làm chủ những suy nghĩ

Cách làm chủ những suy nghĩ khi bạn lo lắng quá mức

Nếu bạn có rối loạn lo âu, bạn có lẽ đang trải qua những cuộc vật lộn trong tâm trí. Bạn bị tra tấn bởi vô vàn những suy nghĩ tiêu cực từ đâu ập tới; bạn dường như không thể làm chủ những suy nghĩ. Những tiếng nói vô hình cứ thủ thỉ vào tai bạn những điều đáng sợ và tồi tệ. Chúng bắt bạn phải lo lắng, suy nghĩ và tìm kiếm sự trấn an về tất cả những điều này. Tệ nhất là, khi bạn cố gạt đi những ý nghĩ ấy; thì cảm giác tự ti, lo sợ lại nổi lên trong bạn.

Dường như tâm trí bạn đang tra tấn chính mình.

Vì sao những suy nghĩ có khả năng kiểm soát bạn?

Nhưng bạn à, đừng tôn thờ quá những suy nghĩ của mình. Bạn đã chú tâm nhiều vào những dòng suy nghĩ. Bạn cho rằng khi ý nghĩ hiện ra; đó sẽ là điều quan trọng cần để tâm tới. Chắc hẳn phải có điều gì khiến bạn suy nghĩ như vậy. Và những suy nghĩ của bạn sẽ luôn chính xác. Đó chính là vấn đề của bạn.

Bạn cảm thấy tâm trí như đang tra tấn mình; nhưng bạn lại nhắm mắt nghe theo những suy nghĩ đó. Vậy sau cùng, bạn có muốn làm theo những điều khiến bạn khổ đau?

Vấn đề không phải là những ý nghĩ tiêu cực trong tâm trí bạn. Ngược lại, đó là do chính bạn tôn thờ suy nghĩ của mình quá nhiều. Điều mà tâm trí bạn cho là quan trọng, chưa chắc đã quan trọng tới vậy. Suy nghĩ cũng chỉ là suy nghĩ.

Suy nghĩ không phải là sự thật. Suy nghĩ không có ý nghĩa ẩn sâu sau nó. Nội dung suy nghĩ của bạn cũng không quan trọng đến vậy.

Cách để bạn làm chủ những suy nghĩ của mình

Điều cần nhất, đó là cách bạn đối xử với tâm trí của mình. Nếu bạn cho rằng mọi ý nghĩ đều có chính xác; thì bạn đã tự đưa mình vào con đường của rối loạn lo âu. Có một cách tốt hơn để đối xử với suy nghĩ của mình, đó là đừng quá coi trọng nó. Đừng tin tất cả những gì nó nói, đừng lấy chúng như một nguồn thông tin đáng tin cậy. Nhất là, đừng coi những điều bạn đang lo lắng là có thật.

Bạn ơi, bạn có một tâm trí thật đẹp, bạn chỉ chưa biết cách dùng sao cho thật đúng. Suy nghĩ của bạn cũng chẳng hề hoàn toàn vô nghĩa hay tiêu cực. Suy nghĩ chỉ đang làm việc mà chúng cần làm. Tâm trí cảnh báo chúng ta về những mối hiểm họa tiềm tàng; để giúp bạn hành động và bảo vệ an toàn cho bản thân. Nhưng nhiều khi, tâm trí cũng hoạt động quá tải và đưa ra những ý nghĩ quá mức. Vậy nên, suy nghĩ cũng chỉ là suy nghĩ. Ý nghĩ hiện ra trong đầu bạn chưa chắc đã là thật, và quan trọng.

Khi bạn nghĩ rằng người thương sắp rời bỏ mình; đó có thể chỉ là một tiếng ồn phát ra từ động cơ khi tâm trí của bạn đang làm việc. Hãy bỏ qua, và tiếp tục với những công việc bạn đang làm.

Khi bạn nghĩ mình có thể bị mắc một căn bệnh chết người vì đã chạm vào một đồ bẩn; đó có thể chỉ là một tế bào sợ hãi đột nhiên kích hoạt trong não của bạn. Có thể, sẽ chẳng có gì xảy ra cả đâu. Hãy đối xử với tâm trí mình như vậy: đừng bận tâm quá nhiều; và cũng đừng cho nó cơ hội để chiếm nhiều thời gian của bạn.

Khi bạn có ý nghĩ rằng những lo lắng của mình sẽ không bao giờ vơi đi; đó có thể chỉ là âm thanh ong ong trong đầu bạn. Hãy đối xử với nó bằng cách đáp lại rằng, cảm ơn những suy nghĩ tiêu cực đã cố dìm tâm trạng bạn xuống, nhưng sẽ chẳng có tác dụng đâu.

Hãy nhớ rằng, khi bạn đối xử với tâm trí của mình như vậy; không có nghĩa là những ý nghĩ tiêu cực sẽ ngừng xuất hiện. Tâm trí của bạn sẽ luôn làm những điều mà nó muốn, bạn không thể kiểm soát được điều đó. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát lo âu và làm chủ được phản ứng của mình khi những ý nghĩ tiêu cực ập tới.

Lời kết từ Healthy Mind

Lần tới, khi trong đầu bạn vang lên giọng nói về những điều bạn cần lo lắng; hãy cố gắng đáp lại nó bằng một cách khác. Đừng tin tưởng tâm trí của bạn quá nhiều. Thay vào đó, hãy tập trung trở lại với công việc bạn đang làm; và nỗ lực hết mình cho hiện tại.

Dù cho bạn không thể ngăn cản những ý nghĩ tiêu cực xuất hiện trong đầu mình; không sao cả, bởi vì suy nghĩ thì cũng chỉ là suy nghĩ mà thôi.

Dịch tiếng Việt bởi Vũ Thị Ngọc Mai từ bài viết Thoughts Are Just Thoughts: How to Stop Worshiping Your Anxious Mind.

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt