quá ý thức

Bạn Có Khổ vì Quá Ý thức trong cuộc sống?

Khổ vì quá ý thức là như thế nào? Vì lí do gì mà những người đứng đắn, có ý thức nhất lại quá khổ trong thời đại này? Các bạn chắc biết rõ đây là sự thật, thậm chí có thể đưa ra nhiều ví dụ. Dưới đây tôi cũng sẽ phân tích các trường hợp thật dồi dào.

Sau khi đã bay bổng với những chặng hành trình trước, lần này chúng ta sà xuống thật thấp. Carl Gustav Jung (nhà tâm lý học Thuỵ Sĩ mà tôi khoái không chịu được) có nói câu này:

“Không có loài cây nào, như đã nói, có thể nở rộ trên thiên đường mà không cắm rễ của nó thật sâu xuống địa ngục.”

Những tâm sự của những người khổ vì quá ý thức

Giờ cùng tôi lắng nghe một số tâm sự sau đây xem có bóng dáng bạn trong đó không nào:

Ý thức trong gia đình

  • “Ba mẹ chẳng bao giờ thích nghe con kể lể dài dòng chuyện học khó như thế nào, cứ bảo học, học, học mãi thôi. Con đuối quá, mà đâu dám nói. Con không muốn ba mẹ lo.”

Ý thức trong cuộc sống cá nhân

  • “Tập thể dục hả? Tôi biết là cần. Cơ bắp sắp nhão cả, bụng xệ… tôi biết chứ. Nhưng số má kinh doanh dạo này tệ quá, tối về vừa mệt nhoài vừa tâm trạng xuống dốc. Đi đẩy tạ chắc tạ đè tôi chết mất. Thôi tuần sau nha.”
  • “Không biết bạn nghĩ thế nào, chứ mở Facebook lên thấy chán đời lắm. Toàn là độc hại sánh vai giả dối. Tin xấu thì dồn dập đến, vậy mà lũ đầu người óc lợn thì vẫn chụp hình mấy cái dĩa thức ăn hay trà sữa, rồi thì “hôm nay tao đi vẽ gốm hình ông mặt trời” – “so cute so cute” – cả đám bạn thả tim chất ngất. Không thì chúng lại kháo nhau áo lót ở đâu đang giảm giá, kem kia trị mụn mông cực tốt. Cái đứa nhăn răng cười “chúc mừng vợ yêu vợ yêu” thì hôm qua nhờ tôi nói dối cho để trốn đi với gái. Chắc tôi bỏ hết, đóng cửa hết. Nếu được một tuần không gặp ai, không đọc gì chắc tôi khoẻ lắm. “

Ý thức trong tình cảm

  • “Tôi với anh ấy ngày càng chẳng biết nói chuyện gì nhiều với nhau. Lâu dần nói cái gì nghe cũng dở, nghe cũng nhạt nhẽo. Có nhiều chuyện xảy ra với tôi lắm, mà không có hứng nói nên thôi. “Một mình mình biết một mình mình hay”. Ai cũng vậy chứ nào chỉ mình tôi, không lẽ vì vậy mà gây sự?”
  • “Hắn bỏ tôi đi rồi, với cô nàng không biết liêm sỉ là gì ấy. Vậy mà chị biết không, mười nhà tâm lý tôi gặp thì hết cả mười nói qua nói lại rồi cũng dẫn đến là “chị thay đổi chính mình nhé, chúng ta chỉ có thể thay đổi chính mình”!!! Trời ơi là trời, mọi người không hiểu sao? Người ta cướp chồng của tôi!!! Sao vấn đề lại là ở tôi??? [Đoạn này là gào thét giữa cái chai và cái ly rượu, vì dĩ nhiên, khi tỉnh cô ấy là người rất dễ thương, luôn trả lời với các nhà tâm lý “Đúng vậy, tôi biết đây là dịp để tôi học hỏi, hoàn thiện chính mình hơn, không có gì xảy ra mà lại không có ý nghĩa, tôi biết”].”

Khổ vì quá ý thức và hệ quả của nó

Và cứ thế rồi trẻ em và người lớn tự tử ngày càng nhiều. Người người thi nhau ăn cho đỡ buồn, mập tròn cả ra, tỉ lệ béo phì bay lên muốn xé rách biểu đồ. Có người lại còn uống rượu, uống xong lại còn phóng xe, dĩ nhiên gây nhiều tai nạn.

Trầm cảm – lo âu thi nhau mà lộ ra. Bác sĩ bệnh viện tâm thần ngồi khám miệt mài mấy chục đến cả trăm bệnh nhân một ngày… Đó là cho những bệnh nhân còn đủ sức ngồi đợi giữa đám người đông nghìn nghịt mà không lên cơn điên ngay tức khắc (chẳng biết may hay không may – vì nếu lên cơn sẽ được đưa vào “chăm sóc đặc biệt” nhanh hơn, có khi sau đó cả đời này vĩnh viễn không thấy buồn nữa – chỉ xen kẽ những cơn cười và cơn chửi bới).

Còn cơ man nào là người cũng trầm cảm, lo âu (và cả chục thứ rối loạn tâm lý khác ít nghe đến) đầy đường đầy ngõ mà không muốn đi gặp nhà chuyện môn nào cả. “Tin ai được trên đời này kia chứ” – họ nghĩ vậy. Nếu có ai đó quen thân vài bác sĩ tâm thần hay nhà tâm lý thì lại càng nản, vì tận mắt chứng kiến những nhân vật này mệt mỏi vì quá tải: lấy đâu ra niềm tin? Thế rồi họ cứ âm thầm tiếp tục khổ vì quá ý thức trong cuộc sống.

Vài dòng tâm sự từ tác giả

Có đêm quá mệt, tôi chạy xe về nhà chầm chậm, chợt ngẩng lên nhìn trăng. Ánh trăng khi ấy rọi xuống tôi cũng thấy lạnh lẽo thê lương làm sao. Cứ như thể có đại dịch zombie đang lan tràn, quanh tôi đầy zombie, những người vừa bị zombie cắn đang gào khóc vì vẫn còn muốn làm người, những gương mặt trắng bệch sợ hãi vì chẳng biết đến ngày nào thì đến phiên mình bị cắn. Zombie đông quá rồi. Tôi thấy mình thở thật khẽ, cứ như không muốn ai phát hiện rằng tôi còn sống, rằng tôi vẫn còn là người vậy. 

Đêm đó, sợ hãi, buồn vô cùng tận và cực kỳ mệt mỏi, tôi đi ngủ và có một giấc mơ. Tôi thấy lại chặng đường mình lầm lũi đi giữa bao nhiêu là zombie. Chỉ khác một điều… Trong tất cả, zombie cũng như người, tôi thấy (xuyên qua) bụng đều mang một viên ngọc đỏ. Viên ngọc? Đỏ? Những biểu tượng đó có nghĩa là gì? 

Hôm sau đó, tôi kể giấc mơ cho người thầy của mình bên một bàn trà mà tôi cùng những người bạn vẫn thường quây quần vào mỗi chiều Chủ Nhật.

Đến hồi hấp dẫn rồi, mà kể đến đây cũng đã quá khuya. Ngủ ngon và hẹn gặp bạn trong chặng tiếp theo nhé. 

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt