con tự chủ

Làm thế nào để dạy con tự chủ trong cuộc sống?

Việc để con cái có trách nhiệm với bản thân, hay con tự chủ, sẽ giúp chúng thành công trong tương lai.

Ngày nay, các bậc phụ huynh tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của con họ so với vài thập kỷ trước. Cha mẹ thường sắp xếp lịch trình của trẻ và phối hợp các hoạt động cùng con. Ngay cả trong việc học ở trường, cha mẹ cũng là người nhắc nhở và thúc giục trẻ làm bài tập.

1. Sai lầm nào của bố mẹ khiến con không tự chủ?

Nếu bạn là một phụ huynh đang đọc bài viết này, đã bao lần bạn nhắc nhở con hoàn thành bài tập về nhà? Khi cha mẹ quản lý các hoạt động của con cái cũng như thành tích của con ở trường, họ có nguy cơ lấy đi một kỹ năng cơ bản mà trẻ sẽ cần khi lớn lên. Đó chính là khả năng tự tạo ra động lực để hoàn thành nhiệm vụ của bản thân. Kỹ năng này khá quan trọng và cần được rèn luyện. Việc để cha mẹ quản lý việc học tập có thể tước đi kĩ năng chịu trách nhiệm và tự giải quyết các vấn đề. Dẫn đến việc trẻ khó có thể tự hoàn thành mục tiêu của mình.

Cha mẹ thường giám sát con cái và bảo chúng khi nào nên ngừng xem TV hoặc chơi game. Họ đã và đang ngăn cản con mình tự phát triển kỹ năng quản lý thời gian. Kỹ năng này cũng cực kỳ quan trọng khi con trưởng thành. Cha mẹ coi việc quản lý mọi tình huống của con là một cách để đảm bảo thành tích của con. Khi đó, trách nhiệm tự hoàn thành mục tiêu của con trẻ không còn là của bản thân mà đã chuyển sang cho cha mẹ.

2. Bố mẹ chịu bao nhiêu phần trách nhiệm cho việc con tự chủ?

Trẻ có thể nghĩ rằng chúng không cần phải để ý việc nhà hoặc bài tập nào cần phải làm. Vì cha mẹ sẽ luôn nhắc nhở chúng cần những việc phải làm. Điều này có thể khiến một đứa trẻ chỉ có thể thành công khi được cha mẹ “thúc ép”. Khi rời khỏi vòng tay của cha mẹ, những đứa trẻ này chỉ có thể dậm chân tại chỗ. Vì cha mẹ mới chính là động lực cho mọi nỗ lực của chúng.

Nhiều bậc cha mẹ đang gánh vác trách nhiệm cho con cái của họ. Việc phụ huynh giám sát các bài tập về nhà sẽ hợp lý, nếu trẻ không theo kịp bài trên lớp và không thể tự mình hoàn thành bài tập. Nếu chúng được giao trách nhiệm cho thành công của chính mình, nhiều trẻ sẽ có nhiều động lực và tự chủ hơn. Cha mẹ có thể giúp đỡ khi trẻ bắt đầu tụt lại phía sau. Khi đứa trẻ có thành tích ổn định, việc chịu trách nhiệm cho nhiệm vụ của bản thân có thể là một bước tiến đáng kể trong sự phát triển của trẻ.

3. Hệ luỵ khi con không tự chủ trong cuộc sống

Trẻ không có quyền tự chủ để tự đưa ra quyết định có ảnh hưởng đến bản thân có thể hạn chế khả năng đưa ra quyết định của trẻ. Khi lớn lên, những đứa trẻ này vẫn dựa dẫm vào sự giám sát của cha mẹ. Chúng tin rằng cần có sự chỉ dẫn của cha mẹ để đạt được thành công. Chính sự thiếu tự tin này có thể làm mất động lực của trẻ và khiến chúng không thể tiến lên trong cuộc sống.

Điều này cũng có thể dẫn đến việc trẻ không chịu trách nhiệm về hành động của mình. Chúng nghĩ rằng những người khác phải chịu trách nhiệm về hành vi và sự an toàn của chúng. Điều này có thể khiến nhiều đứa trẻ đến với ma túy hoặc tham gia vào các tệ nạn xã hội. Bởi vì, chúng được quyền lựa chọn mà không cần phải lo lắng về những hệ quả kèm theo. Chúng có thể hình thành nên một niềm tin lệch lạc. Nếu một người khác chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc sống của chúng, thì cứ để việc lo lắng cho sự an toàn của chúng cho người đó. Trẻ em có thể lớn lên với suy nghĩ rằng chúng không phải chịu trách nhiệm về bản thân. Vì cha mẹ sẽ gánh vác tất cả.

4. Lời khuyên dành cho cha mẹ

Mục tiêu của những bậc cha mẹ là chuẩn bị tốt cho con cái trước khi bước vào đời. Hãy tập cho trẻ khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt và tích cực cho cuộc sống của chúng. Cha mẹ có thể truyền cho trẻ tinh thần trách nhiệm để trẻ có thể tự tìm cách hoàn thành nhiệm vụ. Trẻ sẽ cảm thấy được trao quyền và tin rằng mình có thể tạo ra một tương lai thành công.

Không thể phủ nhận rằng việc dạy dỗ con cái không hề dễ dàng. Trẻ thường không nghe lời khi được nhắc nhở lần đầu tiên (hoặc lần thứ n). Chúng có thể không muốn làm bài tập về nhà hoặc làm việc nhà. Việc tập cho trẻ có trách nhiệm cho những nhiệm vụ của bản thân rất quan trọng. Để trẻ không cần phải được nhắc nhở từng li từng tí. Trẻ con dĩ nhiên có thắc mắc và muốn tranh luận. Nhưng thông thường chúng vẫn muốn làm hài lòng cha mẹ.

Con cái muốn cha mẹ tự hào về chúng. Nếu chúng ta biết ta mong muốn gì ở con, hãy giải thích rõ ràng cho chúng hiểu. Chúng ta có thể tạo ra một điều luật trong gia đình. Con cái cần hoàn thành nhiệm vụ của chúng vì chúng biết đó là những gì được yêu cầu. Hãy giải thích cho con biết rõ ràng về vai trò của mình trong gia đình. Và khen ngợi khi nào con đạt được thành tựu. Kết quả là con tự chủ hơn và có thể đương đầu với bất kỳ thử thách nào đến với chúng.

Dịch bởi Vương Võ từ Who’s in Charge of Your Child’s Success?

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt