lòng tự trắc ẩn

Phát triển lòng tự trắc ẩn để quản lý cuộc sống dễ hơn

Khi nói đến sự phát triển cá nhân, xã hội thường đề cao những người tự chủ hoặc tự tin. Nhưng nghiên cứu mới đây đã chỉ ra lòng tự trắc ẩn có thể là cách tốt hơn để chúng ta đạt được thành công; và phát triển bản thân. Ví dụ, sự tự tin khiến bạn cảm thấy tự tin hơn về khả năng của mình; trong khi đó, lòng tự trắc ẩn lại khuyến khích bạn nhìn nhận khiếm khuyết và hạn chế của bản thân. Một khi bạn hiểu và chấp nhận khuyết điểm của mình; bạn có thể nhìn nhận khuyết điểm một cách khách quan và thực tế hơn. Và đây cũng là lúc cuộc sống của bạn sẽ có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Hiểu về lòng tự trắc ẩn

Đúc kết từ Tâm lý Phật Giáo, lòng tự trắc ẩn không giống với lòng tự tôn; hay sự tự tin vào bản thân. Thay vì nghĩ về bản thân, lòng tự trắc ẩn là cách sống hoặc cách bạn đối xử với bản thân. Trên thực tế, theo như tiến sĩ Kristin Neff, giáo sư tâm lý tại Đại học Texas; đây là cách bạn đối xử với bản thân như cách bạn đối xử với bạn bè hoặc người thân của mình khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Nói chung, lòng tự trắc ẩn là cách bạn chấp nhận bản thân chỉ là con người; và như mọi người khác, chúng ta đều mắc sai lầm. Điều đó cũng có nghĩa bạn không đắm chìm trong sai lầm; hoặc tự trách bản thân mình vì gây ra những sai lầm đó.

Tiến sĩ Neff là người đầu tiên đo lường và xác định lòng tự trắc ẩn; cũng như đưa ra một số phương pháp thiền; để có thể cải thiện khả năng tự trắc ẩn của bạn như bài tập thở trong yêu thương và thiền tâm từ.

3 cách phát triển lòng tự trắc ẩn

Khi thực hành lòng tự trắc ẩn với bản thân; có 3 yếu tố tiên quyết bạn cần nhớ nếu muốn thành công. Thứ nhất là tử tế với bản thân như cách bạn đối xử với bạn bè của mình; thứ hai là nhận biết rõ bản thân và và khuyết điểm của mình; và cuối cùng là cho phép bạn tự do để trở nên không hoàn hảo.

Tập tử tế với bản thân

Khi thực hành lòng tự trắc ẩn với bản thân; bạn sẽ nhận ra tất cả mọi người không ai là hoàn hảo; và mọi người đều có những cuộc sống không trọn vẹn. Kết quả là, bạn sẽ tử tế với bản thân thay vì chỉ trích mình khi mắc sai lầm. Ví dụ, khi mọi việc không như ý, Tiến sĩ Neff nói rằng; phản ứng đầu tiên của bạn sẽ là nảy ra suy nghĩ “việc này không nên xảy ra”. Hoặc bạn có thể nghĩ: “Mình không nên để chuyện này xảy ra trong khi mọi người khác đều có cuộc sống hạnh phúc, bình thường.”

Khi có suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ cảm thấy nỗi buồn như “dâng cao” hơn vì điều này sẽ cô lập bạn; khiến bạn cảm thấy cô đơn và khác biệt với mọi người. Nhưng tử tế với bản thân không phải là suy nghĩ “mình thật tội nghiệp”; mà bạn nên có suy nghĩ “ai cũng sẽ trải qua thất bại một lần”. Bạn nhận ra rằng, mọi người đều có vấn đề và khó khăn của riêng họ; bởi vì chính điều đó mới tạo nên con người chúng ta.

Suy nghĩ này sẽ thay đổi góc nhìn của bạn về những thử thách và khó khăn trong cuộc sống. Kết quả là, bạn sẽ trưởng thành từ những trải nghiệm của mình. Nhưng nếu bạn cảm thấy đó là điều bất thường hoặc không nên xảy ra; bạn sẽ bắt đầu tự đổ lỗi cho bản thân.

Thực hành chánh niệm

Một yếu tố khác của lòng tự trắc ẩn là chánh niệm. Khi bạn nhận thức được về bản thân; bạn sẽ sẵn sàng đối mặt với nỗi đau của mình và chấp nhận nó. Nhưng trên thực tế, mọi người thường có xu hướng trốn tránh; và không muốn đối mặt với nỗi đau của mình. Thay vì nhìn thẳng vào nỗi đau, họ sẽ đi thẳng vào việc giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, khi đối mặt với thử thách mà cuộc đời đem đến; thay vì trốn tránh, bạn nên dành thời gian để nhận thức những khó khăn này khiến bạn cảm thấy thế nào; và tại sao chúng lại xảy ra. Khi làm được điều đó, bạn sẽ trưởng thành và rút kinh nghiệm từ vấp ngã của mình.

Giọng nói luôn chỉ trích bản thân ở trong đầu cũng là điều bạn cần phải quan tâm khi bàn đến “chánh niệm”. Sự tự chỉ trích thường xuyên xuất hiện trong tâm trí và có thể dễ dàng đánh gục bạn. Nhưng chánh niệm giúp bạn nhận thức được thiếu sót của mình và không còn khắt khe với bản thân. Kết quả là, bạn sẽ nhận ra những phương diện cần cải thiện ở bản thân; mà không còn quá áp lực về việc trở thành “người hoàn hảo”.

Chấp nhận là con người vốn không ai hoàn hảo

Một khi chấp nhận việc đạt được sự hoàn hảo trong cuộc sống là phi thực tế; bạn sẽ cảm thấy vai mình như được trút bớt gánh nặng. Điều này cũng giúp bạn nhận thấy những điều đang trải qua là bình thường và mọi người khác cũng đều như vậy; và bạn không nên cảm thấy có lỗi vì điều đó. Ngoài ra, việc nhận ra bản thân không hoàn hảo có thể giúp bạn cảm thấy thông cảm với mọi người vì bạn biết; ai cũng đang trải qua khó khăn và thử thách riêng.

Hãy nhớ, lòng tự trắc ẩn là cách bạn đối xử tử tế với chính mình; và nhận thức được con người không ai hoàn hảo, kể cả chính bạn. Điều này cũng yêu cầu bạn hiểu rằng không hoàn hảo cũng chẳng sao cả. Những khiếm khuyết và trở ngại của bạn nên giúp bạn hiểu thêm về bản thân mình; chứ không phải khiến bạn cảm thấy căng thẳng hoặc cảm thấy tồi tệ về bản thân mình.

Lợi ích của lòng tự trắc ẩn

Nhìn chung, lòng tự trắc ẩn bao gồm việc nhận ra sự khác biệt giữa việc đưa ra một lựa chọn tồi; và trở thành một con người “tồi”. Khi thực hành nó, bạn sẽ hiểu rằng; việc đưa ra một lựa chọn tồi sẽ không biến bạn trở thành một người tồi tệ. Thay vào đó, bạn công nhận giá trị của bản thân mình một cách vô điều kiện. Thực tế, các nghiên cứu đã liên tục chỉ ra mối liên hệ tích cực giữa lòng tự trắc ẩn và hạnh phúc nói chung. Hơn nữa, lòng tự trắc ẩn giúp bạn ý thức được giá trị của bản thân; nhưng không phải theo hướng ngạo mạn mà đôi khi sự tự tin có thể mang lại cho bạn.

Thêm vào đó, người thực hành lòng tự trắc ẩn cũng có nhiều mối liên kết xã hội hơn; có trí tuệ xúc cảm cao hơn và có sự hài lòng nhiều hơn với cuộc sống. Họ cũng hay quan tâm, hay ủng hộ và dễ thông cảm với người khác hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra những người có lòng tự trắc ẩn thường có ít lo lắng; ít phiền muộn; và ít sợ thất bại hơn. Lòng tự trắc ẩn cũng có thể là động lực giúp mọi người nhìn nhận khách quan; và cải thiện khuyết điểm, thất bại hoặc thiếu sót của mình.

Lời kết

Khi nói đến lòng tự trắc ẩn, điều đầu tiên bạn cần xác định chính là giọng nói luôn chỉ trích bản thân ở trong đầu. Đôi khi, giọng nói đó quá khắc nghiệt và bạn có thể chỉ trích bản thân vì những sai lầm rất nhỏ. Để thực hành lòng tự trắc ẩn, bạn cần nhận ra giọng nói đó và điều chỉnh khi giọng nói đó đi chệch hướng. Điều đó không có nghĩa bạn tự nói với bản thân mình tuyệt vời như thế nào; thay vào đó, bạn hãy trò chuyện với bản thân mình một cách tử tế, không phán xét, như cách bạn động viên người thân. Và khi làm như vậy, cuộc sống của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Dịch bởi Nhã Nguyễn từ Self-compassion makes life more managable

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt