vô thức

Vô thức là gì? Đến từ đâu? Và bao gồm những gì?

Sau khi có ý niệm về Cái tôi, hôm nay tôi với bạn cùng khai phá vùng đất của vô thức.

1. Vô thức là phần chìm của tảng băng trôi

Ta bắt đầu khai phá Vô thức với một hình dung khá quen thuộc: “Tôi” = tảng băng, với:

  • Khoảng 1/10 nổi trên mặt nước là những gì tôi biết về chính mình. Tôi nhận biết được vào lúc đang tỉnh táo và tôi chủ động điều khiển. Là nó, cái gọi là Ý thức. Cái Tôi Ý thức.
  • Còn phần khuất dưới mặt nước, nó cũng là tôi, 9/10 tôi hoặc hơn nữa. Phần này tạo nên hầu hết sức nặng của tôi, cơ mà không thể thấy được, không nhận thức được. Thế nên nó được gọi là Vô thức. Vô thức của tôi.
https://scontent.fsgn2-3.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/20294224_1791875340828500_1012240441731016188_n.jpg?_nc_cat=108&_nc_sid=32a93c&_nc_ohc=NeZwqd-1IQoAX-gklpW&_nc_ht=scontent.fsgn2-3.fna&oh=8b134a8ba65cf7ae361d021e4b3595d3&oe=5F5245A8

2. Quá khứ và những trải nghiệm tạo ra vô thức

Với hình dung trên thì vẫn chưa rõ vô thức chứa cái gì, được hình thành thế nào. Nó quyết định cuộc đời chúng ta ra sao. Tôi có một hình dung khác, rõ ràng hơn nhiều. Bạn theo dõi nhé.

https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t31.0-8/p720x720/20414254_1791882824161085_390385141343844692_o.jpg?_nc_cat=103&_nc_sid=32a93c&_nc_ohc=RqC7R2DnaNMAX-nOQZF&_nc_ht=scontent.fsgn2-2.fna&_nc_tp=6&oh=ff0c915c0a520cc0765d406183493c67&oe=5F51830B

“Tôi” là nhân vật ở giữa hình. Tôi tiến về phía trước, trong thời gian. Mỗi bước chân của tôi là một trải nghiệm. Tôi luôn ở hiện tại, cứ một bước tiến lên thì bước trước đó đã trở thành quá khứ. Có những chuyện vô vị xảy ra nhanh chóng bị quên đi, nhưng những bài học quan trọng thì còn lại.

Những lựa chọn “rẽ trái hay rẽ phải” hoặc “đi nhanh hay đi chậm”. Có khi “ngẩn ngơ đứng chơi cho đến khi cơn mưa ập lên đầu”. Hoặc “thấy cái hố mà không chịu đi vòng tránh”. Tất cả đều để lại hậu quả trên cái Tôi hiện tại: Tôi đang ở đâu trong cuộc đời, độc thân hay có ai đó đồng hành, vị thế xã hội ra sao, tình trạng sức khoẻ tinh thần thế nào, có bao nhiêu vết sẹo trong tim…

Toàn bộ quá khứ ấy nằm lại trong Vô thức, tạo nên Vô thức. Vô thức nằm ngầm trong ta, hoạt động tự động, thường ta không biết đến nó (vô – không, thức – nhận biết), hoặc ta cũng nhận ra được nhưng chỉ SAU KHI nó đã bộc lộ ra rồi. Nhiều nghiên cứu thần kinh học khẳng định Vô thức xuất phát khoảng 0,4 giây trước khi Ý thức ta kịp nhận biết điều gì xảy ra. Và khi đó đã trễ để có thể cản trở. Từng suy nghĩ, cảm xúc, hành động, của ta nếu không đến từ quá khứ thì từ đâu chứ?

3. Bản chất thật sự của vô thức

Ta thường hình dung mình vững bước trên đường đời, mắt nhìn tương lai, quay lưng về quá khứ. Nhưng hình dung ấy không đúng. Bạn KHÔNG THẤY tương lai, vì nó chưa thành hiện thực mà. Chúng ta đa phần chỉ thấy quá khứ, phản ứng theo kinh nghiệm quá khứ, đối đãi với người xung quanh theo hình ảnh quá khứ mình từng có về người đó.

Ta tưởng ta nhìn tương lai, nhưng mắt ta chỉ thấy quá khứ. Ngay cả hiện tại đang xảy ra cái gì, có nhiều người còn không thấy rõ nữa, bạn hình dung được không? Lấy ví dụ: bạn đã từng có lỗi với ai chưa? Và nay bạn đã thay đổi, con người bạn không giống xưa nữa, nhưng người kia vẫn cứ nhìn bạn y như lúc phạm lỗi với họ. Họ không thể “nhìn thấy” bạn hiện tại.

Vậy chúng ta lại có hình vẽ này:

https://scontent.fsgn2-4.fna.fbcdn.net/v/t31.0-8/p720x720/20369713_1792329927449708_8512254497919403591_o.jpg?_nc_cat=109&_nc_sid=32a93c&_nc_ohc=1YI6QOr0TEsAX9GM09C&_nc_ht=scontent.fsgn2-4.fna&_nc_tp=6&oh=a7680fa510ca4ae24cd8973497a8384e&oe=5F500954

Giờ thì, ta cùng xem kĩ quá khứ tạo nên Vô thức ra sao? Có những phần gì trong Vô thức nhé.

4. Vô thức bao gồm những phần nào?

4.1 Lớp thứ nhất – CƠ THỂ 

Những chương trình nền

Ngay từ lúc sinh ra, trong “bộ nhớ” của tôi – một đứa con nhỏ bé của loài người – đã chứa những chương trình hết sức căn bản: Đói thì gào khóc, đưa cái gì lại gần miệng cũng mút… bản năng sinh tồn ấy mà. Càng sống lâu thì đứa bé càng có dịp để bộc lộ những bản năng nằm sâu trong những “chương trình nền” của loài người:

  • Nó muốn sinh tồn, đói ăn khát uống, thiếu thì kêu la hoặc thậm chí giành giật đánh nhau để có cái ăn cái uống, sợ thì co rút đông cứng lại hay vùng chạy.
  • Nó muốn được yêu thương, chăm sóc, gắn bó với ai đó sẽ chăm sóc nó… nên nảy sinh tình cảm quyến luyến mãnh liệt với mẹ, rồi với cha.
  • Tiếp theo, nó muốn sung sướng, làm những điều dễ dàng, làm những điều khiến nó khoái chí. 
vô thức là gì

Biến thể của chương trình nền trong cuộc sống

Những chương trình này quả là chương trình nền, chúng theo ta suốt cuộc đời, như tim luôn đập và bạn luôn thở dù không cần để ý gì cả. Chúng có thể biến thể đôi chút qua các thời kỳ. Ví dụ: 

  • Mong muốn sinh tồn ăn uống có thể thể hiện bằng ham làm giàu.
  • Tình yêu với mẹ với cha biến thành mong muốn mãnh liệt được sống có đôi, được gắn kết với con cái. Và những đau khổ khủng khiếp, ghen tuông, trầm cảm, thậm chí mong muốn chết đi khi những mối quan hệ đó bị đe doạ, tổn thương, hoặc mất đi).
  • Ham thích khoái lạc hoặc những kích thích mạnh (khiến tăng dopamine) có thể tìm thấy trong sự đam mê cờ bạc, nghiện thuốc lá, mê tốc độ, tình dục phóng đãng, nghiện game, ăn uống vô độ, nghiện mua sắm, v.v.

Ta nhớ, LỚP THỨ NHẤT CỦA VÔ THỨC là lớp CƠ THỂ. Bao gồm mọi xung năng rất “trần thế” liên quan đến cơ thể: sinh tồn, gây hấn, ham muốn tất cả những gì làm cho mình sung sướng. Vị trí biểu tượng của lớp này là Bụng.

4.2 Lớp thứ hai – CẢM XÚC

Phần thứ hai này bắt nguồn từ những trải nghiệm về cảm xúc của mỗi người, ở mức độ trừu tượng hơn là Lớp thứ nhất. LỚP THỨ HAI CỦA VÔ THỨC là lớp CẢM XÚC. Nó được đúc nên đa phần từ gia đình, từ môi trường sống thuở nhỏ, từ những trải nghiệm mang lại cảm xúc mạnh dù tích cực hay tiêu cực. Lớp thứ hai này là chương trình tự động giúp chúng ta ứng xử trong cuộc đời với cảm xúc. Do đó dĩ nhiên là nó nắm vận mệnh của các mối quan hệ của chúng ta trong tay.

Khi một người có vấn đề trong môi trường cảm xúc khi còn nhỏ, nếu mang theo những chấn thương tình cảm, người đó thường có những biểu hiện như “một cái gì đó bóp nghẹt tôi”, “ngực bị đè nặng”, “cái gì đó chặn ngay họng không cho tôi thở, “hắn làm tim tôi tan vỡ”, “tôi gánh gia đình oằn cả vai”, “tôi lạc trong sương mờ cô quạnh”…

Rất nhiều rối loạn có nguồn gốc từ lớp thứ hai của Vô thức: Trầm cảm nội sinh (tự đến, không thấy nguyên nhân từ bên ngoài, thường là có nguồn gốc từ những chấn thương xa xưa), sợ hãi cái này cái kia, lo âu, cơn lo hoảng, stress, thiếu tự tin, chán ăn tâm thần (có thể chán ăn đến nỗi còm cõi suy dinh dưỡng và chết luôn), các bệnh về da, rối loạn tình dục…

Vị trí biểu tượng của lớp Vô thức Cảm xúc này là ngực.

4.3 Lớp thứ ba – TRÍ TUỆ 

Vậy là chúng ta đã đặt chân đến phần hiện đại và rất trí tuệ của Vô thức. Qua năm tháng, ta đã học cách tư duy, cách học hỏi, cách xử lý nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống, những lề thói xã giao, những chiến lược khéo léo nhằm điều khiển hay gây ảnh hưởng trên người khác. LỚP VÔ THỨC THỨ BA là lớp TRÍ TUỆ sẽ giúp chúng ta sống nhịp nhàng và hiệu quả – các chương trình cứ thế mà chạy tự động. Nhưng nếu lớp này có lệch lạc gì thì sao?

Biểu tượng của Lớp thứ ba này là cái đầu. Khi bạn có vấn đề, bạn có thể cảm thấy nhức đầu, “bận trí”, “mệt đầu” vì điều gì đó. Có khi bạn than thở “trời ơi, tôi ngập lút đầu rồi”. Hoặc bạn thấy mắt mình như lồi ra. Hay bạn chỉ mong có nút bấm tắt những suy nghĩ trong đầu đi một chút. Những suy nghĩ lồng lên quá nhanh hoặc cứ trở đi trở lại ám ảnh.

Các rối loạn liên quan đến lớp thứ ba cũng phong phú lắm:trầm cảm do nghĩ ngợi quá nhiều (càng nghĩ càng thấy tương lai mình đen tối, thấy bất lực, chẳng hạn), nghi kỵ, hoang tưởng, ám ảnh – cưỡng chế, cứng nhắc ngoan cố khó thay đổi nếp tư duy…

5. Vô thức chi phối chúng ta như thế nào?

Bạn thấy không, vô thức chi phối chúng ta đến mức độ ấy đấy! Ý thức chỉ có thể chú ý đến vài việc cùng một lúc. Còn mỗi giây mỗi phút Vô thức đều hoạt động và thực hiện không biết bao nhiêu là thứ:

  • Điều khiển nhịp nhàng mọi vận động sinh tồn;
  • Thăm dò môi trường xem có gì nguy hiểm để sẵn sàng bảo vệ chính mình khi cần thiết;
  • Trong lòng nổi bao nhiêu đợt sóng cảm xúc, tư duy, tính toán. Tung ra những dòng suy nghĩ không ngừng nghỉ;
  • Khi bạn tuôn ra một câu nói mạch lạc: Vì sao bạn chọn dùng từ này chứ không phải từ khác? Tại sao tông giọng bạn lại như thế này? Sao tay bạn lại thế kia? Sao mắt bạn lại nhìn hướng đó?
  • Tất cả là sản phẩm của hoạt động vô thức. 

Bài viết liên quan: Vô thức Tập thể là gì và được tạo ra từ đâu?

Nguồn tham khảo:

Vô thức xuất phát trước Ý thức: thí nghiệm của Libet Unconscious cerebral initiative and the role of conscious will in voluntary action.

Hypnose humaniste – Olivier Lockert (2015)
Psychotherapie – Patricia d’Angelie (2013)

Về tác giả Vũ Phi Yên, TS. BS. ThS. Tâm lý Lâm sàng Vũ Phi Yên, nền tảng chuyên môn trong y khoa, di truyền học và tâm lý với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tâm lý.

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt