thay đổi công việc

Lý do bạn không cần thấy sợ khi thay đổi nghề nghiệp

Hướng nghiệp là tên một bộ phim truyền hình được chiếu trên HTV năm 2004, từng khiến ta say mê theo dõi không sót tập nào. Đó là câu chuyện về những người trẻ tuổi bước vào đời, đấu tranh cho hoài bão và mưu cầu cuộc sống hạnh phúc.

Trong mắt của đứa trẻ lớp 7, bộ phim cho ta cảm nhận về sự phấn kích cũng như áp lực khi trưởng thành: phấn đấu tranh đua, tìm một công việc ổn định, theo đuổi ước mơ, sống cuộc đời thoải mái, sung túc và viên mãn. Đó còn là minh họa sống động cho ta ngày nào về bài học thứ nhất nghe quá nhàm tai nhưng vẫn chưa lỗi thời: mọi lựa chọn đều có cái giá của nó.

I. Hành trình hướng nghiệp

Hướng nghiệp là hành trình mông lung rối rắm mà nhiều người đang từng ngày trăn trở.

  • Ở cái tuổi 18, không mấy ai thực sự biết mình muốn gì và có những khả năng gì. Và tâm hồn non dại, tham lam và háo thắng ấy cũng sẽ bị ngoại cảnh tác động.
  • Còn khi 20 trở đi, sự trưởng thành và sâu sắc đã chín muồi. Trải nghiệm và kinh nghiệm đã tích lũy đủ. Tự khắc ta sẽ nhận ra đâu là lẽ sống của mình. Tuy vậy, ta âm thầm giấu nhẹm, đơn giản vì đó là điều đáng hổ thẹn cần phải chôn vùi. Ta đã lỡ đi khá nhanh trong một thời gian khá dài. Nên giờ đây, đã trôi dạt quá xa khỏi sự nghiệp thực sự của mình.

II. 3 thách thức khi nghĩ đến việc thay đổi nghề nghiệp

Giorgio Armani, nhà thiết kế thời trang và chủ nhãn hiệu ARMANI nổi tiếng, khi còn trẻ đã bỏ dở việc học y khoa để đi theo con đường khác. Cũng có những thành công ít ảo diệu hơn và nghe an ủi phần nào: chỉ hướng nghiệp thôi đã mất 1/2 đời người, khởi nghiệp mất thêm 1/3, và mọi thứ chỉ thực sự bắt đầu ở đoạn đường ngắn ngủi còn lại. Như lời chia sẻ của một nữ bác sĩ quyết định bỏ nghề sau hàng chục năm làm việc. Thực hiện ước mơ từ khi còn trẻ là mở shop hoa. Và rất nhiều người anh, người chị, người bạn cởi bỏ chiếc áo blouse để tự do đeo đuổi những chân trời khác.

II.1 Đánh đổi kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ được một thời gian rất dài

Ý tưởng thay đổi nghề nghiệp có lẽ là một trong những cơn thức tỉnh kinh hoàng nhất. Thử tưởng tượng, ta bỏ ra 2, 4, thậm chí 6 năm học ngành hiện tại, chưa kể chút ít kinh nghiệm tích lũy được, chưa kể cha/mẹ/họ hàng/cấp trên đã dọn sẵn mọi thứ, chỉ đợi cái gật đầu của ta. Vậy mà giờ đây, ta đang hết sức nghiêm túc chuyển sang ngành khác, một ngành chẳng liên quan.

II.2 Bắt đầu lại từ con số không khi thay đổi nghề nghiệp khác

Thay đổi nghề nghiệp, ta sẽ đối mặt với khoảng thời gian dài rỗng túi. Sẽ lại trải qua những năm tháng học hành và học nghề vất vả. Sợ hãi và đau lòng trước gương mặt thất vọng của mẹ cha. Vô cùng bất an mỗi khi họp bạn. Bối rối và chẳng có gì tự hào với họ hàng, người quen hay… người yêu cũ.

II.3 Lỡ đâu gặp phải sự thất bại?

Chừng đó là còn chưa kể đến những thất bại ê chề thê thảm. Tưởng tượng thôi đã thấy rùng mình. Bỏ hết tất cả để đi theo tiếng gọi con tim. Chật vật lăn lộn bao nhiêu năm để rồi sau đó nản lòng, phải rị mọ tìm đường quay lại.

Ta thầm cảm nhận được đằng sau quyết định đổi nghề là bao suy tư, trăn trở và nước mắt. Người dứt áo ra đi sẽ phải trả ít nhất 3 loại hóa đơn, ứng với 3 sự can đảm hiếm thấy: chấp nhận buông bỏ, chấp nhận rủi ro và chấp nhận bị phán xét.

III. Những lý do bạn nên dũng cảm để thay đổi công việc

Vào vài thời điểm trong đời, ít nhiều ta đều phải đối mặt với câu hỏi: Mình có chọn đúng con đường hay không?. “Sự băn khoăn này mạnh mẽ nhất khi trẻ, vì cảm giác mình đã đầu tư một khoản khổng lồ. Ở tuổi 20, hai năm học là khoảng thời gian dài, chiếm đến 10% quãng đời ta đã đi qua. Xét trên khía cạnh tâm lý, tỷ lệ đó thậm chí còn cao hơn. Ta chỉ là “ta” kể từ 15-16 tuổi, còn trước đó, hầu hết đều chưa có ý niệm thực sự về cái tôi của mình. Thành ra 2 năm chiếm đến 50% quãng đời thực sự.”

thay đổi nghề nghiệp
Nguồn ảnh: Pixabay

Nếu vẫn nhất quyết chọn bám trụ, sau vài tháng, 2 năm, cùng lắm là 5 năm, mọi khó khăn sẽ được giải quyết, mọi khó chịu rồi sẽ quen. Ta thông minh nên dư sức thích nghi. Và bắt đầu nhìn ra được ý nghĩa của công việc mình đang làm. Mọi thứ lại đâu vào đấy, và ta thấy an toàn trong cái thành trì mình đã xây dựng. Sẽ chẳng có nhiều thứ lay động được ta, bắt ta phải suy nghĩ băn khoăn như thời trẻ nữa. Thời gian sẽ khiến ta quên mất bi kịch hướng nghiệp của mình.

III.1 Hiểu cái giá khi bám trụ vào một nghề nghiệp không mấy yêu thích

Rắc rối duy nhất giờ đây là cảm giác thiếu thốn, trống trải và tiếc nuối. Tay chân ta làm việc, trí óc bận rộn, nhưng con tim ta ngồi không và lang thang khắp chốn. Ta tìm cách khỏa lấp chút đau đáu còn sót lại. Thay đổi phong cách, tìm thú vui mới, mua sắm quần áo, nhà cửa, xế hộp, kết hôn rồi sinh con. Những lý do giúp con tim ngậm miệng lại và bớt quấy rối.

Nỗi băn khoăn về nghề nghiệp chính thức được thủ tiêu và xếp gọn vào một góc trong lòng. Ta rơi vào một trạng thái khác: bám trụ vật vờ cho qua ngày. Tuy thất bại ấy nhẹ nhàng, an toàn, đại trà và cao sang hơn. Nhưng cái giá là tuổi thanh xuân và cảm giác viên mãn. Những thứ ta chỉ có thể muối mặt ghi lãi đến cuối đời, vì chẳng biết lấy gì để trả.

III.2 Nhớ rằng “Không có gì là quá muộn” để thay đổi nghề nghiệp

Rồi mọi thứ sẽ thế nào trong tương lai xa hơn? “Khi ấy, ta đã 56 tuổi. Những năm tháng hướng nghiệp sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Nó chỉ chiếm một phần nhỏ bé trên tổng 40 năm, tính từ tuổi 16 đến đỉnh điểm trung niên là 56. Đây là “nghịch lý đầu tư vào sự nghiệp”: theo thời gian, số năm bỏ ra để học một nghề nào đó sẽ nhỏ lại, nhỏ hơn rất nhiều so với cả một đời làm việc. Mặt khác, thứ ngày càng lớn lên là những hệ quả, nỗi canh cánh trong lòng vì ta đã không có dũng khí buông bỏ sớm hơn”.

Không có lý do gì để ta, một người 60 tuổi, phải gánh chịu hậu quả từ những quyết định chớp nhoáng của một cô/cậu thanh niên 18 tuổi hàng chục năm về trước.

III.3 Dũng cảm để chấp nhận rằng mình đã sai

Quá tập trung chọn sao cho đúng, mà bỏ quên một nhiệm vụ còn quan trọng hơn. Chuẩn bị cho ta khả năng đối mặt với sự thật đau lòng. Rằng mình đã lựa chọn sai, và dám đứng lên thay đổi. Bởi chẳng còn là đứa trẻ, ta có lẽ đủ già để thấm bài học: không có gì là quá muộn.

Nguồn tham khảo: Một phần nội dung được lược dịch theo The School of Life, Why You Still Have Time To Change Career. 

Đỗ Duy Anh - ThS. BS. Đỗ Duy Anh, hiện đang là Giảng viên bộ môn Sinh lý tại trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch.

ThS. BS. Đỗ Duy Anh, hiện đang là Giảng viên bộ môn Sinh lý tại trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch.