phân biệt lo âu trầm cảm

Làm sao phân biệt giữa Lo âu và Trầm cảm?

Nhiều người trải qua lo âu (anxiety) hay trầm cảm (depression) cũng biết rằng các triệu chứng của mỗi loại không phải lúc nào cũng được xác định rõ ràng. Các triệu chứng có thể chồng chéo lẫn nhau. Thường gặp là khó tập trung, khó ngủ, mệt mỏi và mất hứng thú với những hoạt động từng thích.     

Khó có thể dễ dàng phân biệt lo âu và trầm cảm. Và trong nhiều trường hợp, người ta có thể mắc cả hai cùng một lúc. Thêm một lý do cho sự nhầm lẫn này là khả năng tình trạng này “bắt chước” tình trạng kia.

1. Phân biệt Lo âu và Trầm cảm

Lo âu là gì?

Lo âu là cảm giác lo lắng thường trực. Nó có thể tự đến, hay được kích hoạt bởi các sự kiện hoặc yếu tố nhất định. 

Các dấu hiệu thể chất của lo âu thường bao gồm khó thở, thở ngắn và căng cơ. Những người đang bị lo âu đôi khi trải qua các cơn hoảng loạn (panic attacks), tim đập nhanh và chóng mặt.    

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là tình trạng buồn bã kéo dài hoặc mất hứng thú với các hoạt động trước đây người đó yêu thích. Đặc trưng là ít năng lượng, cảm giác giá trị bản thân rất thấp, và đôi khi có ý nghĩ tự tử.

Vì sao khó phân biệt lo âu và trầm cảm?

Có nhiều lý do khiến các triệu chứng của lo âu và trầm cảm có phần trùng lặp với nhau. Ví dụ, lo âu có thể khiến một người ngừng một hoạt động hoặc rút lui khỏi môi trường xã hội. Thường là do hoạt động ấy hoặc môi trường ấy có thể kích hoạt cơn hoảng loạn. Trầm cảm cũng có thể khiến người ta rút lui theo những cách tương tự. Trong trường hợp trầm cảm, việc rút lui có thể là do mất hứng thú với hoạt động này.

Mệt mỏi hoặc mất năng lượng là các triệu chứng khác thường gặp trong trầm cảm. Tuy nhiên, lo âu cũng có thể gây mất năng lượng, do lo âu quá dẫn đến  kiệt sức. Tình trạng mệt mỏi này thường là do cách suy nghĩ nhiều lo lắng. Lật đi lật lại những ý nghĩ  ám ảnh, hay gặm nhấm hoài sự việc nào đó. Trong trường hợp trầm cảm, cảm giác kiệt sức có thể xảy đến như một triệu chứng chính mà không thấy lý do cụ thể. 

Nếu hiểu biết rõ hơn là ta đang mắc phải lo âu hay trầm cảm thì ta có thể dùng các cách tiếp cận khác nhau nhằm giải quyết những nguyên nhân này.

2. Dấu hiệu cho thấy lo âu có thể là nguyên nhân chính

Nếu bạn nhận ra mình có hầu hết các triệu chứng này, bạn có thể đang trải qua lo âu:

  • Tay hay chân lạnh, đổ mồ hôi, tê, ngứa ran
  • Hụt hơi
  • Tim đập nhanh
  • Nhiều ý nghĩ dồn dập
  • Khô miệng
  • Buồn nôn
  • Chóng mặt

Khi bạn nhận chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu với một nguyên nhân cụ thể nào đó. Ví dụ: trải qua các cơn hoảng loạn hoặc lo âu xã hội), nghĩa là lo lắng là nguyên nhân gốc rễ của khó khăn bạn đang gặp phải, nhưng đồng thời bạn cũng có thể có các triệu chứng trầm cảm. Vì lo âu mà bạn rút lui khỏi cuộc sống, các mối quan hệ hay các môi trường xã hội. Hành vi này có thể gây ra cảm giác vô vọng và cô đơn, có thể giống như trầm cảm. 

Khả năng bạn bị lo âu cũng cao hơn nếu:

  • Tiền sử lo âu trong gia đình
  • Từng nhút nhát khi còn nhỏ  
  • Đã trải qua những triệu chứng này từ khi còn nhỏ

Những người được chẩn đoán bị trầm cảm có thể cảm thấy lo âu. Thuật ngữ cho tình trạng này là “buồn rầu lo lắng (anxious distress)”. Đặc trưng của nó là cảm giác căng thẳng, bồn chồn và khó tập trung. Cảm giác tuyệt vọng đi kèm với chứng trầm cảm có thể khiến bạn lo lắng về tương lai. Những người bị trầm cảm kết hợp với  lo âu có thể có nguy cơ tự tử cao hơn. Với những trường hợp này, điều quan trọng là phải tìm cách điều trị.

3. Dấu hiệu cho thấy trầm cảm có thể là nguyên nhân chính

Trầm cảm được mô tả dưới tên Rối loạn trầm cảm nặng (major depressive disorder) trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). 

Một dấu hiệu chính của bệnh trầm cảm là có các giai đoạn trầm cảm rõ ràng. Là khi các triệu chứng trầm cảm trở nên nghiêm trọng đến mức hạn chế hoạt động hàng ngày của con người. Một số dấu hiệu chính khác của bệnh trầm cảm là: 

  • Cảm giác buồn rầu dữ dội 
  • Ngủ quá nhiều
  • Mệt mỏi hoặc cảm giác bị “đè nặng” 
  • Cảm giác vô vọng hoặc tội lỗi   
  • Quá trình tư duy chậm lại
  • Có những suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử

Một số loại trầm cảm dễ xác định vì có hầu hết các đặc điểm giống như mô tả phía trên. Hoặc là vì rõ ràng có liên quan đến một sự kiện nào đó trong cuộc sống. Trầm cảm sau sinh, xảy ra sau khi sinh con, hoặc rối loạn cảm xúc theo mùa… là ví dụ về trầm cảm có các yếu tố kích hoạt rõ ràng.   

Những người trải qua lo âu như bệnh chính cũng có thể được chẩn đoán mắc một trong những tình trạng trầm cảm này. Với những trường hợp đó, hai rối loạn sẽ được coi là cùng xảy ra, hoặc như bệnh kèm theo (comorbid). 

Bạn có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn nếu: 

  • Trong gia đình bạn đã có người bị trầm cảm
  • Bạn vừa trải qua một mất mát đau thương gần đây 

Một người có lo âu là bệnh chính vẫn có thể có dấu hiệu trầm cảm. Những người lo âu có thể tiêu hao quá nhiều năng lượng của họ cho việc lo lắng. Khiến họ không còn nhiều năng lượng thực hiện các công việc hay sở thích hàng ngày. Khi lo âu gây choáng ngợp hoặc kiệt sức, trông nó bắt đầu giống với trầm cảm.

Trải nghiệm xen kẽ, chồng chập giữa giữa lo âu và trầm cảm rất dễ khiến ta nản lòng. Trải nghiệm khi ấy có thể giống như những vòng xoáy một chu kỳ tiêu cực. Trong đó những khoảnh khắc cân bằng là rất hiếm hoi. Trạng thái cân bằng, ta biết là rất cần thiết nhưng rất khó đạt được.

4. Liệu tôi có bị cả Lo âu lẫn Trầm cảm hay không?

Có thể khó mà kết luận được rằng bạn có bị cả lo âu và trầm cảm hay không. Hoặc khi các triệu chứng có thể chồng chập như đã phân tích ở trên. Trong một nghiên cứu, 72% những người mắc chứng lo âu tổng quát có tiền sử trầm cảm. Và 48% người bị trầm cảm có tiền sử lo âu. 

Và cũng nhờ các nghiên cứu, chúng ta biết rằng lo âu và trầm cảm tồn tại song song như bệnh kèm theo hóa ra là khá phổ biến.

Thậm chí, điều này còn có thể mang tính tích lũy; có nghĩa là một người có thể bị lo âu và trầm cảm ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Một số chuyên gia cho rằng lo âu khi còn trẻ có thể làm tăng khả năng bị trầm cảm trong tương lai. Trầm cảm cũng có thể báo trước sự lo âu.

5. Cần làm gì khi bạn không phân biệt lo âu và trầm cảm được?

Các câu hỏi hoặc thắc mắc về trầm cảm và lo âu nên được chuyển đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần đáng tin cậy. Những nhà trị liệu thường được đào tạo để xác định nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề. Thảo luận về các triệu chứng của bạn trước và trong khi thực liệu pháp có thể giúp bạn khám phá ra nguồn gốc của vấn đề khiến bạn tìm kiếm sự trợ giúp. Khi bạn và nhà trị liệu xác định được vấn đề, bạn có thể học cách khắc phục hoặc quản lý nó. 

Liệu pháp trò chuyện có thể hữu ích trong việc xác định nguyên nhân của các triệu chứng nhất định. Một nhà trị liệu được đào tạo có thể giúp làm sáng tỏ các triệu chứng của bạn và xem điều gì có thể gây ra chúng. 

Cho dù bạn trải qua lo lắng, trầm cảm hay cả hai. Nhà trị liệu của bạn có thể giúp lập một kế hoạch để giải quyết những tình trạng đó một cách bền vững. Có thể cần nhiều buổi trị liệu, tham gia một nhóm hỗ trợ, theo học các kiến thức tâm lý, đôi khi bạn cũng cần được  bác sĩ tâm thần hỗ trợ bạn điều trị bằng thuốc.  

Lời kết

Bất kể bạn thực hiện những bước tiếp theo như thế nào. Điều quan trọng cần nhớ là mỗi người trải qua lo lắng và trầm cảm theo cách khác nhau, không ai là hoàn toàn giống ai.

Không phải lúc nào bạn cũng cần biết mọi nguyên nhân của vấn đề sức khỏe tâm thần thì mới điều trị được nó. Nhưng việc gọi tên và xác định được một vấn đề, đặc biệt là một vấn đề gốc rễ, có thể giúp giảm bớt cảm giác lo lắng hoặc không chắc chắn ở một số người. 

Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ đơn độc. Có khi, chỉ cần đặt một câu hỏi với một nhà trị liệu đáng tin cậy đã là bước quan trọng để bạn tìm được sự hướng dẫn và trợ giúp mà bạn rất cần.

Nguồn tham khảo:

Trầm cảm và lo âu.

Yếu tố nguy cơ. (2016).

Đó có thực sự là trầm cảm không?

Trầm cảm và rối loạn lo âu tổng quát: tỷ lệ mắc bệnh đi kèm tích lũy và tuần tự trong một nhóm thuần tập sinh được theo dõi theo tiến trình cho đến năm 32 tuổi. Arch Gen Psychiatry, 6 (64), 651-660. doi: 10.1001 / Archpsyc.64.6.651 

Lo âu và trầm cảm: Cách phân biệt.

Nhận biết sự khác biệt. (nd). Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ.

Bộ chỉ định về buồn rầu lo lắng DSM-5 MDD: Một yếu tố dự báo hữu ích về rủi ro: Tự tử, bệnh đi kèm, khuyết tật và phương pháp điều trị?