các dạng rối loạn trầm cảm

7 dạng rối loạn trầm cảm bạn cần phân biệt

Khi nhắc đến trầm cảm, chung ta thường mặc định một trong hai thứ — hoặc trầm cảm lâm sàng cần điều trị hoặc trầm cảm “thường xuyên” mà hầu như ai cũng có thể vượt qua. Trầm cảm có thể là một khái niệm khó hiểu vì chúng ta coi nó vừa là một căn bệnh cũng như là triệu chứng của một căn bệnh vậy. Trong bài viết bạn có thể hiểu được trầm cảm thực chất là như thế nào? Và các dạng rối loạn trầm cảm bao gồm những gì?

1. Trầm cảm là gì?

Từ góc độ y học, trầm cảm được định nghĩa là sự rối loạn cảm xúc gây ra cảm giác chán nản hoặc buồn bã dai dẳng, khiến một người mất đi hứng thú với những thú vui thường ngày.

Trầm cảm ảnh hưởng đến cảm nhận , suy nghĩ, hành vi và có thể cản trở khả năng hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh trầm cảm, một số nguyên nhân mà chúng ta chưa hiểu hết. Bài viết này liệt kê bảy loại trầm cảm phổ biến và những đặc điểm của mỗi loại.

2. Các dạng rối loạn trầm cảm chủ yếu:

2.1 Rối loạn trầm cảm ưu thế (Major Depressive Disorder – MDD)

Thuật ngữ trầm cảm lâm sàng thường được sử dụng để đề cập đến rối loạn trầm cảm chủ yếu (MDD). Rối loạn trầm cảm ưu thế là một dạng rối loạn cảm xúc với một số đặc điểm chính:

  • Tâm trạng chán nản
  • Mất hứng thú khi trong những hoạt động yêu thích hằng ngày
  • Cân nặng thay đổi
  • Mất ngủ hoặc ngủ nhiều
  • Mệt mỏi
  • Cảm giác vô dụng và tội lỗi
  • Mất tập trung
  • Suy nghĩ về cái chết và tự sát

Nếu một người trải qua hầu hết các triệu chứng này trong thời gian hơn hai tuần, họ thường được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm ưu thế.

2.2 Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Persistent Dispressive Disorder – PDD)

Dysthymia, hiện được gọi là rối loạn trầm cảm dài dẳng, nó mang tính mãn tính và tồn tại trong hầu hết các ngày và kéo dài đến ít nhất hai năm. Trầm cảm dai dẳng có các mức độ nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng.

Một người có thể trải qua thời gian ngắn không cảm thấy chán nản, nhưng chỉ trong vòng hai tháng hoặc ít hơn. Mặc dù các triệu chứng không nghiêm trọng như rối loạn trầm cảm ưu thế, nhưng chúng lại mang tính mưa dầm thấm sâu và kéo dài.

Các triệu chứng PDD bao gồm:

  • Cảm giác buồn
  • Mất hứng thú và niềm vui
  • Giận dữ và cáu kỉnh
  • Cảm giác tội lỗi
  • Lòng tự trọng thấp
  • Khó ngủ hoặc khó ngủ
  • Ngủ quá nhiều
  • Cảm giác tuyệt vọng
  • Mệt mỏi và thiếu năng lượng
  • Chán ăn hoặc ăn quá nhiều
  • Khó tập trung
  • Điều trị rối loạn trầm cảm kinh niên thường bao gồm việc sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý.

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, 1,5% người trưởng thành ở Mỹ mắc chứng rối loạn trầm cảm kinh niên trong năm qua, ảnh hưởng đến phụ nữ (1,9%) nhiều hơn nam giới (1%). Các nhà nghiên cứu ước tính rằng khoảng 1,3% tổng số người trưởng thành ở Hoa Kỳ sẽ mắc chứng rối loạn này vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ.

2.3 Rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder – BD)

Rối loạn lưỡng cực là một dạng rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi các giai đoạn hưng phấn bất thường được gọi là hưng cảm. Những giai đoạn này có thể nhẹ (hưng cảm nhẹ) hoặc có thể trở nên nghiêm trọng đến mức gây ra sự suy yếu rõ rệt cần nhập viện hoặc ảnh hưởng đến cảm giác về thực tại của một người. Phần lớn những người bị rối loạn lưỡng cực cũng có các giai đoạn trầm cảm nặng.

Ngoài tâm trạng chán nản và giảm hứng thú với các hoạt động một cách rõ rệt, những người bị trầm cảm thường có một loạt các triệu chứng về thể chất và cảm xúc bao gồm:

  • Mệt mỏi, mất ngủ và phờ phạc
  • Đau nhức không rõ nguyên nhân, và kích động tâm thần
  • Vô vọng và mất lòng tự trọng
  • Cáu kỉnh và lo âu
  • Do dự và thiếu tổ chức

Nguy cơ tự sát ở bệnh nhân lưỡng cực cao hơn gấp 15 lần so với người bình thường. Rối loạn tâm thần (bao gồm ảo giác và hoang tưởng) cũng có thể xảy ra trong những trường hợp rối loạn lưỡng cực nghiêm trọng.

2.4 Rối loạn trầm cảm sau sinh (Postpartrum Depression – PD)

Mang thai làm thay đổi nội tiết tố đáng kể, có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của phụ nữ. Trầm cảm có thể khởi phát khi mang thai hoặc sau khi sinh con.

Trầm cảm sau sinh (PPD) được định nghĩa là trầm cảm khởi phát trong thời kì chu sinh (12 tuần cuối thai kỳ đến 1 tuần sau khi sinh), không chỉ đơn thuần là trầm cảm thoáng qua (baby blues – trầm cảm nhẹ trong những tuần đầu sau khi sinh).

Thay đổi tâm trạng, lo lắng, cáu kỉnh và các triệu chứng khác không phải hiếm gặp sau khi sinh và thường kéo dài đến hai tuần. Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn, bao gồm:

  • Tâm trạng xuống dốc, cảm giác buồn
  • Chuyển biến tâm trạng nghiêm trọng
  • Xa lánh xã hội
  • Khó khăn trong việc gần gũi với em bé
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Cảm giác bất lực và tuyệt vọng
  • Mất hứng thú với những việc yêu thích
  • Cảm thấy bản thân thiếu sót hoặc vô dụng
  • Lo âu và hoảng sợ
  • Suy nghĩ làm tổn thương bản thân hoặc em bé
  • Suy nghĩ tự tử

Trầm cảm sau sinh có thể bao gồm tình trạng mỏi mệt dai dẳng và buồn bã cần được điều trị y tế cho đến rối loạn tâm thần sau sinh, bao hàm giai đoạn tâm trạng bất ổn đi kèm với nhầm lẫn, ảo giác hoặc ảo tưởng.

Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể kéo dài đến một năm. May mắn thay, nghiên cứu đã phát hiện ra các phương pháp điều trị như thuốc chống trầm cảm, tư vấn và liệu pháp hormone với những hiệu quả nhất định.

2.5 Rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt (Premenstrual Dysphoric Disorder – PMDD)

Các triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là khó chịu, mệt mỏi, lo âu, ủ rũ, đầy bụng, tăng cảm giác thèm ăn, thèm ăn, đau nhức và căng ngực.

Rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt (PMDD) có các triệu chứng tương tự, nhưng rõ ràng hơn là những triệu chứng liên quan đến tâm trạng.

Các triệu chứng PMDD có thể bao gồm:

  • Cực kì mệt mỏi
  • Cảm giác buồn, tuyệt vọng hoặc tự trách
  • Cảm giác căng thẳng hoặc lo âu nghiêm trọng
  • Thay đổi tâm trạng, thường xuyên khóc
  • Cáu gắt
  • Mất tập trung
  • Thèm ăn hoặc ăn cực nhiều

Nếu bạn bị trầm cảm, buồn ngủ và tăng cân trong những tháng mùa đông nhưng cảm thấy hoàn toàn ổn vào mùa xuân, bạn có thể mắc một chứng bệnh được gọi là rối loạn trầm cảm theo mùa (SAD), hiện được gọi là rối loạn trầm cảm ưu thế theo mùa.

2.6 Rối loạn trầm cảm theo mùa (Seasonal Affective Disorder – SAD)

Rối loạn trầm cảm theo mùa được cho là do rối loạn nhịp sinh học bình thường của cơ thể. Ánh sáng đi qua mắt ảnh hưởng đến nhịp điệu này. Bất kỳ sự thay đổi theo mùa nào, bao gồm hiện tượng ngày đêm dài/ngắn theo mùa đều có thể gây bất ổn tâm lý dẫn đến trầm cảm.

Tỷ lệ hiện mắc SAD rất khó xác định vì tình trạng này thường không được chẩn đoán và không được báo cáo. Nó phổ biến hơn ở các vùng xa xích đạo. Ví dụ, ước tính cho rằng SAD ảnh hưởng đến 1% dân số của Florida; con số đó tăng lên 9% ở Alaska.

SAD phổ biến hơn ở các vùng cực bắc hoặc cực nam của Trái Đất và thường có thể được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng để bù đắp ánh sáng ban ngày bị mất theo mùa.

2.7 Rối loạn trầm cảm không điển hình (Atypical Depression)

Bạn có từng trải qua các dấu hiệu trầm cảm (chẳng hạn như ăn quá nhiều, ngủ quá nhiều hoặc cực kỳ nhạy cảm với việc bị từ chối) nhưng lại thấy mình đột ngột vui lên khi gặp với một sự kiện tích cực?

Dựa trên các triệu chứng này, bạn có thể được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm không điển hình (thuật ngữ hiện tại gọi đây là rối loạn trầm cảm với các đặc điểm không điển hình), một loại trầm cảm không tuân theo bất cứ những biểu hiện “điển hình” nào. Rối loạn trầm cảm không điển hình được đặc trưng bởi một tập hợp các triệu chứng cụ thể liên quan đến:

  • Ăn quá nhiều hoặc tăng cân
  • Ngủ quá nhiều
  • Mệt mỏi, suy nhược và cảm giác “bị đè nặng”
  • Nhạy cảm mãnh liệt với sự từ chối
  • Tâm trạng phản ứng mạnh

Rối loạn trầm cảm không điển hình thực sự phổ biến hơn tên gọi của chứng trầm cảm này. Một loại thuốc chống trầm cảm mang tên ức chế monoamine oxidase (MAOI) phát huy hiệu quả cao hơn đối với những người bị trầm cảm không điển hình so với các dạng trầm cảm khác.

Nhận diện được đúng dạng rối loạn trầm cảm của mình giúp bạn tìm được nhà trị liệu hay phương pháp phù hợp nhất để hiệu quả giải quyết rối loạn này.

Dịch bởi Vương Võ từ 7 common types of depression

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt