phục hồi cảm xúc

Tại sao bạn cần phát triển khả năng phục hồi cảm xúc?

Những người có khả năng phục hồi cảm xúc tốt có thể giải quyết các xung đột một cách hiệu quả và bình tĩnh. Họ cũng có thể quản lý những cơn khủng hoảng dễ dàng hơn. May mắn thay, khả năng phục hồi cảm xúc là một khả năng có thể được rèn luyện. Trên thực tế, đó là một khả năng đáng được phát triển nếu bạn muốn cải thiện cuộc sống cùng những trải nghiệm căng thẳng.

1. Khả năng phục hồi cảm xúc là gì?

Khả năng phục hồi cảm xúc là khả năng thích ứng với các tình huống căng thẳng hoặc khủng hoảng. Những người có khả năng hồi phục cảm xúc tốt có thể ứng phó với một loạt các tình huống khó khăn; thích nghi với nghịch cảnh mà không gặp nhiều trở ngại. Những người có khả năng phục hồi kém thường gặp khó khăn hơn với sự căng thẳng; những thay đổi dù lớn hay nhỏ trong cuộc sống.

Nghiên cứu cho thấy người có thể đối mặt với những căng thẳng nhỏ một cách dễ dàng; cũng có thể vượt qua các cuộc khủng hoảng lớn một cách suôn sẻ hơn. Vì vậy, khả năng phục hồi không chỉ có lợi với cuộc sống hàng ngày; mà còn với những nghịch cảnh nghiêm trọng hoặc hiếm gặp.

2. Điều gì ảnh hưởng đến khả năng phục hồi cảm xúc?

Khả năng hồi phục về cảm xúc và thể chất, ở một mức độ nhất định; là thứ bạn sinh ra đã có sẵn. Về bản chất, một số người có vẻ ít u sầu hơn trước những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống; điều có thể thấy được từ giai đoạn sơ sinh; và có xu hướng ổn định trong suốt cuộc đời của một người.

Khả năng phục hồi cảm xúc cũng liên quan đến một số yếu tố ngoài tầm kiểm soát của bạn như:
• Tuổi tác
• Giới tính
• Trải nghiệm với sang chấn
Tuy nhiên, khả năng phục hồi cảm xúc có thể được tăng cường với sự nỗ lực và luyện tập. Nếu biết phải làm gì, bạn có thể trở nên kiên cường hơn; cho dù bản chất của bạn là nhạy cảm trước những biến cố trong cuộc sống.

3. Những đặc điểm của người có khả năng phục hồi cảm xúc

Khả năng phục hồi không phải là một phẩm chất mà bạn sở hữu hoặc là không; mỗi người có những mức độ khác nhau về khả năng xử lý căng thẳng. Tuy nhiên, có những đặc điểm nhất định mà những người hồi phục cảm xúc tốt thường thể hiện. Dưới đây là một số đặc điểm chính.

3.1 Nhận thức về cảm xúc

Những người có nhận thức về cảm xúc biết họ đang cảm thấy gì và tại sao. Họ cũng hiểu cảm xúc của người khác tốt hơn; vì họ kết nối với đời sống nội tâm của chính họ. Hiểu biết về cảm xúc cho phép họ phản hồi một cách phù hợp với người khác; và ứng phó tốt hơn khi đối mặt với xúc cảm khó khăn như tức giận hoặc sợ hãi.

3.2 Kiên trì

Cho dù họ đang gắng sức hướng tới những mục tiêu bên ngoài; hay các chiến lược ứng phó nội tại, họ luôn hành động, tin tưởng và không bỏ cuộc. Thay vì cảm thấy bất lực hoặc tuyệt vọng khi đối mặt với thử thách; người kiên cường thường cố gắng hướng tới mục tiêu hơn.

3.3 Kiểm soát nội tâm

Họ tin rằng chính mình kiểm soát cuộc sống của bản thân, không phải các thế lực bên ngoài. Đặc điểm này cho phép họ ít căng thẳng hơn nhờ khả năng kiểm soát nội tâm; và quan điểm thực tế về thế giới. Họ có thể chủ động hơn trong việc đối phó với các yếu tố gây căng thẳng, tập trung vào các giải pháp; và cảm thấy kiểm soát tốt hơn.

3.4 Lạc quan

Những người có khả năng phục hồi cảm xúc tốt luôn nhìn thấy mặt tích cực trong hầu hết các tình huống. Và họ tin tưởng vào sức mạnh của mình. Điều này giúp họ chủ động thay vì ở vị thế của nạn nhân và mở ra nhiều lựa chọn hơn.

3.5 Hiểu giá trị từ sự ủng hộ của người khác

Sự ủng hộ của người khác đóng một vai trò quan trọng; trong việc thúc đẩy khả năng phục hồi cảm xúc và cải thiện sức khỏe tinh thần nói chung. Trong khi những người kiên cường thường là những cá nhân mạnh mẽ; họ biết giá trị của sự ủng hộ từ mọi người. Họ bao quanh mình bởi những người bạn và gia đình luôn ủng hộ họ.

3.6 Khiếu hài hước

Những người có khả năng phục hồi cảm xúc cao có thể mỉm cười trước những khó khăn trong cuộc sống. Nụ cười là một công cụ kỳ diệu, nó có thể thay đổi quan điểm từ việc nhìn nhận một mối đe dọa thành một thử thách; và điều đó làm thay đổi cách cơ thể phản ứng với căng thẳng. Họ cũng cười nhiều hơn và điều này mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống.

3.7 Cởi mở và biết học từ thất bại của cuộc sống

Những người bền bỉ có thể học hỏi từ sai lầm của họ (thay vì phủ nhận chúng), coi những trở ngại là thách thức, và cho phép nghịch cảnh khiến họ mạnh mẽ hơn. Họ cũng có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống trong những thử thách hơn là coi mình như một nạn nhân.

3.8 Có kết nối với thế giới tinh thần

Sự kết nối với khía cạnh tinh thần có liên quan đến khả năng phục hồi cảm xúc. Đặc biệt nếu bạn có sự kết nối với thế giới nội tâm, chứ không chỉ đi qua cuộc sống với những trải nghiệm thường nhật. (Điều này không có nghĩa là những người vô thần thì không kiên cường, chỉ là mối liên hệ ấy luôn hiện hữu.)

4. Cách xây dựng khả năng phục hồi cảm xúc

Bạn có thể thực hiện các bước sau để cải thiện khả năng phục hồi cảm xúc của mình:

  • Xây dựng mối quan hệ với người khác. Ưu tiên các mối quan hệ của bạn và tiếp cận với người khác bằng cách tham gia các nhóm, cộng đồng trong khu vực của bạn.
  • Quản lý nội tâm của bạn. Cố gắng duy trì những suy nghĩ tích cực, niềm hy vọng, trong khi chấp nhận rằng thay đổi và thất bại là một phần của cuộc sống. Điều quan trọng là tiếp tục hướng tới những mục tiêu.
  • Chăm sóc bản thân. Làm giàu thêm sự hạnh phúc bằng cách chăm sóc tinh thần và thể chất của bạn. Ăn uống đầy đủ, vận động cơ thể và tránh các tác nhân không lành mạnh.

Nếu bạn đang đấu tranh để vượt qua một biến cố đau buồn hoặc thử thách, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Một nhà trị liệu có thể giúp bạn học và thực hành các chiến lược đối phó, có thể thúc đẩy khả năng phục hồi tốt hơn khi đối mặt với những thách thức trong cuộc sống.

Khả năng phục hồi cảm xúc có thể được xây dựng và phát triển. Và bởi vì sự căng thẳng và những thay đổi là một phần của cuộc đời, nên chúng ta luôn có cơ hội để rèn luyện khả năng phục hồi cảm xúc. Tất cả những gì bạn cần là sự bắt đầu và cam kết thực hiện những hướng dẫn.

Dịch bởi Thắm Phan từ Why Emotional Resilience Is a Trait You Can Develop?

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt