3 ly do tri hoan

3 lý do dẫn đến thói quen hay trì hoãn

Sự trì hoãn không chừa bất cứ ai. Ngay cả những người thành công cũng đã từng trì hoãn ít nhất một lần. Nhưng đừng lấy đó làm lý do cho thói quen trì hoãn của bạn. Và hãy nghĩ, đâu là nguyên nhân sâu xa khiến bạn cứ mãi nước đến chân mới nhảy?

Khi nhìn vào danh sách các thói quen xấu mọi người muốn từ bỏ, trì hoãn luôn có mặt. Đây không phải là một xu hướng mới xuất hiện. Theo Tiến Sĩ Timothy Pychyl, một nhà nghiên cứu về sự trì hoãn, các tài liệu chuyên khảo về chủ đề này đã được đề cập từ năm 1682.

Vậy điều gì khiến sự trì hoãn có sức mạnh khó địch đến vậy? Điều gì khiến chúng ta không thể ngừng trì hoãn, dù ta biết nó ảnh hưởng đến năng suất làm việc và sự an yên trong tâm hồn? Nếu gặp rắc rối với sự trì hoãn và không biết làm cách nào để bỏ thói quen xấu này. Hãy xem 3 suy nghĩ dưới đây có đúng với bạn mỗi khi cơn trì hoãn xuất hiện.

1. Bạn nghĩ rằng “Mình có thể hoàn thành công việc vào phút chót”

Để giải thích sự trì hoãn, chúng ta có thể sử dụng câu thành ngữ “Nước đến chân mới nhảy”. Bài tập được giao, bạn không làm ngay. Việc được giao đến, bạn ngó lơ. Sự trì hoãn là chỉ khi gần đến hạn chót của công việc, bạn mới ráo riết làm. Áp lực từ việc phải hoàn thành công việc đúng hạn khiến bạn “tràn đầy năng lượng” hơn bao giờ hết. Và bạn dành hết sự tập trung chú ý muộn màng cho công việc và hoàn toàn không quan tâm đến những việc xung quanh. Bạn có thể không ăn, không ngủ chỉ để hoàn thành đúng hẹn. Và rồi, mọi việc cũng xong.

Nhưng, đây không nên là cách bạn hoàn thành công việc của mình. Suy nghĩ rằng “mình có thể hoàn thành việc này vào phút cuối” sẽ đem đến cho bạn sự tự tin giả . Đúng vậy, sự hồi hộp của việc đạt được những mục tiêu khó nhằn – như hoàn thành bài thuyết trình cho một cuộc họp quan trọng chỉ trong một đêm, khiến bạn cảm thấy cực kì phấn khích. Bạn cảm thấy tự hào, nhẹ nhõm (và tất nhiên cả kiệt sức). Việc lặp đi lặp lại điều này sẽ khiến bạn nghĩ rằng mình có thể hoàn thành mọi việc dù có trì hoãn bao lâu. Và như vậy, bạn chẳng còn động lực – cũng không còn lý do – để chấm dứt sự trì hoãn.

2. Không đặt ra thời hạn cho những mục tiêu trong cuộc sống

Sự trì hoãn có nghĩa là bạn đợi đến phút cuối để hoàn thành mọi việc. Nhưng suy nghĩ này chỉ hiệu quả nếu bạn biết rõ khi nào là “phút cuối”. Nếu không có sự xác định hay thông tin rõ ràng về thời hạn hoàn thành, nguy cơ bạn không bao giờ thực hiện được nó là rất cao. Tất nhiên, không phải việc nào cũng có thời hạn.

Hãy nghĩ về những mục tiêu trong cuộc sống. Thuở nhỏ, chúng ta được kỳ vọng sẽ đạt được những mốc thời gian chặt chẽ như 10 tháng bò, 2 tuổi nói, 6 tuổi bắt đầu đi học và 18 tuổi thì tốt nghiệp.

Nhưng khi lớn lên, những thời hạn trở nên “linh hoạt” hơn một chút. Không ai nói với bạn khi nào phải hẹn hò hoặc tuổi nào là quá trễ để kết hôn. Với những mục tiêu cụ thể khác như: phát triển sự nghiệp, bắt đầu công việc kinh doanh của bản thân, viết sách, học ngoại ngữ, trở thành một người cố vấn, làm tình nguyện, v.v. Những thời hạn ở đây gần như không tồn tại. Và không thời hạn đồng nghĩa với không có áp lực. Không áp lực nghĩa là không có hành động. Và không hành động thì sẽ không có mục tiêu.

3. Bạn nghĩ sự trì hoãn chính là vấn đề

Chúng ta thường nghĩ sự trì hoãn là một vấn nạn, như một thói quen xấu hoặc nét tính cách không thể thay đổi được, vắt kiệt năng lượng của chúng ta và cản trở việc đạt được những mục tiêu. Nhưng trì hoãn có thể không phải là vấn đề như bạn nghĩ. Nó có thể là giải pháp; một giải pháp mà bộ não tạo ra để phản hồi cho sự cần thiết của hành động.

Trì hoãn là xu hướng thực hiện mọi việc chậm trễ. Hay có thể nói là điều cản trở sự kết nối giữa “ý tưởng” và việc “thực hiện”. Để biến một kế hoạch thành hành động, não bạn phải phân tích một lượng lớn thông tin từ môi trường bên trong lẫn bên ngoài; và đưa ra quyết định cần phải làm điều gì tiếp theo. Khi đã có tất cả những thông tin cần thiết, bạn sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch. Nếu bạn không làm, não bạn sẽ ngưng phân tích. Và đó là lúc cơn trì hoãn bắt đầu.

Đừng xem sự trì hoãn là vấn đề nghiêm trọng, thói quen cần bỏ hay tính nết cần đổi. Hãy nghĩ nó như một tiếng chuông báo thức, lời cảnh báo, dấu hiệu ngăn cản bạn bắt đầu và hoàn thành công việc.

Nhiệm vụ của bạn là khám phá lời cảnh báo ấy mang ý nghĩa gì. Và khi bạn phát hiện ra, bắn sẽ nắm được lợi thế.

4. Lời kết

Bất cứ khi nào bạn muốn trì hoãn, hãy nghĩ đến “hậu quả” phải đối mặt trong tương lai. Sự trì hoãn sẽ liên tục khiến bạn căng thẳng và ảnh hưởng đến cả sức khỏe của bạn. Hy vọng khi bạn đã biết được gốc rễ của vấn đề, bạn có thể từ bỏ thói quen xấu này nhé!

Dịch bởi Nhã Nguyễn từ The 3 Real Reasons Why We Procrastinate

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt