lợi ích của sự tức giận

Sự giận dữ có phải là cảm xúc cần tránh?

“Giận quá mất khôn” – có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đã từng nghe qua hoặc nhận bài học thấm thía từ câu thành ngữ này. Những trận nổi cơn tam bành gây ra những hậu quả mà chúng ta phải hối tiếc. Hay những nóng giận bột phát khiến chúng ta hành xử làm người thân yêu tổn thương. Hoặc một số người trong chúng ta hứng chịu những nỗi đau tinh thần do cơn giận dữ từ người khác.

Chính vì lẽ này, mà chúng ta thường nhìn nhận sự giận dữ là điều gì đó “cần phải chỉnh sửa”, hay đây là một “cảm xúc không hay, cần phải tránh.” Nhưng trên thực tế, ngày càng có nhiều nhà tâm lý học xã hội, nhà khoa học và chuyên gia sức khỏe tinh thần cho rằng sự tức giận cũng có những phẩm chất quý giá và có lợi cho con người.

Điều quan trọng đó là phân biệt giữa cảm xúc giận dữ với phản ứng của chúng ta khi tức giận. Nếu chúng ta xem sự tức giận là điều gì đó cho chúng ta thêm thông tin, chúng ta có thể điều chỉnh phản ứng của mình cho phù hợp. Sau đây là danh sách những lợi ích mà cảm xúc tức giận có thể mang lại khi đạt được mức độ cảm xúc và phản ứng thích hợp.

1. Sự giận dữ hỗ trợ việc sinh tồn

Sự tức giận khiến mọi người cực kỳ cảnh giác trước các mối đe dọa, giúp ta tập trung vào việc tự bảo vệ chính mình. Khi bị đe dọa hoặc tấn công bởi một kẻ săn mồi, sự tức giận sẽ tự động được kích hoạt, thúc đẩy ta chống trả, hành động nhanh chóng và mạnh mẽ để bảo vệ bản thân.

2. Biết cách xả giận lành mạnh sẽ giúp giảm stress

Khi chúng ta tức giận vì một vấn đề nào đó, ta sẽ trải qua nỗi đau cả về thể xác và tinh thần. Sự giận dữ thúc đẩy ta làm điều gì đó để giải quyết vấn đề. Như vậy, tức giận giúp chúng ta giảm stress bằng cách giải phóng căng thẳng trong cơ thể trước tiên, và sau cùng là làm dịu “thần kinh” của chúng ta. Đó là lý do tại sao ta có thể có phản ứng tức giận và cảm thấy bình tĩnh trở lại.

3. Tức giận mang lại cảm giác kiểm soát

Sự tức giận bảo vệ những gì thuộc về chúng ta, giúp ta cảm thấy có trách nhiệm hơn là bất lực. Những cá nhân trải qua và thể hiện cơn giận của mình một cách thích hợp có khả năng đáp ứng nhu cầu và kiểm soát số phận của họ hơn những người kìm nén sự tức giận.

4. Sự tức giận tiếp thêm năng lượng

Ở góc độ sinh tồn, sự tức giận mang lại cho chúng ta sức mạnh và máu hiếu chiến giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù mạnh hơn. Trong các tình huống hàng ngày, sự tức giận đóng vai trò như một động lực tích cực thúc đẩy chúng ta tự đứng lên và tìm ra giải pháp một cách sáng tạo cho những thách thức mà chúng ta phải đối mặt.

5. Tức giận thúc đẩy việc tìm ra cách giải quyết vấn đề

Khi cảm thấy mọi thứ không như ý, chúng ta có thể nổi giận, sự tức giận sẽ thúc đẩy chúng ta tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình. Sự tức giận được kích hoạt khi chúng ta đối mặt với một trở ngại hoặc một người ngăn cản nhu cầu của chúng ta. Nó chuẩn bị để chúng ta đối phó với những trở ngại hoặc vấn đề trên con đường đạt được mục tiêu ta muốn.

6. Tức giận dạy cho ta về sự bất công

Chúng ta thường tức giận khi bị từ chối các quyền hoặc khi đối mặt với những lời xúc phạm, thiếu tôn trọng, bất công hoặc bóc lột. Sự tức giận đóng vai trò như một lời nhắc nhở chỉ ra điều gì đó không đúng, rằng ai đó đã đối xử bất công với chúng ta.

7. Tức giận giúp ta không đánh mất mục tiêu

Sự tức giận thúc đẩy chúng ta theo đuổi mục tiêu và phần thưởng mình muốn. Khi chúng ta không đạt được những gì chúng ta đặt ra, sự tức giận sẽ bùng phát và cho thấy chúng ta đã rời xa mục tiêu của mình. Cảm xúc này cũng tiếp thêm sinh lực và thúc đẩy chúng ta hành động để đạt được mục tiêu và hướng tới lý tưởng của mình.

8. Tức giận có thể thúc đẩy cảm giác lạc quan

Sự tức giận có thể giúp ta quên đi những nỗi đau, sự xúc phạm hoặc cảm giác bản thân là nạn nhân. Khi tức giận, chúng ta thường cảm thấy tích cực về khả năng thay đổi tình hình, từ đó bắt đầu hành động và chuyển từ vị trí không mong muốn sang vị trí mong muốn.

9. Sự giận dữ bảo vệ giá trị và niềm tin của chúng ta

Sự tức giận đóng vai trò như một kim chỉ nam, giúp ta điều chỉnh phù hợp các giá trị xã hội và cá nhân. Nó được kích hoạt khi các giá trị của chúng ta đang không hài hòa với tình huống mà chúng ta phải đối mặt. Nó cũng thúc đẩy chúng ta hành động để thay đổi hoàn cảnh cho phù hợp với giá trị cá nhân.

10. Tức giận là một công cụ thương lượng

Sự tức giận bùng phát một cách tự nhiên khi ai đó đặt phúc lợi của chúng ta thấp hơn so với của họ. Nó giúp điều chỉnh lại tình hình, và do đó làm tăng giá trị của mình. Sự tức giận cũng khẳng định mạnh mẽ lập trường của chúng ta, và có thể thuyết phục người khác tốt hơn.

11. Tức giận làm tăng khả năng hợp tác

Sự tức giận thể hiện với người khác rằng ta đang cần được lắng nghe – rằng chúng ta cảm thấy khó chịu, và có lẽ họ nên chú ý đến lời nói của mình hơn. Sự tức giận khiến bạn đứng lên bảo vệ bản thân và thách thức đối phương một cách có tính xây dựng. Nếu sự tức giận là chính đáng và phản ứng phù hợp, thông thường sự hiểu lầm sẽ được sửa chữa, dẫn đến tăng cường hợp tác.

12. Tức giận cải thiện vị trí đàm phán

Sự tức giận có thể dẫn đến kết quả tốt hơn trong các cuộc đàm phán kinh doanh. Trong khi hai bên thương lượng, người đàm phán có vẻ tức giận hơn có thể có lợi hơn để nghiêng thỏa thuận có lợi cho họ. Tương tự, khi một bên tin rằng bên đàm phán kia đang tức giận, họ có thể sẵn sàng thỏa hiệp hơn.

13. Tức giận làm giảm đi cảm xúc đau đớn

Tức giận tồn tại để bảo vệ nhân cách khỏi sự lo lắng không thể chịu đựng được khi bản ngã bị tấn công. Giận dữ là một cảm xúc thô sơ, “hời hợt”, để bảo vệ bạn khỏi những cảm xúc đau đớn hơn.

14. Sự giận dữ giúp ta khám phá ra một cái tôi sâu sắc hơn

Tức giận nói chung là một cảm xúc rất rõ ràng. Giống như sự phun trào núi lửa, cảm xúc này có nhiều lực đẩy để xuất hiện lên bề mặt, chẳng hạn như sợ hãi và phòng thủ. Giận dữ cho ta cái nhìn sâu sắc về bản thân, những điều được giấu kín nhất. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải lần theo dấu vết của sự tức giận và đào sâu để tìm ra và giải quyết nguồn gốc của nó. Chỉ sau khi giải quyết được tình trạng tắc nghẽn dẫn đến tức giận, chúng ta mới có thể giải thoát mình khỏi sự khốn khổ mà đôi khi nó gây ra.

15. Tức giận giúp cải thiện bản thân

Sự tức giận có thể khiến bạn trở thành một người tốt hơn và có thể là động lực thay đổi tích cực. Nó cho ta nhận diện lỗi lầm và thiếu sót của mình, đưa ra đánh giá mang tính xây dựng, và từ đó dẫn đến những kết quả tốt hơn. Cũng giống như động lực, nó có thể dẫn đến sự thay đổi bản thân.

16. Cảm giác tức giận nâng cao trí tuệ cảm xúc

Những người sẵn sàng đón nhận những cảm xúc không thoải mái như tức giận, thay vì tránh né hoặc kìm nén, có trí thông minh cảm xúc cao hơn. Họ không chống lại sự tức giận, thay vào đó sử dụng sự thông thái cảm xúc đó để đạt được những kết quả tích cực. Sự tức giận cho ta linh hoạt trong hệ thống phản ứng cảm xúc, vì thế ta trở nên dễ thích nghi và kiên cường hơn.

LỜI KẾT TỪ HEALTHY MIND

Giận dữ là một phần không thể thiếu trong cơ chế chiến đấu hoặc bỏ chạy của chúng ta. Động lực và hành động được cung cấp bởi sự tức giận có thể thúc đẩy chúng ta đạt được mục tiêu của mình. Giận dữ, giống như ngọn lửa, là một sức mạnh nguyên thủy. Khi không được kiểm soát, nó có thể phá hủy, nhưng khi được quản lý và sử dụng một cách khôn ngoan, nó có thể là một công cụ hữu ích và mạnh mẽ dẫn đến giác ngộ.

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt