cách duy trì động lực khi làm việc tại nhà

Làm thế nào để duy trì động lực khi làm việc tại nhà?

Hầu hết mọi người đều thấy làm việc tại nhà là một thử thách; khi có rất nhiều thứ khiến bạn xao nhãng. Nhiều nhân viên sẽ khó có thể duy trì tiến độ, hoàn thành công việc hiệu quả. May mắn thay, những chiến lược sau đây có thể giúp bạn duy trì động lực khi làm việc tại nhà.

1. Sắp xếp lịch trình cụ thể

Nếu không có lịch trình cụ thể cho ngày làm việc, bạn sẽ dễ mất đi động lực khi làm việc tại nhà. Bạn có thấy mình bắt đầu ngày làm việc ngày càng muộn hơn vì để nhâm nhi thêm một tách cà phê? Sau đó, công việc kéo dài sang buổi tối, khiến bạn cũng phải thức khuya hơn.

Hoặc bạn có thấy mình dễ mất tập trung khi làm việc? Và những dự án từng mất 20 phút giờ lại cần đến 2 giờ để hoàn thành. Hãy đặt thời gian bắt đầu và kết thúc ngày làm việc; và cố gắng bám sát lịch trình nhất có thể.

2. Tạo một không gian làm việc tách biệt

Khi làm việc ở nhà, bạn dễ có xu hướng làm việc trên giường. Xét cho cùng, đó có thể là không gian thoải mái nhất trong nhà.

Nhưng khi bạn gắn giường ngủ với công việc, giấc ngủ của bạn sẽ bị cản trở. Khi khó ngủ, hiệu suất làm việc của bạn vào ngày hôm sau cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hầu hết các chuyên gia về giấc ngủ đều khuyên bạn nên dành giường ngủ chỉ để cho giấc ngủ và hoạt động tình dục.

Vì vậy, mặc dù giường ngủ rất thoải mái, hãy xây dựng không gian làm việc riêng. Bàn ăn, hoặc bàn làm việc ở phòng khách có thể là những lựa chọn thay thế tốt hơn. 

3. Chia nhỏ khoảng thời gian làm việc

Việc chia nhỏ thời gian làm việc — và lập kế hoạch những việc bạn sẽ làm trong khoảng thời gian đó — có thể giúp bạn dễ hoàn thành các nhiệm vụ lớn hơn.

Bạn sẽ có nhiều động lực hơn khi nói với bản thân rằng bạn chỉ cần hoàn thành một hóa đơn trong 30 phút tới; thay vì nói với bản thân rằng bạn có 50 hóa đơn cần xuất vào giờ ăn trưa.

Sắp xếp thời gian của bạn cũng sẽ khiến bạn có trách nhiệm hơn. Bạn sẽ ít bị phân tâm trên mạng xã hội hơn khi biết rằng mình chỉ có 15 phút để hoàn thành một nhiệm vụ. Và bạn sẽ ít có khả năng trì hoãn hơn khi bạn đã đưa ra cho mình một thời hạn chặt chẽ.

4. Hạn chế các hoạt động gây xao nhãng và gián đoạn

Bạn có thể thấy khó khăn để tiếp tục công việc mỗi khi bị gián đoạn. Bạn có thể duy trì động lực bằng cách hạn chế các hoạt động gây xao nhãng và gián đoạn.

Bạn có thể tắt thông báo điện thoại; và chỉ kiểm tra email mỗi giờ một lần. Hoặc đặt điện thoại của bạn ở chế độ “Không làm phiền” cho đến khi bạn hoàn thành một công việc cụ thể.

Nếu bạn đang làm việc ở nhà với con cái, hãy tìm cách giữ con mình bận rộn; để giảm tần suất bạn bị gián đoạn khỏi công việc. Giao cho con của bạn các nhiệm vụ phải làm; và kiểm tra vào một thời điểm nhất định. 

5. Thực hành “Quy tắc 10 phút”

Sẽ rất khó để bạn có thể thuyết phục bản thân bắt tay vào thực hiện một nhiệm vụ mà bạn thực sự không muốn làm. Cho dù bạn biết nhiệm vụ đó sẽ nhàm chán, dễ nản lòng; hay đầy thử thách, thì việc thuyết phục bản thân để bắt đầu vẫn là một việc rất khó khăn.

Một trong những cách tốt nhất để thực hiện công việc bạn không mong muốn là sử dụng “quy tắc 10 phút”. Nói với bản thân rằng bạn chỉ phải làm việc đó trong 10 phút. Sau 10 phút, bạn có thể nghỉ ngơi nếu muốn.

Phần lớn chúng ta sẽ tiếp tục sau mốc 10 phút ban đầu. Thông thường, bắt đầu là phần khó khăn nhất. Nhưng một khi bạn đã bắt đầu, bạn sẽ dễ dàng hoàn thành công việc đó.

6. Tự thưởng cho bản thân

Bạn có thể thấy mình làm việc hiệu quả nhất khi biết rằng có một phần thưởng nhỏ đang chờ đợi bạn. Ví dụ, hãy tự nhủ rằng bạn có thể xem chương trình yêu thích nếu bạn hoàn thành công việc trước 6 giờ chiều. Hoặc bạn có thể nhâm nhi một tách trà yêu thích ngay sau khi hoàn thành báo cáo này. Một chút yếu tố khích lệ sẽ tiếp động lực giúp bạn hoàn thành công việc một cách hiệu quả.

7. Thử thách bản thân

Đôi khi, một thử thách nhỏ cũng có thể giúp bạn có thêm động lực khi làm việc tại nhà. Ví dụ, bạn có thể cố gắng viết một lượng từ nhất định trong 30 phút. Khi biết số từ mình viết được trong vòng 30 phút, bạn có thể thử viết nhiều hơn số từ đó trong khoảng thời gian 30 phút tiếp theo.

Bạn cũng có thể thử khám phá bản thân qua nhiều cách khác nhau. Có thể bạn sẽ thấy mình đánh máy nhanh hơn khi ngồi ở bàn bếp; hoặc tập trung tốt hơn ngay sau bữa trưa. Tìm hiểu những điều mới mẻ về bản thân có thể giúp bạn có một ngày thành công.

Nhận thức rõ hơn về thời gian của mình sẽ giúp bạn sử dụng nó một cách khôn ngoan. Và thử thách bản thân theo một cách nào đó có thể cung cấp thêm động lực mà bạn cần.

8. Thực hành tốt tự chăm sóc bản thân

Bạn sẽ không bao giờ đạt được trạng thái tốt nhất khi kiệt sức; mà chỉ dùng năng lượng từ caffeine và đường. Bạn cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi nhiều; và có các kế hoạch chăm sóc bản thân tốt để đạt được phong độ cao.

Nhưng việc đáp ứng các nhu cầu về thể chất, xã hội và cảm xúc của bạn sẽ khó khăn hơn bình thường trong giai đoạn này. Bạn sẽ dễ duy trì chế độ ăn uống lành mạnh khi phải hạn chế đi tới cửa hàng tạp hóa để mua nguyên liệu. Hay bạn sẽ không có cảm giác thật sự gặp gỡ bạn bè ngoài đời. 

Vì vậy, thỉnh thoảng hãy lùi lại một bước và tự hỏi bản thân xem bạn có thể làm gì khác để chăm sóc bản thân tốt hơn. Khi mức độ stress của bạn tăng lên, sự chăm sóc bản thân của bạn cũng nên đồng thời tăng lên cùng lúc.

9. Thử nghiệm các chiến lược làm việc tại nhà khác nhau

Hiện nay, có rất nhiều lời khuyên về cách làm việc tại nhà hiệu quả. Nhưng mỗi người một ý; những gì hiệu quả với người này có thể không hiệu quả với người khác.

Vì vậy, điều quan trọng là phải thử nghiệm các chiến lược khác nhau để khám phá những gì phù hợp với bạn. Bạn có thể thấy mình có động lực hơn vào buổi tối; hoặc bạn có thể có nhiều năng lượng hơn sau khi tập luyện buổi sáng.

10. Thực hành điều chỉnh cảm xúc của bạn

Nghiên cứu cho thấy chúng ta có xu hướng gác lại những công việc gây ra cảm giác khó chịu. Nếu lo lắng về một cuộc hẹn khám bệnh, bạn có thể né tránh việc gọi bác sĩ. Hoặc, nếu sợ việc học tập sẽ mang lại sự thất vọng; bạn dễ dành thời gian nhiều hơn cho Netflix.

Trong những trường hợp này, việc thiếu động lực bắt nguồn từ việc bạn muốn né tránh cảm giác khó chịu. Và khi làm việc tại nhà, bạn luôn có rất nhiều điều thú vị để làm; so với công việc cần hoàn thành.

Vì vậy, hãy xem xét cảm xúc mà bạn đang cố gắng né tránh. Thừa nhận cảm xúc có thể giúp bạn bớt lo sợ hơn. Nhắc nhở bản thân rằng bạn luôn có thể xử lý cảm giác không thoải mái này. 

Ngoài ra, hãy nhắc nhở bản thân về việc bạn sẽ cảm thấy tốt như thế nào khi hoàn thành công việc đó; trái ngược với việc bạn sẽ cảm thấy tồi tệ như thế nào nếu không hoàn thành công việc. Điều này có thể nhắc nhở bạn thực hiện công việc; bất kể bạn có cảm thấy thích hay không.

Lời kết 

Làm việc tại nhà có thể là một thách thức trong cả những hoàn cảnh xã hội ổn định nhất. Trong đại dịch, tình hình dịch bệnh căng thẳng sẽ còn khiến bạn khó duy trì động lực hơn bình thường.

Hãy sẵn sàng bỏ qua cho bản thân khi có một chút xao nhãng; hay nếu năng suất của bạn không còn cao như trước. Thay vì tự trách móc bản thân vì không có đủ động lực, hãy dùng lòng trắc ẩn với bản thân để cảm thấy tốt hơn.

Dịch từ How to Stay Motivated When You Are Working From Home.

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt