phớt lờ trong công việc

Làm gì khi bị phớt lờ trong công việc?

Giả sử bạn có quen một người từ hội thảo trực tuyến. Hai bạn đã có một cuộc trò chuyện hấp dẫn về các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực của bạn; và chắc chắn cả hai đều mong muốn được tiếp nối mối quan hệ ấy. “Tôi rất mong được giữ liên lạc với bạn”, người kia nói. Vài ngày sau, bạn gửi cho họ một tin nhắn chào hỏi, trong lòng đầy hy vọng.

Nhưng đã một tuần rồi, và bạn vẫn mòn mỏi chờ hồi âm. Bạn gửi một tin nhắn khác: “Bạn có thể cho biết nếu bạn còn thời gian để trao đổi về cơ hội giữa hai bên. Tôi rất vui lòng được chia sẻ những ý kiến của mình về những thay đổi trong lĩnh vực digital marketing mà chúng ta đã trò chuyện.” Lúc này, bạn không quan tâm nếu họ có từ chối bạn hay không. Tất cả những gì bạn cần chỉ là một lời hồi đáp. Nhưng bạn không muốn tỏ ra tuyệt vọng chờ đợi.

Đây có phải là tình huống thường xảy ra với bạn?

Hiện tượng bị phớt lờ trong công việc rất phổ biến, với những hậu quả ngấm ngầm. Khi bạn đang hăng say mở rộng mối quan hệ, sự im lặng bất ngờ có thể phá vỡ lòng tự tin và khiến bạn cảm thấy bối rối, thất vọng. Chúng ta vội vàng nhìn lại xem mình đã sai ở đâu, hay do dự có nên bắt chuyện lại. Không sao cả, bạn không cô đơn. Đây là một tình huống thường gặp và xảy ra rất nhiều tại nơi làm việc. Nếu bạn muốn tránh xảy ra, trước tiên bạn cần biết khi nào, ở đâu, và vì sao mọi người lại phớt lờ trong công việc. Đôi khi, lỗi lầm sẽ thuộc về cả hai phía, chứ không phải mình bạn hay chỉ người kia.

1. Một số tình huống phớt lờ trong công việc

1.1 Khi tìm việc

Một số người ứng tuyển, hẹn lịch phỏng vấn, rồi bỗng dưng thay đổi ý kiến. Có thể họ được thăng chức hoặc nhận được lời mời làm việc tốt hơn. Và thế là họ quyết định “bùng” phỏng vấn, phớt lờ nhà tuyển dụng. Cuộc khảo sát năm 2021 của Indeed cho thấy, gần tới một nửa (46%) người tìm việc thú nhận đã từng có hành vi tự động nghỉ phỏng vấn.

1.2 Khi đã đồng ý nhận ứng viên

Sau khi vượt qua các vòng phỏng vấn nghiêm ngặt và chính thức đỗ vị trí mới; bạn yêu cầu các giấy tờ và hợp đồng từ nhà tuyển dụng, nhưng mãi mãi chẳng thấy hồi âm. Cũng theo cuộc khảo sát của Indeed (2021), phần lớn (77%) ứng viên chia sẻ rằng họ từng bị phớt lờ trong công việc, sau khi đại dịch COVID-19 khởi phát ở Mỹ. Một cuộc khảo sát trên LinkedIn cũng hé lộ 93% người trả lời đã từng bị phớt lờ trong khi đang tham gia tuyển dụng.

1.3 Khi bắt đầu công việc

Một vài người nhận thư mời làm việc, nhưng lại vắng mặt ngay buổi đầu tiên (hoặc là tất cả các ngày). Tỉ lệ ứng viên phớt lờ khi bắt đầu công việc cũng đang tăng dần. Cuộc khảo sát của Indeed cũng lại thể hiện: cứ bốn ứng viên thì sẽ có một người vắng mặt vào buổi đầu đi làm. Điều này thực sự lãng phí cho tài nguyên công ty, cũng như thời gian và tiền bạc dành cho quá trình tuyển dụng. Không may là, thế hệ Z và Millennial thường xuyên phớt lờ trong công việc hơn là các lứa tuổi khác.

1.4 Khi nghỉ việc

Khi người ta bắt đầu cảm thấy chán nản công việc hiện tại. Có thể do họ có một ông sếp khó tính; hoặc chỉ đơn giản là họ chán làm thôi. Thay vì cố tạo chiêu trò để nghỉ việc; họ quyết định lặng lẽ rời đi, không một thông báo. Báo cáo năm 2018 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago cho thấy rất nhiều nhân viên tự động nghỉ việc, dù là làm trực tuyến hay tại văn phòng; và nhân sự không thể nào liên lạc lại với họ.

1.5 Khi tạo dựng mối quan hệ

Hai người bắt đầu kết nối trên LinkedIn và bắt đầu nhắn tin. Tuy nhiên, tới một lúc nào đó, người còn lại không trả lời tin nhắn nữa. Dù là một nền tảng chuyên nghiệp với hàng trăm triệu người dùng, tình trạng phớt lờ trong công việc tại LinkedIn cũng khá phổ biến.

1.6 Khi thuyết phục đầu tư

Một người tiếp cận khách hàng tiềm năng và có một cuộc đàm thoại đầy hứa hẹn. Khách hàng thể hiện sự hứng thú; nhưng sau đó lại ngừng tham gia hoàn toàn các hoạt động về sau. Bị phớt lờ trong công việc thuyết phục đầu tư là một hiện tượng khá phổ biến.

2. Tại sao mọi người lại phớt lờ trong công việc

Mỗi người sẽ có một lý do, nhưng thường là để tránh những tình huống xung đột hoặc khó xử. Điều này có thể xuất phát từ nỗi lo âu xã hội, tình trạng kiệt sức; hay tệ nhất, chỉ đơn giản là không hứng thú, không quan tâm. Dù gì đi nữa, những người phớt lờ thường đi theo một nguyên tắc hài lòng cổ điển của Sigmund Freud: Hành vi của họ được thúc đẩy bởi sự theo đuổi cảm giác thoải mái, trong khi tìm cách né tránh những cảm giác khó chịu.

Dưới đây là một số lý do mọi người thường phớt lờ trong công việc:

  • Việc nói ra chữ “Không” là một điều chẳng dễ dàng. Và việc đưa ra lý do sẽ tốn nhiều thời gian, hơn là cứ phớt lờ. Nói cách khác, đưa ra lời từ chối sẽ tốn tâm sức hơn là im lặng luôn.
  • Một vài người ngại va chạm mâu thuẫn. Họ không muốn gây xích mích hay làm tổn thương cảm xúc của ai. Bởi vậy, khi không đồng ý về một cuộc trao đổi, họ chỉ im lặng bỏ qua.
  • Họ không có thông tin mới để chia sẻ. Có thể người đó vẫn đang đợi quyết định từ cấp trên; hoặc chỉ là họ không có thẩm quyền để đưa ra lời đề nghị của bạn với lãnh đạo họ.
  • Họ chỉ đang quá bận. Những lịch trình dày đặc và áp lực công việc khiến họ không có nhiều thời gian trò chuyện. Nếu cuộc trao đổi của bạn không thuộc việc cần ưu tiên, họ sẽ tạm gác lại một thời gian.

Tại sao chúng ta không đơn giản cứ để bị phớt lờ trong công việc đi? Thực tế là, cấu tạo sinh học của cơ thể không cho phép điều đó. Phớt lờ là hành động dễ dàng lấn át tâm trí của ta. Khi có một điều gì chưa được giải quyết, não bộ thường gợi nhắc tới liên lục (hay còn gọi là hiệu ứng Zeigarnik). Sự căng thẳng về nhận thức ấy cho phép chúng ta tìm kiếm cảm giác hài lòng bằng việc tìm ra giải pháp.

Bạn không hề bị ám ảnh bởi phớt lờ trong công việc. Việc tâm trí lặp đi lặp lại các cuộc trò chuyện trước đó là một điều hoàn toàn tự nhiên. Nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát sự lặp lại đó.

3. Cần làm gì nếu bạn bị phớt lờ trong công việc?

3.1 Xem xét cách tiếp cận của bạn

Khi xây dựng một mối quan hệ, bạn có nghĩ tới liên lạc lâu dài; hay là gửi ngay cho họ một danh sách dài dặc yêu cầu của mình? J.T. O’Donnell, nhà sáng lập WorkItDaily cho rằng một trong những sai lầm của người trẻ là yêu cầu được giúp đỡ quá sớm. Mối quan hệ ấy thật sự giống như một sự giao dịch không hơn kém. Điều đó sẽ khiến bạn dễ có nguy cơ bị cắt đứt liên lạc.

3.2 Cải thiện sự ngại ngùng trong giao tiếp

Nhiều người phớt lờ trong công việc để né tránh những cuộc giao tiếp khách sáo này. Mặt khác, dù cho họ cảm thấy không hề dễ chịu khi im lặng mãi, thì cũng rất khó để bắt đầu lại cuộc trò chuyện. Đó là khi bạn cần chủ động. Thay vì cảm thấy tổn thương về sự biến mất đột ngột của họ, hãy thử gửi một tin nhắn ngắn gọn, nhẹ nhàng. Sau đó, bạn có thể cho họ thời gian để kết nối lại, nếu cần; hoặc hỏi họ về điều không ổn ở phía bạn.

“Chào anh/chị. Hy vọng là anh chị vẫn khỏe. Tôi sẽ rất vui lòng nếu được liên lạc lại với anh.chị đề bàn về vấn đề X nếu anh chị có thời gian. Không biết chúng ta có thể sắp xếp một cuộc hẹn ngắn trong vài tuần tới không? Nếu không tiện, anh/chị có thể liên hệ và tôi rất sẵn lòng được lắng nghe phản hồi của anh/chị.”

Dùng một vài ngày để chờ đợi câu trả lời của họ. Họ có thể gửi một hồi âm với chia sẻ về những công việc cần làm gấp, và không thể gặp bạn. Họ cũng có thể không phản hồi lại, dù cho đã đọc tin nhắn của bạn. Nhưng không sao cả, một người quen biết không có nghĩa vụ phải phản hồi lại bạn.

Nếu bạn bị phớt lờ bởi nhà tuyển dụng, rất có thể họ đã ngừng tuyển cho vị trí đó, hoặc là có ai đó thay thế bạn. Dù sao đi nữa, họ cần phải trả lời về vấn đề này. Nếu bạn đã gửi hai email sau đó và chưa nhận lại hồi âm, đó là khi bạn nên bỏ cơ hội này đi.

Phớt lờ trong công việc cũng có thể xảy ra khi bạn tham gia tuyển dụng. Bạn gửi biết bao email để cảm ơn và mong chờ phản hồi về kết quả; nhưng không một phản hồi. Nếu vậy, hãy thấy biết ơn vì mình đã sớm rời khỏi một môi trường làm việc không được chuyên nghiệp lắm.

Mặc dò việc phớt lờ trong công việc có thể vì lý do cá nhân; bạn cần cân nhắc xem bản thân có thật sự muốn làm việc tại nơi đó. Trên thực tế, phớt lờ khi tuyển dụng là một trong những dấu hiệu cảnh báo về văn hóa công ty không lành mạnh.

3.3 Nếu bạn cảm thấy tội lỗi khi phớt lờ trong công việc

Có thể chính bạn là người giữ im lặng trước. Hãy thử kết thúc cuộc trò chuyện, thay vì để người kia sự chờ đời đằng đẵng. Bạn có thể nhắn tin với họ và thừa nhận rằng bạn cảm thấy khó xử về sự im lặng này. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn. Có thể bạn sẽ chỉ cần một vài dòng như:

“Chào anh/chị. Tôi rất xin lỗi vì đã bỏ lửng cuộc trò chuyện gần nhất của chúng ta. Hy vọng là bạn đang có một công việc tuyệt vời và bận rộn với các dự án thú vị sắp tới. Dù thế nào, tôi thực sự rất xin lỗi vì đã giữ im lặng trong lần trao đổi trước. Hiện tại tôi đang có một vài cơ hội về freelance, và rất mong muốn có thể giới thiệu tới anh/chị.”

Dù cho bạn có nhận được phản hồi từ bên kia hay không, thì điều quan trọng là bạn đã trút bỏ được cảm giác tội lỗi. 

Lời kết:

Đôi khi chúng ta không thể hiểu vì sao bị phớt lờ trong công việc, hãy nhớ rằng, không phải lúc nào đó cũng là sự cố tình. Có thể họ chỉ không muốn từ chối bạn. Đừng để trải nghiệm này ảnh hưởng tới sự tự tin của bản thân. Nếu bạn nhận ra cách tiếp cận mối quan hệ của mình chưa hợp lý, hãy sửa đổi, tìm kiếm lời khuyên, và thử lại.

Dịch tiếng Việt bởi Vũ Thị Ngọc Mai từ bài viết So, You Got Ghosted — at Work.

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt