trị liệu thôi miên

Trị liệu thôi miên là gì? Và nó có phù hợp với bạn?

Trong trị liệu thôi miên, có 3 trường phái lớn. Kèm theo đó cũng có một nhánh có tên gọi NLP (Neuro – Linguistic – Programming). Đúng đúng, NLP nổi tiếng như cồn trong làng khai vấn (coaching); phát triển cá nhân ở Việt Nam thời gian gần đây đó mà. Kiên nhẫn nha, tôi sẽ kể bạn nghe vì sao lại như vậy.

1. Thôi miên là gì?

Trước tiên, phải có mấy dòng định nghĩa ngay rằng thôi miên là một trạng thái ý thức biến đổi. Người được thôi miên sẽ ở trong một trạng thái gọi là hypnotic trance; khác với trạng thái bình thường chúng ta tỉnh táo và sống (và duy trì cách sống thông thường khiến ta khổ sở).

Có nhiều dấu hiệu khách quan chứng minh một người đang trong trạng thái trance. Nếu đo điện não đồ, sóng não của người trong trạng thái bình thường là beta. Trance sẽ là trạng thái sóng não theta (chậm hơn beta), hoặc gamma (nhanh hơn beta). Trong trạng thái trance, người ta sẽ có thể “nói chuyện với” những phần tâm thức mà ngày thường ta không thể nói chuyện được; dù chúng vẫn ở ngay đó trong ta (Vô thức, Toàn thức). 

2. Ba trường phái lớn trong thôi miên

2.1 Trường phái Thôi miên cổ điển

Đây là trường phái nổi tiếng nhất, với “ông trùm” là Dave Elman (1900 – 1967). Thật ra, gương mặt đại diện lớn của thôi miên cổ điển cũng khá nhiều, tôi chọn Dave Elman là vì muốn kể mấy câu chuyện vui về ông.

Cũng có một ông thái tổ hơi dính dáng xa xôi, ra đi vài thế kỷ trước rồi, tên là Mesmer. Cái tên này được đa số những nhà thôi miên sau này nhắc đến; tuy thời ông ấy thì ngành thôi miên còn mơ hồ lúng túng lắm; còn nghĩ là tác dụng của mình là do một thứ từ tính của cơ thể con người mà ra.

Câu chuyện về ông tổ David Elmen

Dave Elman khi còn rất nhỏ đã chứng kiến cha mình bị hành hạ đau đớn với một căn bệnh ung thư giai đoạn cuối; đến nỗi ông cau có đẩy xa tất cả mọi người thân. Vậy mà, chỉ sau một lần đến thăm của một ông bạn giỏi thôi miên; cha của Dave hầu như không đau đớn nữa, đã có thể có những ngày cuối đời khá yên bình thanh thản sát bên người thân. Quá thán phục, Dave liền đi học thôi miên.

Vì 8 tuổi đã mồ côi cha, Dave làm đủ thứ nghề linh tinh để giúp đỡ gia đình. Dĩ nhiên biểu diễn thôi miên giúp ông thu được rất nhiều tiền và ông học hành nghiên cứu hăng say; đưa ra những quy trình thôi miên có hiệu quả rất cao. Chuyện kể rằng ông nhanh chóng nổi tiếng; nhưng chính điều này khiến ông ế trương ế chảy trong một thời gian dài; do hầu hết các gia đình có con gái dễ thương tử tế đều cấm cửa Dave vì sợ sức quyến rũ của ông. Năm gần 50 tuổi, Dave quyết định mở lòng; truyền nghề cho các bác sĩ vì ông hiểu những kỹ thuật mình nắm trong tay có giá trị đến thế nào, có thể giúp được biết bao người.

Thôi miên cổ điển hoạt động như thế nào?

Đây là thể loại thôi miên tương ứng với hình ảnh những nhà thôi miên hùng mạnh, huyền bí và đáng sợ. Họ có khả năng đưa người vào thôi miên chỉ qua một cái bắt tay. Đó là trường hợp những cao thủ, tất nhiên. Người bị/được thôi miên đa phần là nhắm mắt, ngoẹo cổ, im lặng, lắng nghe nhà thôi miên; não hoạt động ở sóng theta, còn ý thức thì ngủ. Nhà thôi miên ra những mệnh lệnh trực tiếp, ngắn gọn; mà vô thức của người nghe sẽ hiểu, tiếp nhận và nghe theo.

Đây là kiểu thôi miên của những bộ phim Hollywood (như kiểu phim Trance – 2013 chẳng hạn): hay bị phóng đại, nói quá, gây sợ hãi, tạo cảm giác “tôi không làm chủ được chính mình, tôi chẳng là gì trước nhà thôi miên đầy quyền lực”. Nhà thôi miên muốn tôi nhớ là tôi nhớ, muốn tôi quên là tôi quên. Nếu người ấy tử tế, là nhà tâm lý tốt thì tôi được nhờ; còn nhỡ đâu thì tôi sợ lắm.

Thôi miên cổ điển không có gì đáng bị đả kích. Nhưng để phục vụ cho con người tốt hơn; có nhiều người đi sau tiếp tục khám phá và cải thiện công cụ thôi miên. Mời bạn đến thăm ngọn núi thứ hai để làm quen với một nhà thôi miên xịn như huyền thoại. 

2.2 Thôi miên trường phái Erickson

Nhà thôi miên huyền thoại là Milton Erickson (1901 – 1980).

Là bác sĩ tâm thần, ông có rất nhiều cơ hội để nghiên cứu, tìm tòi, xuất bản những lý luận của mình. Sử dụng thôi miên hỗ trợ bệnh nhân; Milton dần nhận ra thôi miên kiểu cổ điển quá phũ phàng mạnh bạo. Ông nhanh chóng chuyển hướng sang sử dụng cách tiếp cận gián tiếp; dẫn vào thôi miên đa dạng, nhẹ nhàng; những kiểu ám thị gián tiếp đôi khi cực khó nhận ra. Erikson có thể nói đều đều vài tiếng đồng hồ bằng cái giọng chán ngắt cho đến khi cả người bệnh nhân kháng cự mạnh nhất cũng chịu không được; đành để “bị thôi miên cho nó rồi”.

Ông cũng có thể nói mơ hồ, khó hiểu, kể những câu chuyện cấu trúc kỳ lạ và cuối cùng ý thức của thân chủ không thể theo nổi nữa; tự “turn-off”, vậy là rơi vào trạng thái trance (sóng não theta). Milton có những trường hợp thành công huyền thoại. Không biết bao nhiêu học trò theo ông để học hỏi mà thoạt đầu nhìn chẳng hiểu gì. Rất lâu sau khi ông mất, những video ông làm việc cùng bệnh nhân vẫn còn được xem đi xem lại bởi các học trò; và họ cùng viết thành trường phái thôi miên kiểu Erickson. 

Sau thời của Milton Erickson, tại Mỹ và nước thân Mỹ, thôi miên trở thành một kỹ thuật trị liệu nổi đình đám; vào thẳng các trường đại học Y khoa; các viện thôi miên mọc lên như nấm sau mưa. Hãy tìm kiếm nhanh Google để thấy ảnh hưởng của ông như thế nào trên toàn thế giới. 

(Nếu thích Milton, mời bạn đọc bài viết)

2.3 NLP: Lập trình ngôn ngữ – tư duy

Hai nhà đồng sáng lập NLP, Richard Bandler và John Grinder. Khi là sinh viên tâm lý, Richard Bandler có thời gian làm với công việc “rã băng” các đoạn ghi âm của nhà trị liệu Fritz Perls (ông trùm của Gestalt therapy). Sau một thời gian, bạn bè thấy Richard nói chuyện, có dáng vẻ hệt như Fritz Perls. Ngay từ sớm, Richard hiểu sức mạnh của việc học theo hình mẫu. Nếu bạn hiểu vì sao người thành công trong việc họ làm và làm theo chính xác theo, thì bạn sẽ thành công. 

Sau này, khi dẫn dắt một nhóm trị liệu Gestalt therapy, Richard gặp John Grinder, một giáo sư ngôn ngữ học. John nói với Richard: Tôi có thể phân tích hầu hết những gì anh làm khiến cho anh có hiệu quả cao như thế: đó là cách anh sử dụng ngôn ngữ.

Từ đó, hai người nghiên cứu Cách con người sử dụng ngôn ngữ phản ánh và ảnh hưởng đến tư duy của họ và đưa ra những ứng dụng để thay đổi con người với hiệu quả cao. Lập trình ngôn ngữ – tư duy NLP ra đời; với quy trình “dùng lời nói tác động con người” rút ra từ những hình mẫu: Fritz Perls, Virginia Satir (trùm của cách tiếp cận trị liệu gia đình), và đặc biệt là Milton Erickson. 

NLP có Milton Model để nhắm đến cùng hiệu quả thay đổi con người như Milton Erickson; nhưng không dùng thôi miên đi kèm nên hiệu quả vẫn không thể cao như chính Milton Erickson (theo nhiều người sử dụng đồng thời thôi miên Ericksonian lẫn NLP). Thế nhưng NLP có nhiều ứng dụng bên ngoài ngành tâm lý: trong bán hàng, marketing nên rất nổi tiếng. 

2.4 Trường phái Thôi miên mới

Tuy gọi là Thôi miên mới, nhưng thật ra cũng có mặt trên đời lâu rồi, chỉ là lỡ đặt tên có chữ mới New Hypnosis). Người sáng lập trường phái này, ông Daniel L. Araoz, vẫn còn sống khoẻ sống vui. Ông gom rất nhiều trường phái thôi miên từ cổ điển cho đến Ericksonian; gom cả NLP vào; thêm cả chút phân tích giấc mơ; cách tiếp cận Gestalt; lại trộn nhuyễn với chuyên môn của riêng mình là Trị liệu ngắn hướng giải pháp (Solution-Oriented Brief Therapy). Cứ như trong truyện kiếm hiệp mà xuất hiện nhân vật đánh nhuần nhuyễn võ của tất cả các phái vậy; hỏi sao không nhanh chóng thành “minh chủ võ lâm”.

Hiệu quả đến đây là khó bàn cãi. Chỉ có những quốc gia xa xôi cách trở thì Thôi miên mới chưa được biết đến; và còn bị mấy bộ phim Hollywood hù mà sợ hãi. Còn thì nói chung công chúng của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, nói chuyện “đi thôi miên” cứ nhẹ nhàng như đi chợ, miễn là có tiền. Bạn có thể xem phim tài liệu của BBC này thì rõ: BBC – Alternative Therapies – Hypnotherapy 

2.5 Những điều cần lưu ý về ba trường phái trên

Các trường phái trên vẫn sử dụng trạng thái trance beta; người được thôi miên vẫn không cảm thấy mình được làm chủ chính mình; ý thức vẫn được mời đi đâu đó một lát để chúng tôi (những nhà trị liệu lỗi lạc) làm việc. Ba nhóm này có thể được mô tả chung là dissociative hypnosis

Bạn có nhận thấy chữ dissociative? Chính là sự chia cắt mà chúng ta bây giờ không thích thú gì cho lắm.

3. Trị liệu thôi miên nhân văn

Học hỏi từ tất cả những trường phái trên (và thậm chí vươn ra ngoài biên giới của ngành tâm lý); có một nhóm nhà tâm lý tại Pháp muốn cải thiện nốt điều này. Có thể nào có một loại thôi miên không khiến cho con người ta thêm chia cắt với chính họ; không cảm thấy mình không làm chủ chính mình; không cảm thấy mình “không biết gì, không được hỏi ý kiến” trong quá trình chữa lành chính mình, mà ngược lại.

3.1 Đặc điểm của thôi miên trị liệu nhân văn

  • Kết nối hơn với chính họ
  • Làm chủ toàn bộ quá trình: tỉnh hơn cả lúc bình thường; sóng não không chậm lại đến theta, mà nhanh hơn bình thường; trạng thái gamma
  • Luôn được hỏi ý kiến (trong thôi miên, nhà trị liệu cùng thân chủ nói chuyện với nhau suốt)
  • Thay vì đóng ý thức lại và để nhà trị liệu nói chuyện với vô thức; thì lại mở con người mình ra, Ý thức và Vô thức đều được kêu gọi hoạt động và hợp tác; và mở ra đến Vô thức Tập thể, đến Toàn thức.
  • Khi ấy, nhà trị liệu chỉ còn là người hướng dẫn: ngồi cạnh, trò chuyện, giải thích cho người ấy nghe những hiện tượng mà người ấy phát hiện được về chính mình; và hướng dẫn cách xử lý. Chính thân chủ sẽ dựa theo những chỉ dẫn ấy mà thay đổi chính mình.

Không còn chỗ nào cho mù mờ, cho nỗi sợ bị người khác thao túng. Đây là dạng thôi miên không tách rời, mà kết hợp: associative hypnosis.

Sau buổi thôi miên, thậm chí người ấy còn không cần ra khỏi trạng thái trance; vì người ấy như đang ở trong một trạng thái “chính tôi – nâng cao”; kết nối tuyệt vời với chính mình, với thế giới xung quanh, với Toàn thức. Ở trong trạng thái ấy càng lâu thì lại càng tốt, cớ sao lại phải ra? Thoạt đầu thì dĩ nhiên trạng thái này khó giữ lâu được; nhưng nếu luyện tập rất rất thường xuyên thì ai biết được.

3.2 Bài học cơ bản của thôi miên trị liệu nhân văn

Đó là các đặc điểm của trường phái thôi miên Nhân văn, có khả năng hàn gắn những chia cắt và đứt gãy. Mới nhất, nhưng trường phái này cũng đã kịp tích tụ trên hai mươi năm thực hành và đúc kết kinh nghiệm; thành những quy trình có thể học ở một dạng trường học khá là giống Hogwarts (có mấy người bạn tôi đùa gọi vậy), gần rừng Boulogne, Paris. 

Những người theo trường phái này (với hai “ông trùm” là nhà thôi miên Olivier Lockert và nhà tâm lý xuất phát từ trường phái Tâm lý học phân tích của Jung – Patricia d’Angelie); chọn sống dưới thung lũng, vì theo họ: Tôi và thân chủ cũng như nhau thôi, về bản chất. Tôi chỉ may mắn đi trước một tí, biết đường đất, biết cách đi, nên trở thành người dẫn đường.

Trong những bài học cơ bản của trường phái thôi miên Nhân văn, có một bài là Giành lấy Thế hạ phong: hãy khiêm tốn. Vì chỉ khi ấy bạn mới dành cho đối phương sự trân trọng sâu xa mà người ấy cần và khi đó bạn hiệu quả nhất. 

Vài đúc rút từ bài học ấy. Bạn là người dẫn đường, nhưng thân chủ chính là người cần thay đổi. Bạn có mặt ở đó để nhắc nhở họ một điều:

“Tôi chỉ anh những cánh cửa; nhưng anh chọn cái nào và có bước qua ngưỡng cửa hay không là chuyện của anh. Tôi từng bước qua những ngưỡng cửa của riêng mình, chỉ có vậy thôi”.

Lời kết

Mong rằng từ nay, mỗi khi quan sát thấy những khổ đau do chia cắt, rách nát, đứt gãy trong chính mình và trong những người xung quanh; bạn sẽ luôn cười và tự bảo rằng: tôi biết rồi, lời giải là kết nối.

Giờ hãy nghỉ ngơi nào. Hẹn gặp lại các bạn sau khi đã nghỉ thật đã đời, thật xứng đáng. 

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt