nhà trị liệu

Nhà trị liệu và nhà tâm lý học: Những điểm khác biệt

Trị liệu hay nhà tâm lý học là hai chuyên môn chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Cũng vì lý do đó mà những nghề nghiệp liên quan cũng chưa được biết tới nhiều, đồng thời công việc của nhà trị liệu và tâm lý học cũng thường bị nhầm lẫn. Bài viết này sẽ chỉ ra những khác biệt trong hai chuyên môn tưởng chừng như rất giống nhau này.

1. Nhà trị liệu và Nhà tâm lý học

1.1. Điểm khác biệt giữa hai nghề nghiệp

Không có quá nhiều khác biệt trong khía cạnh nghiệp vụ giữa nhà trị liệu và nhà tâm lý học. Cả hai đều là những chuyên gia y học lâm sàng. Mặc dù vậy, công việc của nhà tâm lý học có nhiều yếu tố học thuật. Chẳng hạn như giảng dạy, phân tích và nghiên cứu. Mặt khác, công việc của nhà trị liệu mang nhiều tính thực hành liên quan tới điều trị lâm sàng.

1.2. Liệu một nhà trị liệu có thể thực hiện chẩn đoán?

Một nhà trị liệu hoàn toàn có khả năng tiến hành chẩn đoán.

1.3. Liệu một nhà trị liệu có thể kê đơn thuốc?

Nhà trị liệu không được đào tạo kiến thức và kỹ năng kê đơn thuốc. Chỉ có những nhà tâm thần học, y tá và bác sĩ có chuyên môn mới có đủ tiêu chuẩn để thực hiện việc này.

2. Nghề nghiệp và trình độ chuyên môn

2.1. Tư vấn chuyên nghiệp

Những tư vấn viên chuyên nghiệp (LPC) thường được tập trung đào tạo những kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà trị liệu với khả năng hoạt động độc lập. Có nhiều chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu này. Trong đó CACREP, là một hội đồng giám sát nhiều chứng chỉ cố vấn viên. CACREP thực hiện kiểm tra các ứng viên dựa trên số giờ và kinh nghiệm thực tập cá nhân.

Thông thường thì một cố vấn viên mất từ 2 đến 3 năm để đạt tới trình độ thạc sĩ. Ngoài ra họ có thể mất thêm từ 2 đến 4 năm thực hành trị liệu dưới sự giám sát gắt gao để nhận được giấy phép hành nghề. Một tư vấn viên được cấp giấy phép có thể thành thục nhiều nghiệp vụ. Họ có thể trở thành giảng viên với bằng tiến sĩ, hoặc cũng có thể nghiên cứu như một nhà tâm lý học. Mặc dù vậy, hầu hết các tư vấn viên chọn hành nghề tự do. Trong một vài trường hợp, họ cũng làm việc tại các bệnh viện, trung tâm và trường học.

2.2. Nghiên cứu trong ngành tâm lý

Các chương trình tiến sĩ tâm lý học thường kéo dài trong khoảng 5 đến 6 năm. Trong thời gian học tập, sinh viên cũng phải dành ra 1 năm để làm luận án và thường xuyên được chỉ định thực tập. Mặc dù quy định ở mỗi một khu vực có thể khác nhau, nhưng hầu hết sinh viên tâm lý học sẽ được cấp phép sau một năm thực tập.

Những nhà tâm lý học có thể làm được những công việc tương tư như tư vấn viên tại các trường học, tiến hành giảng dạy, nghiên cứu hoặc trị liệu. Trong chương trình học của mình, sinh viên tâm lý học có thể lựa chọn các chuyên ngành khác nhau. Một mặt tập trung vào thực hành trị liệu, còn lại thì tập trung vào nghiên cứu. Nhiều sinh viên tâm lý học thường chọn nghiên cứu thay vì thực hành trị liệu lâm sàng.

2.3. Hoạt động xã hội

Các chương trình đào tạo hoạt động xã hội thường kéo dài trong 2 năm. Khi tốt nghiệp, sinh viên thường được đảm nhiệm công việc quản lý dự án, chính sách và cả vai trò trị liệu. Họ phải dành nhiều năm thực tập dưới sự giám sát để có thể chính thức được cấp phép. Các nhà hoạt động xã hội thường làm việc tại các văn phòng đại diện, trường học, bệnh viện. Trong nhiều trường hợp, nhiều nhà hoạt động xã hội thường tự thành lập phòng khám tư nhân sau khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm.

2.4. Trị liệu hôn nhân và gia đình

Những nhà trị liệu hôn nhân gia đình (MFT) thường có chương trình đào tạo tương tự như tư vấn viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, công việc của họ tập trung vào khía cạnh hôn nhân và gia đình. Chương trình MFT thường kéo dài từ 2 tới 3 năm để được cấp phép.

2.5. Tâm thần học

Những chuyên gia này có khả năng kê đơn và cấp thuốc cho người bệnh, vì vậy mà họ được đào tạo tại các trường y dược. Thời gian đào tạo có thể kéo dài trên 7 năm trước khi một sinh viên tâm thần học có thể được cấp phép hành nghề. Các chuyên gia tâm thần học cũng có thể tiến hành trị liệu. Nhu cầu cần tới nghiệp vụ của các nhà tâm thần học thường ở mức cao do họ có khả năng kê đơn, đồng thời điều này cũng tới từ một thực tế rằng không có nhiều nhà tâm thần học đang hành nghề. Tại thành phố Austin, bang Texas, chỉ có 200 nhà tâm thần học phục vụ tới 2 triệu tổng dân số của nơi này.

Dịch bởi Nguyễn Nhất Minh từ What is the difference between therapist and psychologist?

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt