ý thức hành vi

Bạn đã thực sự hiểu hết bí ẩn và tầm ảnh hưởng của Ý Thức lên hành vi?

“Sao lại xả rác bừa bãi quá vậy, thiếu ý thức quá đi!”.

Chỉ một câu đơn giản nghe được ngoài đường phố như trên đây cũng đủ tóm tắt bản chất của ý thức rồi, tài tình hết sức. Giờ thì tôi lấy khả năng của người dạy học để đưa ra câu trả lời đầy đủ, sâu sắc hơn.

Mà trước khi vào đề tài chính, bạn có thể tìm hiểu thêm về cái Tôi, Vô thức, Vô thức tập thể để hiểu rõ những nội dung của Ý thức nhé.

1. Ý thức là gì?

Hãy ngắm hình ảnh dưới đây và chú ý vào phần màu đỏ – Prefrontal cortex. Đó là vùng gọi là Vỏ não trán trước. Vùng não này cho phép chúng ta ý thức về bản thân mình. Về cái Tôi, về những hành động của mình. Xem xét xem nó có đạo đức hay không? Có nên làm hay không? Điều hoà các loại cảm xúc – “Mình có đang nóng quá không – hay nên phải nguội lại?”.

Võ não trán trước - Prefrontal cortex
Võ não trán trước – Prefrontal cortex

Vùng này giúp ta chọn làm việc ABC theo cách XYZ, “Tôi sẽ làm theo cách của tôi”. Phần này hoạt động tương tác với môi trường xung quanh thông qua cảm nhận về Tôi (tôi nên làm điều này điều kia để môi trường cho tôi những điều tôi mong muốn).

Ý thức là từ vùng này mà ra. Ý thức (the conscious mind) là phần Tôi của bạn đã quyết định mở bài viết này để đọc và quyết định có đọc tiếp hay không. Đa số những ai không để ý đến tâm lý của chính mình thì chỉ biết về mình qua phần Ý thức này mà thôi. Bởi nó hiện rõ rành rành cho ta nhận biết. Nó là phần nổi lên mặt nước trong hình dung tảng băng trôi.

2. Đặc điểm của Ý thức

2.1 Ý thức bao gồm những cảm giác

Những cảm giác nhận được qua 5 giác quan, và sau một loạt xử lý vô thức mà ta không biết gì mấy. Chính là cái mà “Tôi cảm thấy” – “Tôi nghĩ” – “Tôi hành động”.

2.2 Rất dễ bị bão hoà.

Tung cho nó khoảng 7 việc cần làm một lúc (cộng trừ 2) thì nó sẽ bão hoà, “treo máy”. Tôi chẳng quan tâm nổi đến 7 thứ một lúc. Bạn thì sao?

2.3 Hoạt động trong trạng thái hoạt động tỉnh táo của não

Nếu đo điện não đồ ta sẽ thấy đó là sóng beta. Ý thức cũng có trong trạng thái sóng alpha nữa – chậm hơn beta một chút – là khi ta thư giãn. Khi ta mơ màng, nửa thức nửa ngủ (sóng não theta) và khi ta ngủ hẳn thì Ý thức ngủ. Còn Vô thức thì sao? Khi ấy Vô thức vẫn hoạt động, nó đảm bảo những vận động sinh tồn (tim đập, thở…) và tạo ra các giấc mơ. 

2.4 Giúp kiềm chế một phần các xung năng vô thức.

Giới Tâm lý cho rằng chính trong tầng Ý thức này mà ta nhận biết thời gian. Chứ đối với Vô thức thì thời gian là một thứ mơ hồ lắm. Và chính nó tạo ra và giữ khăng khăng Cái Tôi. Vỏ não trán trước cũng đôi khi được gọi tên là The Me Center.

2.5 Khi ta lớn dần lên, Ý thức mạnh dần lên.

Theo các nhà thần kinh học, vùng vỏ não trán trước chưa phát triển hoàn toàn khi chưa đến tuổi 25. Các bạn có Rối loạn tăng động giảm chú ý thì vùng này chậm phát triển hơn bình thường. Và có trường hợp thật già rồi mà vùng này vẫn yếu như thường. 

Vậy thì nếu bạn yêu một người mới hơn 20 tuổi, ham ăn thì không nhịn được, ngủ nướng cũng không bỏ nổi, lỡ mê lỡ nghiện điều gì là không buông ra được, tính khí bốc đồng, v.v. thì khoan đừng tuyệt vọng “đánh giá nhân cách” họ. Có khi bạn cần chờ cho vùng vỏ não trán trước của họ phát triển hơn chút nữa. Cũng tương tự với chính mình, nếu bạn còn rất trẻ: bây giờ bạn chưa kiềm chế được chính mình, chưa, nhưng sẽ. Có những cách thức luyện tập giúp mau trưởng thành hơn, bạn có thể đi tìm nếu thấy sốt ruột.

Đơn giản, bạn nhỉ?

Đã từ rất lâu rồi, các nhà tâm lý mô tả con người với 3 phần tâm hồn như thế: Ý thức – Vô thứcVô thức Tập thể

3. Bí ẩn cần sự giải đáp của Ý thức

Ý thức thì rõ ràng, ai cũng nhận biết, nó là phần rất người của chúng ta, luôn học hỏi, ý thức thêm cái này cái khác, luôn tiến hoá về phía trước. Vô thức huyền bí hơn đối với người bình thường vì không trực tiếp nhận biết được. Nhưng đến nay Vô thứcVô thức Tập thể đã được nghiên cứu đủ nhiều để không còn bị nghi ngờ về sự tồn tại nữa. Người ta đi thẳng vào để tác động chúng. Ngoài các nhà tâm lý thì các chuyên gia quảng cáo, các nhà văn, biên kịch phim cũng vô cùng hứng thú với Vô thức.

Thế mà – để mô tả tâm lý con người thì vậy là chưa đầy đủ. Mời bạn suy ngẫm về hai bí ẩn sau đây nhé:

Bí ẩn số 1: Giấc mơ

Có một số người (mong rằng bạn cũng thuộc số ấy) thỉnh thoảng nằm mơ mà biết được rằng mình đang nằm mơ. Người ấy tự quan sát giấc mơ một cách tỉnh táo, và có khi còn can thiệp sửa đổi giấc mơ nữa (cái này gọi là Lucid dreaming).

Kỳ lạ chưa: Ngủ đồng nghĩa Ý thức ngủ mất rồi. Vô thức là cái tên tạo ra giấc mơ. Vậy thì trời ơi, tên nào là tên đứng sau quan sát?

Chữ trong ngành (được nêu ra từ xưa lắm rồi, Milton Erickson có dùng chữ này, mà mình không biết ông ấy có phải là người đầu tiên nghĩ ra chữ đó không) là The Ego observer, hay có trường phái còn gọi là The hidden observer: Người quan sát giấu mặt.

Bí ẩn số 2: Câu chuyện người tự tử

Tôi có nói trong bài Vô thức rằng:

  • Vô thức xuất phát trước Ý thức.
  • Vô thức Cơ thể là bản năng bảo vệ an toàn cho chính ta, giữ cho ta sinh tồn.

Thế thì ta giải thích thế nào chuyện người tự tử? Dù Ý thức có suy tư chán chê rồi quyết định chết, thì Vô thức đâu để chuyện đó xảy ra (và phản ứng tự bảo vệ của Vô thức là rất mạnh). Vô thức đi trước, Vô thức bảo không thì là không. Sao người ấy lại có thể tự giết mình chết cho được?

Trừ khi có một “ông trùm” còn cao hơn hẳn các nhân vật mà chúng ta đã biết, và có khả năng ra lệnh cho tất thảy. 

Người quan sát giấu mặt hay “ông trùm” bí ẩn này là ai? Mời các bạn mở lòng, mở tim chờ đợi phần sau nhé.

—————————————-

Nguồn tham khảo:

The Neuroscience of Making a Decision

About The Me Center during meditation (This Is Your Brain on Meditation).

TS. BS. ThS. Tâm lý Lâm sàng Vũ Phi Yên

Về tác giả Vũ Phi Yên, TS. BS. ThS. Tâm lý Lâm sàng Vũ Phi Yên, nền tảng chuyên môn trong y khoa, di truyền học và tâm lý với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tâm lý.

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt