, và không mấy dễ thương: như những nhận xét mang tính xúc phạm và đôi chút mỉa mai yếm thế.

Nếu không may, họ gặp phải một người thiếu đồng cảm một cách quá trắng trợn, họ sẽ có những cơn bùng nổ vào những lúc không ngờ nhất và với một cường độ rất đáng sợ. Họ trở nên thù hằn, khinh miệt và đột nhiên bị xâm lấn bởi mọi kiểu viễn cảnh đẫm máu, tống tiền, thao túng. Tất cả các phương tiện sau đó sẽ được biện minh để đạt được mục đích của họ.

3.4 Sự giận dữ bộc phát

Bộ phim truyền hình The Incredible Hulk (Người khổng lồ xanh) đại diện hoàn hảo cho cấu trúc tâm lý của Chàng trai ngoan. Ở trạng thái bình thường, Hulk là người đàn ông tốt, làm việc hết lòng vì lợi ích của cộng đồng. Anh là một hình mẫu của lòng tốt bụng và chủ nghĩa hòa bình. Nhưng nếu vào một ngày nào đó không may, khi anh thấy mọi thứ trở nên bất lợi với mình, anh lập tức biến thành con quái vật xấu xí và đáng sợ kia. Khiến cả căn phòng bị xé toang chỉ trong vài phút. Dĩ nhiên, kết cục luôn luôn là người đàn ông này gây ra nhiều tổn thất hơn mọi nhân vật phản diện khác.

Sớm hay muộn, những tội lỗi, những chứng nghiện và những cơn giận dữ bộc phát này sẽ khiến Chàng trai ngoan mất mặt. Hoặc họ tiếp tục tự cô lập, tự đè nén và nhập vai để rồi tiếp tục gặp khổ sở hoặc họ sẽ có cơ hội giải thoát bản thân khỏi ách thống trị của tính thụ động. Để cuối cùng thừa nhận toàn bộ con người họ. Vâng, ngay cả khi điều đó có làm mẹ khóc, vợ bỏ, và trời đất tưởng như rách toang.

4. Làm sao thoát khỏi hội chứng chàng trai ngoan? 

Một cách vô thức, Chàng trai ngoan thường sợ rằng nếu người khác biết bản chất của mình thì mình sẽ mất đi sự tán thưởng và tình yêu thương. Nhưng đó là một niềm tin trẻ thơ, đã lỗi thời và không đúng sự thật. Công việc ta cần làm lúc này là thay thế nó bằng những niềm tin chính xác hơn, có lợi hơn, giúp ta sống một cuộc đời thanh thản, hạnh phúc hơn.

4.1 Nhìn rõ hơn vào chính mình

Điều đầu tiên các Chàng trai ngoan có thể làm để cải thiện tình hình là nhìn rõ hơn vào chính bản thân mình. Vì sao lại cần như thế?

  • Thứ nhất, để hiểu vì sao mình đã lớn lên và trở thành con người như ngày hôm nay;
  • Tiếp theo, để trung thực và không sợ những mặt tối của chính mình. Trước khi có thể trung thực với mọi người và không sợ bộc lộ ra thế giới bên ngoài con người thật của mình;
  • Sau đó, để dám sống như một con người toàn diện. Không giấu giếm những nhược điểm và lỗi lầm. Không đè nén cảm xúc đến lúc sôi sục;
  • Cuối cùng, để dám đến thật gần người khác và để người khác đến gần. Thấu hiểu và yêu mến con người thật của mình.

Bạn mới là người quan trọng nhất. Khi bạn đã nhìn nhận rõ hơn về bản thân mình và có thể tin tưởng những điều sau đây:

  • Bản chất bạn không xấu;
  • Bạn không nhất thiết phải cố gắng đạt được sự tán thưởng của người khác;
  • Bạn có thể phạm lỗi hay có khuyết điểm và không phải giấu giếm;
  • Người ta có thể yêu thương con người thật của bạn

Giờ thì bạn đã tiến những bước rất dài trong việc khắc phục hội chứng Chàng trai ngoan.

4.2 Biết ưu tiên cho nhu cầu chính đáng của mình

Hầu hết các Chàng trai ngoan đều rất ít thể hiện rõ ràng những nhu cầu của họ. Điều này sẽ đem lại nhiều hậu quả như ta đã thấy. Do đó điều cốt yếu là các Chàng trai ngoan phải dành một tuần nghĩ đến nhu cầu của mình và ưu tiên chúng. Giải thích với bạn đời của bạn điều bạn đang làm và vì sao đó là cần thiết. Thời gian đầu bạn sẽ thấy lo lắng, nhưng điều này là bình thường. Tự nhắc nhở mình rằng bạn không cần phải làm điều này một cách rốt ráo, hoàn hảo. Chỉ cần bạn quyết định làm và có bắt tay vào thực hiện.

Một khi bạn đã biết ưu tiên cho những nhu cầu chính đáng của mình. Không những bạn sẽ thấy bớt thiếu thốn, tăng khả năng có được những gì bạn muốn và cần. Bạn có thể cho đi một cách vô tư hơn. Không nhằm mục đích đạt được điều gì, không mong đợi, không lầm lì giận hờn vì không nhận lại được điều mong đợi.

Bạn cũng sẽ trở nên thực sự hiền hòa, đáng yêu, hấp dẫn hơn trong mắt mọi người. Đặc biệt là vợ hay người yêu, vì bạn trở nên sinh động và sống thật với mình hơn.

4.3 Đối diện với nỗi sợ của chính mình

Con người thật của chúng ta có những điểm yếu. Nhưng cũng có cả những năng khiếu và sức mạnh mà xưa nay ta chưa biết đến. Hãy tìm một lĩnh vực mà bạn thường xuyên cảm thấy nổi giận hay mệt mỏi, không kiểm soát được tình thế. Lùi lại và nhìn sự việc một cách khách quan hơn. Tránh miêu tả, nói thay người khác khi xung đột: Anh thấy là em… Em thì lúc nào cũng… Chắc em coi thường anh… Thay vào đó, hãy miêu tả cảm xúc của chính bạn: Anh cảm thấy… Anh buồn vì… Anh lo lắng vì…

Tìm một nỗi sợ mà bạn thấy ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của mình. Ví dụ: sợ thất bại, sợ xấu hổ, sợ vợ hay người yêu ra đi. Khi đã tìm ra nỗi sợ quan trọng, hãy đương đầu với nỗi sợ đó trong tưởng tượng, và lặp lại với chính bạn: Mình có thể chịu được điều đó! Hãy lặp lại cho đến khi bạn cảm thấy câu khẳng định này bằng toàn bộ con người bạn.

4.4 Đủ can đảm để thành thật với chính mình

Đời sẽ thật dễ chịu nếu bạn biết điều gì nên làm và cứ thế thực hiện nó. Nhưng thường cuộc sống không diễn ra như vậy. Có khi bạn không biết phải làm gì. Có khi bạn biết, nhưng không đủ can đảm để làm điều đó, thế nên bạn mới giấu giếm hay nói dối. Hãy nhớ lại một sự việc, viết ra, đọc lại để đối mặt với nó. Kể với một người bạn tin tưởng. Sau đó, hãy quyết định nói ra sự thật, hoặc đi thực hiện điều bạn biết là nên làm. Lặp lại với mình rằng bạn có thể chịu được hậu quả, và các cơn khủng hoảng của người thân của bạn (nếu có nguy cơ đó) rồi cũng sẽ qua.

Quan sát chính mình trong vòng một tuần. Bạn có nói có trong khi lòng bạn muốn nói Không? Bạn tỏ vẻ đồng ý với người khác chỉ vì muốn tránh xung đột? Vì sợ bị người khác phản đối mà nhịn không làm điều mình muốn? Bạn có chịu đựng một tình huống khó chịu nào đó và hy vọng rằng với thời gian nó sẽ qua đi? Viết ra những suy nghĩ của bạn. Chia sẻ với một ai đó an toàn.

4.5 Giành lại chất Nam tính của bạn

Các Chàng trai ngoan có nguy cơ đánh mất Nam tính của mình qua nhiều năm dài sống dưới lớp vỏ bọc này. Có thể là do lòng nghi kỵ sâu sắc với cha và những người đàn ông khác. Để cải thiện vấn đề có một số gợi ý sau: 

  • Hãy tìm nhiều dịp để giải trí cùng các bạn phái nam của mình. Cách nào cũng tốt, miễn không làm hại sức khỏe và không làm tổn thương người thân của bạn.
  • Viết ra tên của ba người đàn ông mà bạn muốn có quan hệ thân thiết hơn. Bên cạnh đó, bạn viết ra những hoạt động mà bạn có thể chia sẻ với mỗi người. Sau đó, ghi ra ngày mà bạn hứa với chính mình sẽ bắt đầu những bước đầu tiên tiến đến gần những người bạn này.
  • Viết ra ba điều mà bạn đã xử tệ với cơ thể của mình. Và ba lời hứa về điều bạn sẽ làm để chăm sóc cơ thể tốt hơn.
  • Hình dung thật rõ một hình mẫu đàn ông nam tính. Anh ta trông ra sao? Anh ta có nét tính cách gì nổi bật? Bạn có biết ai đó mang nhiều nét bạn vừa tả không? Có thể dùng người này làm hình mẫu cho mình không? Học tập từ người đó bằng cách nào? Viết ra những điều đó.
  • Chia một tờ giấy làm hai cột. Viết một bên là những nét tính cách của cha bạn, bên kia là cực đối lập của mỗi nét tính cách đó. Đọc lại một cách khách quan. Giữa hai cực đối lập đó, bạn ở đâu?

Lời kết

Bài tập cuối cùng này thường đem lại cho các Chàng trai ngoan nhiều phát hiện nhất. Họ thường phát hiện ra mình vẫn thường nhìn cha với một cái nhìn cực đoan hơn thực tế. Có nhiều điểm họ cố gắng xử sự ngược với cha mình. Tuy vậy, họ vẫn giống cha nhiều hơn xưa nay họ vẫn tưởng. Và nếu họ vẫn cố gắng sống khác cha, điều này có nghĩa họ vẫn còn chịu ảnh hưởng quá lớn. Sự thực là, họ vẫn có thể trở nên khác với cha mình mà không trở thành cực đối lập, mà ta biết là cũng không kém phần cực đoan.

Bài viết liên quan: Cách để trở thành một người đàn ông trưởng thành

Nguồn tham khảo: 

  • Vũ Phi Yên, Một nửa của tôi ở đâu, NXB Phụ nữ, 2010
  • Guy Corneau, Thiếu cha, con trai bất thành, Cty sách Thái Hà, dự kiến xuất bản 2021

Về tác giả Vũ Phi Yên, TS. BS. ThS. Tâm lý Lâm sàng Vũ Phi Yên, nền tảng chuyên môn trong y khoa, di truyền học và tâm lý với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tâm lý.

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt