toàn thức

Toàn thức: Nó là gì? Nó tồn tại như thế nào?

Tôi và bạn đã cùng trải qua những hiểu biết về cái TôiVô thứcVô thức Tập thểÝ thức. Và ta cũng nhận ra rằng, cần có cái gì đó khác để hiểu được toàn diện hơn về con người. Cái gì đó không dễ thấy, không dễ cảm nhận được. Cái gì đó rộng lớn và bí hiểm.

Cơ thể là cấu trúc vật chất giúp ta tương tác với thế giới vật chất cụ thể quanh ta. Vô thứcVô thức Tập thể là những bầu ký ức – những cơ chế tự động. Ý thức là cái phần mới phát triển rất gần đây thôi của loài người. Rất gần, ấy là nói theo thước đo thời gian của loài – trăm ngàn năm đến triệu năm). 

1. Có một trạng thái toàn diện hơn cả Vô thức và Ý thức

Như tôi có viết trong bài trước về những bí ẩn của Ý thức. Ta thấy rằng có tồn tại một cái gì đó để giải thích cho việc ta mơ; và có ai đó quan sát cái ta đang nằm mơ. Cái gì đó có thể chặn “điện thế sẵn sàng” trong não và ngưng lại một hành động đang được vô thức chuẩn bị; trước khi Ý thức kịp biết và kịp xóa bỏ bất cứ điều gì (xem Mind Time – Benjamin Libet).

Cái gì đó giải thích cảm giác có ai đó nhìn ta và ta chợt phải quay lại ngó xem. Dù người này có thể nấp thật kĩ, chẳng có dấu hiệu nào để Ý thức hay thậm chí Vô thức bắt lấy mà phân tích. Ta chỉ “cảm nhận” ánh nhìn trên lưng, thế thôi. Đây là một ví dụ rất đơn giản về trực giác. Ví dụ còn nhiều lắm, cơ mà khó phân biệt sự thật và huyền thoại, nên thôi.

2. Có một trạng thái vượt qua khỏi ranh giới của cơ thể

Cái gì đó hẳn là phải rộng lớn hơn cơ thể vật lý của ta rất nhiều. Nó phải chăng mang cả cuộc đời dài của ta trong tầm nhìn và biết lúc nào nên tiếp tục, lúc nào nên buông cái cuộc sống này. Cái đó có thể không chỉ dành riêng cho loài người chúng ta; mà là “chất nền” tạo nên chúng ta và mọi thứ quanh ta, bằng những luật chặt chẽ của nó. Ở mức độ của “cái đó”, ta không chia cắt với người khác và thế giới xung quanh. 

Nói đến đây thì tôi ngưng lại để trích dẫn toàn các khoa học gia nổi tiếng nhé. Chứ nếu không các bạn lại nghĩ cuộc du hành của chúng ta đã bẻ lái đến vùng đất của những người bệnh tâm thần hay sao đó mất thôi.

3. Khám phá cái gọi là Toàn thức

3.1 Toàn thức là gì?

“Ngoài trạng thái thức, ngủ và mơ, chúng ta còn có Toàn thức. Đây là trạng thái con người ý thức được tất cả, đơn giản, không giới hạn; yên lặng mà lại được thiết lập rất vững vàng; khi đó tinh thần ta hợp nhất với tất cả những luật tự nhiên và cảm nhận chúng sâu sắc vô cùng” – Hagelin, J. 

Toàn thức (Consciousness trong tiếng Anh, la Conscience trong tiếng Pháp) được mô tả theo cách đó trở về giống với Linh hồn bất tử của Platon, Trường Ether của Newton, Einstein và Lorentz, A conscious and intelligent mind của Max Planck [2].

Nếu những nội dung trên đây không thuyết phục được bạn, bạn đừng nên đọc phần dưới này, thêm rối, bạn nhé. Hẹn gặp bạn trong chặng tiếp theo.

3.2 Tìm thấy Toàn thức ở đâu?

Những gì sắp bàn là điều tôi nghe, học, đọc, cảm nhận và thấy có ý nghĩa, chắc là không trích dẫn nghiên cứu khoa học được gì nhiều rồi. Đây giống như một phần bàn luận về triết học hơn. Nhưng “triết” không có nghĩa là không có ứng dụng, bạn nhé. Tôi sẽ nói về ứng dụng trong chặng cuối của hành trình này.

Toàn thức, theo như bạn đã cảm nhận từ phần trên, là một thứ gì đó rộng lớn, tinh khiết, quyền lực (vì mọi luật tự nhiên nằm trong nó mà); nhưng lại không cao, xa. Nó thấm nhập trong mọi thứ nó tạo thành. 

Khi bạn đọc về các hạt vật chất ngày càng nhỏ, cuối cùng bạn sẽ nhận ra chúng ta là những thực thể trông bề ngoài rắn rỏi thế nhưng bên trong có những khoảng trống mênh mông. Nhân nguyên tử và electron quay quanh nó nhỏ lắm các bạn ạ; khoảng cách giữa chúng mênh mông cứ như khoảng cách từ mặt trời đến các hành tinh.

Thế nhưng, khoảng rỗng đó không rỗng. Nó đầy tràn nhiều thứ lắm, như những hạt graviton là chất nền của trọng lực chẳng hạn. Và có Toàn thức.

4. Mối liên hệ giữa Không gian, Thời gian và Toàn thức

Với Toàn thức, không có không gian và thời gian. Không gian và thời gian được nó tạo ra trong lòng chính nó; được cảm nhận bởi Ý thức con người (chứ Vô thức thì chưa chắc).

Einstein đã nói: “Thời gian có thể là một thứ ảo tưởng do bộ não tạo ra”. Với Toàn thức, có thể dễ dàng hiểu được hiện tượng vật lý kỳ bí là vì sao hai nửa photon bị đưa cách xa hàng trăm km vẫn hoạt động hành xử y chang nhau; đồng thời, như thể giữa chúng khoảng cách không tồn tại; và chúng vẫn là một photon duy nhất, không bao giờ chia cắt (hiện tượng Vướng víu/Liên đới lượng tử – quantum entanglement). 

Nếu như ta chấp nhận việc Toàn thức có thể hoạt động “bên ngoài” thời gian, thì ta mới hiểu được hiện tượng Đồng thời tương ứng (Nhân Quả đồng thời). Về cái này thì các bạn quan tâm có thể đọc thêm những lá thư trao đổi giữa nhà tâm lý học Carl Jung và nhà vật lý lượng tử Wolfgang Pauli – giải Nobel vật lý 1945 (Atom and Archetype: The Pauli/Jung Letters).

Còn cách nghĩ thông thường của chúng ta “nhất định phải có thứ tự Nhân trước Quả sau”; đúng với những điều nằm trong hệ thời gian. 

5. Toàn thức và tâm lý học

Và từ đó dẫn đến ý tưởng của một nhánh Tâm lý học (nhánh Thôi miên nhân văn). Đưa con người đến nhận thức được mình và thế giới xung quanh ở mức độ Toàn thức; để có thể can thiệp đến cuộc đời của chính mình trong quá khứ và tương lai; rộng hơn mức độ cá nhân, tác động được cả những Cổ mẫu (vì Toàn thức > Vô thức tập thể). Đó là cấp độ có thể thay đổi Ma trận, có thể khiến cho loài người tiến hoá; khiến cho tương lai khác với quá khứ chứ không lặp lại chính mình theo chương trình Vô thức.

Đúng vậy, Ma trận tạo ra tôi nhưng tôi có thể tác động trở lại Ma trận, bằng cuộc đời của chính mình. Tôi có thể Tái sắp xếp lại Ma trận một cách có ý thức.

COnscious REpatterning of the GEnerative Matrix = CORE GEM.


Chú thích:
[1] John Hagelin: nhà vật lý lượng tử, học và nghiên cứu vật lý tại Harvard, lấy tiến sĩ năm 1981, sau đó có nhiều năm làm việc tại European Center for Particle Physics (CERN) của Thuỵ Sĩ, và tại Stanford Linear Accelerator Center (SLAC) tại California.
[2] Max Planck: cha đẻ của vật lý lượng tử – Nobel vật lý năm 1918), hay một Toàn ảnh lượng tử/quantum hologram của Michio Kaku – tác giả cuốn Những Thế Giới Song Song và đồng tác giả của thuyết Siêu dây…

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt