nguyên nhân đau buồn

Bạn có biết: Sự chia cắt tạo nên đau khổ trong con người?

Có thể có nhiều kiểu chia cắt lắm, mỗi kiểu lại khổ khác nhau, rất chi là đa dạng. Cùng đọc để có những giây phút “à ha” về người khác nhé – người khác – còn bạn thì chắc ổn thôi mà. 

1. Những sự chia cắt gây đau khổ trong con người

1.1 Kiểu thứ I: Giữa lý trí và bản năng vô thức.

Cái đầu họ như không đi cùng cơ thể nữa. Có khoảng cách lớn giữa những gì họ biểu lộ ra và những gì họ thực sự mong muốn trong sâu thẳm. 

Trong kiểu này cũng có hai nhóm nhỏ nhé. 

Nhóm I.1: Những người rất thích tư duy, thích những câu chuyện cân não, thích đấu trí

Chỉ tinh thần là quan trọng, còn cơ thể của họ chẳng phải là một thứ cần được lắng nghe. Đã lâu hầu như họ chẳng nghe nhạc; không được ai massage cho; không nhảy múa (có khi chưa bao giờ biết nhảy múa là gì). Có thể lâu lắm rồi không làm tình; đến nỗi họ cho rằng “Ồ, tôi không có phần vô thức đó, không có những bản năng đó. Người khác có thể có, tôi thì không”.

Hoặc cũng có khi, họ tự áp đặt khuôn phép quá mức cho bản thân và lờ đi những nhu cầu thực sự của mình. Bỏ lơ tình dục và nhu cầu có người tâm giao đồng hành. Họ cho rằng sống như vậy là đạo đức, thanh bạch; còn những “cái kia” thì tôi chẳng cần, tôi có thể sống không có phần đó, thì đã sao! 

Ơ này! Bạn đang sống trên hành tinh nào vậy? Ông Freud để dấu chân trên mặt đất này hơn 150 năm rồi đấy. Bạn có biết những ẩn ức tình dục kéo theo bao nhiêu là rối loạn tâm lý; trong khi chủ nhân của chúng đa số hoàn toàn không nhận thức được mối liên quan không? Bạn cũng mang gien của loài người chứ? Có niềm tin nào của bạn rằng trong người bạn các hóc-môn vẫn hoạt động hay là không? 

Nếu bạn thiếu năng lượng sống, dễ thấy buồn, tâm trạng thay đổi thất thường; hay có những cơn lo hoảng, bệnh vặt tùm lum như các bệnh da, rụng tóc, mất ngủ. Và rồi khi ngẫm lại, tình cờ bạn thấy mình vẫn còn chưa già và nói chung thiếu vắng đời sống tình dục. Thôi bỏ, có khi là trùng hợp thôi.

Nhóm I.2: Những bạn rất cưng chiều cái thân của mình:

Thích ăn ngon, mặc đẹp, “làm điều mình thích, có điều mình yêu”. Hoạt động hăng say các kiểu, có thể là nhảy múa, luyện yoga, tập võ, tập gym, đạp xe, leo núi, hát hò. Hưởng thụ tất cả những gì “fun” (vui); ghét tất cả những gì bó buộc hay khiến họ nhọc trí (sách quá dày, đào tạo quá nghiêm túc, người quá triết lý, các khoá học online dài dòng chán ngắt).

Rồi đời ập vào đầu họ đủ thứ không ra gì: công việc trì trệ; công ty không hoà thuận; sếp không thấu hiểu; bạn bè thân cũng không thành công (cả đám có dịp xúm nhau lại thở than); tình cảm lận đận; gia đình xảy ra nhiều chuyện; xã hội xung quanh rối ren. Họ nhìn quanh ngơ ngác, không hiểu làm thế nào để xoay chiều mọi thứ. Họ cứ chênh vênh loay hoay. 

Cơ thể họ rất thì rất dẻo dai phát triển đấy. Nhưng cái đầu họ thì vì từ lâu rồi không liên lạc mấy nên khi cần dùng thì – dĩ nhiên thôi – nó chỉ gửi lại những mơ hồ, rối – “confused” là những từ tôi để ý thấy họ rất hay dùng. 

1.2 Kiểu thứ II: Rối loạn cân bằng Âm Dương 

Họ mất cân bằng giữa phần Nam tính và Nữ tính của chính họ. Cũng được tạo nên từ những khuôn Nam hồn và Nữ hồn như mọi người; nhưng họ đổ dồn vào phát triển một bên và bỏ mặc bên kia, lắm khi còn miệt thị rẻ khinh phần kia nữa. Nếu là bạn, bạn có giận không? Phần bị đè nén bèn lặn thật sâu, không liên lạc được nữa. 

Bạn có thể hình dung các kiểu nhé:

Nhóm II.1: Phụ nữ cực kỳ bánh bèo vô dụng (phần Nam tính trong họ bị ép không cho phát triển):

Những người này mà bị người yêu hay đức ông chồng bỏ rơi hay hành hạ gì là tiêu; chẳng phản kháng được cũng không độc lập nổi. Nếu rất rất là đẹp thì đổi tay, lại phụ thuộc vào người khác nữa.

Nhóm II.2: Đàn ông rất “đực rựa”, cứng cỏi, thô mộc:

Đừng bao giờ bắt họ nói chuyện cảm xúc nhé (chỉ duy nhất có cảm xúc giận dữ là được quyền thả ra dồi dào). Và rồi chính phần cảm xúc thiếu thốn đó thành chỗ yếu của họ; bệnh tâm thể do cảm xúc (phần nữ tính sâu thẳm, phần nhạy cảm) bị chính mình đè nén mà không biết, tuổi thọ giảm. Tình đời thì họ thường rơi ngay vào tay các bánh bèo vô dụng; gỡ cũng không ra (quá dương hút quá âm mà). Dù đôi khi cáu quá có bạo hành vài phát nhưng rồi thường đâu cũng lại vào đấy rất nhanh. 

Thở một hơi sâu vào bạn, bớt cười. Cũng thôi đừng duyệt trong đầu những người quen biết để xếp loại họ nữa. Hai nhóm sau đây còn thú vị hơn.-

Nhóm II.3: Các bà các cô rất thích bình quyền nam nữ, cương quyết không để cho phụ nữ bị thiệt thòi:

Họ phải chứng minh là cái gì nam giới làm được thì mình cũng làm được (tinh thần nữ quyền rất phổ biến ở Pháp 50 năm trước và hiện nay đang mốt ở Việt Nam đây mà). Chúc mừng các cô, các cô đã giành được quyền bình đẳng bằng cách biến mình thành đàn ông: xông xáo, giỏi giang, cứng cỏi.

Cũng như đàn ông, các cô này có nhiều phong cách: hoặc đi đứng hiên ngang, quát người sang sảng; hoặc cool ngầu, lạnh lùng, ít lời; hoặc tháo vát, lịch thiệp, ga lăng. Vậy rồi người ta để các cô thành đàn ông luôn: sửa đồ điện, trả tiền các bữa ăn, trụ cột kiếm tiền, gánh vác gia đình, ra quyết định, tự kiên cường vượt qua những chuyện khó khăn trong đời, tự nuôi con. Phần Nữ tính trong các cô (nếu tìm thấy) ắt phải ở trong tình trạng hết sức nguy kịch. 

Trong nhóm này, công tâm mà nói, cũng không phải ai cũng lựa chọn trở thành người như thế. Có những người từ lúc sinh ra cho đến lúc này chưa từng có một người đàn ông nào ra dáng đàn ông hiện diện trong đời họ. Thiếu thì phải tự đứng lên mà làm thôi.

Nhóm II.4: Những gã đàn ông của thời đại mới – con ngoan của các bà mẹ tháo vát giỏi giang:

Các gã này nhận thấy bày tỏ cảm xúc thật là một cách sống lợi hại. Mỗi lần ốm đau quặt quẹo than vãn là bà mẹ giỏi giang kia ào đến giơ tay che trời bảo vệ được ngay. Gã không cần tỏ vẻ “yêng hung” làm gì. Gã cũng học được từ sách vở, các lớp học tâm lý rằng rất cần thương yêu phụ nữ; phải nói chuyện ngọt ngào cùng họ, không cao giọng bao giờ, nhớ phụ rửa bát và đổ rác hằng ngày; nhớ rành rọt các loại hoa thì càng tốt; động tí bị phụ nữ quát thì nên xin lỗi ngay mới là người văn minh.

Phải lắng nghe, phải thấu hiểu, có chuyện gì thì uống ly trà, ăn cái bánh, tỉ tê bàn thảo thương lượng; quyết định chuyện lớn gì cũng phải đồng thuận. Đặc biệt là kiểu quyết định con tính ra ở riêng; con muốn lấy cô gái này; anh mua cái xe này nhé.

Các bạn nghĩ sao, các gã này sẽ kết hôn với ai? Bạn đoán đúng, với nhóm nữ anh hùng amazonian (II.3) chứ còn gì nữa. Nồi nào úp vung nấy. Cứ như thể Nam tính bị đè nén quá sâu trong lòng các gã vẫn phóng hồn ra bên ngoài, khắc khoải. Và gặp các cô nàng Nam tính ngời ngời kia thì lập tức bị hút vào.

Điểm chung của 4 nhóm nêu trên

Cả 4 nhóm “mất cân bằng Âm Dương” này có một điểm chung là sâu xa trong lòng, họ thiếu sức sống. Cái thứ sức sống trong trẻo mát lành khiến da dẻ sáng rỡ, ánh mắt tinh anh, cơ thể uyển chuyển thanh nhã, tâm trí dẻo dai không dễ bị hạ gục trước khó khăn. Bốn nhóm này có cảm giác như thể mình là cái xe chạy bằng năng lượng không sạch, khiến nóng máy và dễ hao mòn. Họ thường rất cần có đôi để cảm thấy tạm thăng bằng, vì, lệch một bên như họ, đứng một mình dễ chao đảo lắm. 

alt="sự chia cắt"

1.3 Kiểu thứ III: Chia cắt giữa Tôi và Họ/Chúng nó. 

Ranh giới cái tôi của những người này thật mãnh liệt. Họ khó có thể có cảm giác kết nối với người xung quanh và thậm chí với cả những người thân. Bên ngoài thì họ có thể đóng kịch, nhưng bên trong thì họ biết rất rõ điều đó.

Bởi vì chia cắt thế, nên họ không biết yêu ai thật lòng – có cảm thấy gì đâu kia chứ. Thế nên họ tỉnh táo. Thế nên họ tính toán.

Vì chia cắt và thực ra là không yêu ai, họ cũng khó tin là có ai yêu mình. Và rành rành là cũng ít có người yêu họ lắm. Dễ hiểu mà, trái tim ấm thì thu hút trái tim ấm; trái tim lạnh thường chẳng thu hút được gì cả. Họ vẫn có thể có các mối quan hệ, nhưng bên trong mối quan hệ này; khoảng cách là chẳng thể chối cãi. 

Nguyên nhân dẫn đến kiểu chia cắt thứ III

Trong nhiều trường hợp, sự tình là sản phẩm quái ác của lớp Ý thức (thủ phạm của ảo tưởng về cái Tôi) bao quanh họ thật dày. Ý thức cái tôi hoặc chấn thương tinh thần là một phần nguyên nhân của kiểu chia cắt thứ III

Và cũng có khi là một lớp Vô thức nào đó bao quanh họ tạo rào cản vô hình. Một chấn thương gì đó rất lớn từ thời xa xưa đã khiến họ tung ra rào bảo vệ đó; nay không hạ xuống được: một chấn thương thuộc tầm cỡ như tấn công bạo hành đến có thể chết người; cảm thấy bị bỏ rơi thảm thê, bị phản bội, bị xâm hại tình dục.

Vậy là họ bị bao chặt chẽ bởi những lớp tâm thức vô hình, nằm co ro bên trong, đứt liên lạc (về mặt tinh thần) với người khác, với vạn vật, với Toàn thức. Vì thế, chẳng có gì truyền được sự phấn khích, truyền niềm vui sống được nhiều cho họ. Đối với với họ, cái đẹp cái tử tế thì sao hiếm hoi, sao qua nhanh. Còn những gì đáng chửi bới, giận hờn, làm cho họ muốn chạy trốn (hoặc muốn nổi xung đập chết) thì quá nhiều. Họ chỉ có một tí năng lượng trong cục pin của riêng mình thôi, nên pin họ cạn rất nhanh; cứ tối đến là họ mệt nhừ tử như đứt hơi sắp chết. Có nhiều lúc họ nằm ở đáy tuyệt vọng, và cảm thấy mình rất, rất cô đơn. 

2. Giải pháp nào cho sự chia cắt gây đau khổ này?

Ra khỏi đây nhé. Ta cùng tìm một cái bàn gỗ đơn sơ, giữa một khu vườn rộng mát, ngồi gần nhau để có thể thì thầm mà vẫn được nghe thấy. Cảnh này gợi nhớ đến bàn trà mà tôi cùng thầy bạn hay quây quần. Và giấc mơ hôm đó, tôi đã hiểu. Chỉ cần các zombie và cả những con người sắp thành zombie kia hiểu rằng: ngược với chia cắt là hợp nhất. Symbolon (σύμβολον), hợp nhất. 

Trong Trị liệu biểu tượng nâng cao (xuất phát từ nhánh Tâm lý học phân tích của Carl Jung); khi phần Nữ tính và phần Nam tính của một người (đã được chăm sóc tử tế, giúp phát triển tử tế); được dẫn dắt đến hợp nhất với nhau, Symbol – biểu tượng được tạo thành rất thường được mô tả là như một viên ngọc đỏ – khối sáng đỏ – mặt trời đỏ – ở vùng bụng, chỗ của tùng thần kinh mặt trời. 

Làm cách nào để xoá đi sự chia cắt? Làm cách nào để khơi dậy sức sống đáng ra là phần của mỗi người, ai ai cũng có? 

Ba câu hỏi vừa rồi chắc nổi lên trong lòng không biết bao nhiêu bạn, những người đã cùng tôi đi hết chặng này của cuộc hành trình. 

Chặng tới sẽ là Mặt trời. Hẹn mai, bạn nhé!

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt