hạnh phúc

Hạnh phúc là gì? (Phần 1)

1. Hạnh phúc là gì?

Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc với các đặc điểm như cảm giác vui sướng, hài lòng, mãn nguyện và viên mãn.

Hạnh phúc có nhiều khái niệm; nhưng thường được miêu tả là trạng thái liên quan đến cảm xúc tích cực và sự hài lòng trong cuộc sống. Khi nói về cảm giác này, họ có thể nói về cảm xúc ngay thời điểm hiện tại; hoặc cảm giác chung của mọi người về cuộc sống.

Hạnh phúc là một thuật ngữ có xu hướng có nhiều định nghĩa khác nhau. Các nhà tâm lý học và khoa học xã hội thường sử dụng thuật ngữ “trạng thái hạnh phúc chủ quan”; khi nói về cảm xúc này. Như cái tên của nó, trạng thái này thường tập trung vào cảm xúc cá nhân của một người về cuộc sống của họ ở thời điểm hiện tại.

Hai thành tố chính của hạnh phúc (hoặc trạng thái hạnh phúc chủ quan) là:

Trạng thái cân bằng cảm xúc: Mọi người đều trải qua cảm xúc tích cực và tiêu cực. Hạnh phúc thường liên quan đến trải nghiệm tích cực hơn tiêu cực.

Sự hài lòng về cuộc sống: Liên quan đến sự hài lòng về nhiều khía cạnh trong cuộc sống; như các mối quan hệ, công việc, thành tựu và những điều được xem trọng.

2. Làm sao biết mình đang hạnh phúc?

Mặc dù định nghĩa có thể khác nhau tùy theo mỗi người; nhưng có một vài yếu tố chính các nhà tâm lý học sẽ xem xét khi đo lường và đánh giá mức độ hạnh phúc.

Một vài yếu tố chính của hạnh phúc bao gồm:

  • Cảm giác như bạn đang sống cuộc sống bạn mong muốn
  • Cảm giác mọi điều kiện trong cuộc sống của bạn đều tốt
  • Cảm giác bạn đạt được (hoặc sẽ đạt được) điều bạn muốn trong cuộc sống

Một điều quan trọng cần phải nhớ, hạnh phúc không phải là trạng thái vui vẻ liên tục. Thay vào đó, hạnh phúc là cảm giác tổng thể của việc trải qua nhiều cảm xúc tích cực hơn tiêu cực. Nhiều người dù vui vẻ; vẫn cảm thấy giận dữ, thất vọng, chán nản, cô đơn và buồn bã vào mọi lúc.

Nhưng khi đối diện với sự khó chịu, sâu trong thâm tâm; họ vẫn có cảm giác tích cực rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn; rằng họ có thể đối mặt với tình huống đang diễn ra và họ sẽ cảm thấy hạnh phúc một lần nữa.

3. Các loại hạnh phúc

Có nhiều cách nghĩ khác nhau khi đề cập đến hạnh phúc.

3.1 Hạnh phúc Hedonia và Eudaimonia

Ví dụ, nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle đã đưa ra 2 loại hạnh phúc khác nhau: hedonia và eudaimonia.

Hedonia: Hạnh phúc Hedonic là loại hạnh phúc bắt nguồn từ niềm vui. Loại này thường được kết hợp với việc làm những điều khiến bản thân vui vẻ; chăm sóc bản thân, thực hiện những điều mong ước, niềm vui và cảm giác hài lòng.

Eudaimonia: Loại này bắt nguồn từ việc tìm kiếm thói quen tốt và những ý nghĩa trong cuộc sống. Các thành phần quan trọng bao gồm cảm giác cuộc sống có ý nghĩa, giá trị và mục đích. Loại hạnh phúc này có liên kết nhiều hơn với việc hoàn thành trách nhiệm; đầu tư vào mục tiêu dài hạn, quan tâm đến phúc lợi của người khác; và sống theo ý tưởng cá nhân.

Ngày nay, Hedonia và Eudaimonia thường được biết đến rộng rãi hơn trong tâm lý học với định nghĩa là niềm vui và ý nghĩa. Gần đây, các nhà tâm lý học đã bổ sung định nghĩa thứ ba về hạnh phúc; liên quan đến sự gắn kết. Những cảm xúc liên quan đến cam kết và tham gia vào những khía cạnh trong cuộc sống.

Những người hạnh phúc thường đánh giá khá cao về eudaimonic (sự hài lòng trong cuộc sống); và mức độ hài lòng trong cuộc sống hedonic của họ cao hơn những người bình thường.

3.2 Một số loại khác

Những điều này có thể đóng vai trò quan trọng trong tổng quan trải nghiệm hạnh phúc của nhiều người; cho dù giá trị của từng yếu tố có thể mang tính chủ quan khá cao. Một vài hoạt động vừa đem đến cảm giác hài lòng và ý nghĩa, trong khi một vài hoạt động có thể chệch hướng theo cách này hay cách khác.

Một vài loại hạnh phúc có thể rơi vào trong 3 loại chính này, bao gồm:

  • Joy (Niềm vui): Một cảm giác ngắn ngủi thường được cảm nhận trong thời điểm hiện tại
  • Excitement (Sự vui vẻ): Cảm giác vui vẻ liên quan đến trông chờ vào một điều gì đó với sự tích cực
  • Gratitude (Sự biết ơn): Một cảm xúc tích cực liên quan đến việc biết ơn và trân trọng
  • Pride (Lòng tự trọng): Một cảm xúc hài lòng về điều bạn đạt được
  • Optimism (Sự lạc quan): Cách nhìn cảm xúc với cái nhìn lạc quan và vui vẻ
  • Contentment (Sự mãn nguyện): Loại hạnh phúc liên quan đến cảm giác mãn nguyện

4. Cách thực hành hạnh phúc

Trong khi một số người thường có xu hướng cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn thì vẫn có những điều giúp bạn vun đắp cảm giác tích cực này.

4.1 Theo đuổi mục tiêu nội tại

Việc đạt được các mục tiêu có động cơ để theo đuổi, đặc biệt là những mục tiêu tập trung vào sự phát triển cá nhân và cộng đồng có thể giúp tăng cảm giác vui vẻ. Việc theo đuổi những mục tiêu có động cơ xuất phát từ bên trong giúp tăng cảm giác tích cực hơn việc theo đuổi mục tiêu bên ngoài như tiền bạc hoặc địa vị.

4.2 Tận hưởng khoảnh khắc hiện tại

Nghiên cứu đã chỉ ra, những người có xu hướng kiếm nhiều tiền thường tập trung vào việc tích lũy vật chất và quên mất cách tận hưởng hành trình.

Vì vậy, thay vì rơi vào cái bẫy của việc tích lũy nhiều thứ và làm tổn hại bản thân, hãy tập trung vào việc thực hành cảm giác biết ơn vào những thứ đang có và tận hưởng quá trình.

4.3 Sắp xếp lại những ý nghĩ tiêu cực

Khi bản thân bạn bị mắc kẹt trong tình huống bi quan hoặc những điều tiêu cực, hãy tìm kiếm những điều có thể giúp bạn sắp xếp lại ý nghĩ của mình theo cách tích cực hơn.

Mọi người đều có thiên hướng tiêu cực tự nhiên hoặc có xu hướng chú ý đến những điều xấu hơn là những điều tốt. Điều này có thể có tác động đến nhiều thứ từ việc đưa ra quyết định đến cách tạo ấn tượng với người khác.

Khi tập trung vào tiêu cực và bỏ qua sự tích cực, bạn đang tạo ra một sự méo mó về mặt nhận thức và điều này cũng có thể góp phần tạo ra những suy nghĩ tiêu cực.

Việc sắp xếp lại những ý nghĩ tiêu cực không có nghĩa là bạn bỏ qua những điều xấu đang xảy đến với bản thân. Thay vào đó, hãy cố gắng tìm lại sự cân bằng và có cái nhìn thực tế hơn vào tình huống hiện tại.

Việc này giúp bạn nhận ra các khuôn mẫu trong suy nghĩ của mình và thách thức những ý nghĩa tiêu cực của bản thân.

Dịch bởi Nhã Nguyễn từ What is happiness

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt