phân biệt lo lắng lo âu

10 điểm khác biệt giữa lo lắng và lo âu

Thông thường người ta hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm lo lắng và lo âu; cho rằng chúng có ý nghĩa tương đồng với nhau. Tuy nhiên đây là hai trạng thái tâm lý rất khác nhau. Mặc dù cả hai đều có liên quan tới một cảm giác âu lo và bất an; thế nhưng cách mà chúng ta trải nghiệm chúng có phần khác biệt; đặc biệt là ở những tác động mà mỗi trạng thái gây ra đối với sức khỏe tâm lý và cảm xúc. Vậy khác biệt lo âu lo lắng là gì? Dưới đây sẽ cho bạn biết 10 điểm để phân biệt.

1. Lo lắng diễn ra trong tâm trí, lo âu biểu hiện ở cơ thể

Lo lắng thường đến từ những suy nghĩ trong đầu chúng ta; trong khi đó lo âu biểu hiện ở những dấu hiệu nảy sinh tại các bộ phận trên cơ thể.

2. Lo lắng rõ ràng trong khi lo âu thì có tính khuếch đại hơn.

Thông thường, một người cảm thấy lo lắng khi đang trễ một chuyến bay (một nguy cơ cụ thể). Ngược lại, một người lo âu lại có những sự e ngại mơ hồ và chung chung hơn; chẳng hạn như việc đi du lịch.

3. Lo lắng tập trung vào lời nói trong khi lo âu là cả suy nghĩ bằng lời và hình ảnh trong tâm trí.

Điểm khác biệt này rất đáng lưu tâm; bởi những hình ảnh cảm xúc trong tâm trí (liên quan đến lo âu) gây ra phản ứng tim mạch mạnh mẽ hơn những suy nghĩ cảm xúc bằng lời (liên quan đến lo lắng). Đây là lý do mà chúng ta có thể cảm nhận nỗi lo âu xuyên suốt cả cơ thể.

4. Lo lắng kích thích nhu cầu giải quyết vấn đề, lo âu thì không

Lo lắng có thể kích thích chúng ta tìm kiếm giải pháp và chiến lược; để ứng phó với tình huống mà mình đang phải đối mặt. Ngược lại, lo âu lại giống như một chú chuột hamster chạy vòng quanh bánh xe của mình; và không dẫn đến một giải pháp hiệu quả. Bản chất mơ hồ của lo âu khiến nó không dễ để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề.

5. Lo lắng gây ra nỗi đau cảm xúc nhẹ, không nguy hại tới sức khỏe tâm lý như lo âu

Lo âu có uy lực lấn át; chính vì vậy mà nó có thể trở thành một trạng thái tâm lý nguy hại và rắc rối hơn là sự lo lắng đơn thuần.

6. Lo lắng nảy sinh từ các vấn đề thực tế hơn lo âu

Nếu như thành quả của dự án gần đây khiến bạn e ngại rằng mình có thể bị sa thải; thì đó là dấu hiệu của sự lo lắng. Mặt khác, nếu như bạn cảm thấy lo sợ khi không thấy sếp hỏi thăm về màn độc tấu dương cầm của con mình; thì đó là dấu hiệu của lo âu.

7. Lo lắng dễ kiểm soát hơn lo âu

Bằng cách giải quyết và lên chiến lược để ứng phó với những vấn đề khách quan; ai cũng có thể dễ dàng thoát khỏi những mối lo lắng. Ngược lại thì lo âu lại khó kiểm soát; bởi việc tự dàn xếp với nội tâm của mình khó hơn rất nhiều.

8. Lo lắng thường tạm thời, lo âu lại dai dẳng

Một khi tác nhân gây ra lo lắng đã được giải quyết; nó sẽ dần bị loại trừ và biến mất. Mặt khác, lo âu lại kéo dài dai dẳng trong khoảng thời gian dài; và thậm chí là có thể bộc phát ở nhiều tình huống và thời điểm khác nhau. (giả dụ như tuần này bạn lo âu về công việc; tuần sau là về sức khỏe; và thậm chí sau đó là về những đứa con của mình, v.v.)

9. Lo lắng không gây ảnh hưởng tới khía cạnh cá nhân lẫn công việc như lo âu

Không có nhiều người xin nghỉ một ngày chỉ để lo lắng về việc con mình có thi tốt hay không; song những cơn lo âu có thể gây ra những hành vi bồn chồn và khó chịu như vậy. Đôi khi người lo âu có thể bị mất khả năng tập trung đến mức khó hoàn thành công việc.

10. Lo lắng không phải là trạng thái tâm lý được quy chuẩn như lo âu

Trong những trường hợp và khoảng thời gian nhất định; cơn lo âu có thể được coi như một dạng rối loạn tâm lý cần được chữa trị và kê đơn thuốc.

Trong thực tế sinh hoạt hàng ngày, việc định vị những dạng cảm xúc một cách khoa học; chính là bước đầu để chúng ta có thể điều hòa các cảm xúc của mình. Chính vì lẽ đó mà việc biết sự khác biệt lo âu lo lắng cũng sẽ góp phần hỗ trợ bạn; trên con đường xây dựng một trải nghiệm sống trọn vẹn và một sự nghiệp thành công.

Dịch bởi Nguyễn Nhất Minh từ 10 Differences between Worry and Anxiety

Bài viết liên quan: Làm sao phân biệt giữa lo âu và trầm cảm?

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt