chữa lành cảm xúc

Bí quyết chữa lành cảm xúc bằng sức mạnh ngôn từ

Dưới đây là một câu nói mô tả sức mạnh ngôn từ trong việc chữa lành cảm xúc của bác sĩ Christophe André – bác sĩ tâm lý tại bệnh viện Saint-Anne ở Paris.

“Khi đặt ngôn từ vào nỗi đau khổ, ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, cũng như khi chúng ta mô tả về cảm xúc của mình, hay khi chúng ta tìm kiếm sự bình tâm trong sách và thơ.”

1. Tác động của ngôn từ lên chúng ta

Trong tác phẩm L’Homme joie (Con người niềm vui), nhà thơ Christian Bobin đã nói vô cùng cặn kẽ và tuyệt vời về sách và việc đọc. Những lợi ích, vai trò của chúng – những thứ “thắp sáng cung điện hoang vắng của tâm trí chúng ta”. Như nhà thơ, nghệ sĩ thường làm, Bobin mở mắt ta về quy tắc đơn giản và cốt lõi:

“Ngôn từ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới con người và não bộ của chúng ta. Mà cuối cùng chúng ta lại quên mất sau khi sử dụng chúng liên tục.”

Dù đọc hay nghe, ngôn từ in dấu trong não bộ, gợi ra hình ảnh và biểu tượng đa dạng, để lại dấu vết đôi khi lâu dài. Chúng có thể làm chúng ta tổn thương nhưng cũng có thể giúp chúng ta. Ấy là bởi chúng không chỉ truyền dẫn thông tin, mà cả cảm xúc. Những lợi ích gọi là “sự chia sẻ xã hội của các cảm xúc”, một khái niệm rất nổi tiếng trong tâm lý học. Nó vượt ra ngoài hiệu ứng truyền thống của việc trút bỏ cảm xúc (chia sẻ để nhẹ lòng). 

Việc chia sẻ cảm xúc làm sáng rõ những cảm nhận và thắt chặt các mối liên kết xã hội. Đây là những điều vô cùng quý giá đối với sức khoẻ tinh thần của con người. Nhờ đó, chúng ta thấu hiểu nhau hơn và kết nối với người khác tốt hơn. 

2. Những ngôn từ chữa lành cảm xúc

Từ xa xưa, những bài văn tế hướng tới những người thân của người đã khuất thi hành nhiệm vụ này:

  • Là một công cụ để truyền đạt những lời chia buồn và tình thương mến của chúng ta;
  • Giúp chúng ta suy ngẫm về cái chết của mình.

Nhiều điếu văn nổi tiếng trong số đó đã đi qua hàng thế kỉ mà không phủ một chút bụi: Tế Helvia của Sénèque, Tế Ngài Du Périer của Malherbe (“Nỗi đau của ngài, Du Périer liệu có vĩnh cửu?”). 

Vào cuối thế kỉ 19, Joseph Breuer và Sigmund Freud khái niệm hoá một cách nôm na về trị liệu bằng lời nói, sau này thành phân tâm học. Ở thời điểm đó, đây là một điều mới mẻ. Chữa lành chỉ với sức mạnh ngôn từ, bộc lộ, lắng nghe, làm rõ. 

3. Những cách diễn đạt giúp ta chữa lành cảm xúc

3.1. Diễn đạt bằng lời

Đã có rất nhiều nghiên cứu chú ý tới tác động ngôn từ lên cơ chế hoạt động não bộ, đặc biệt là cảm xúc. 

Ví dụ, khi cho những người nghiên cứu quan sát những bức ảnh mang cảm xúc (sợ hãi, giận dữ, buồn bã). Họ bị kích thích về cảm xúc (có phản hồi điện não ở vùng hạch hạnh nhân và những vùng lân cận). Tuy nhiên, nếu cho họ gọi tên những cảm xúc ấy ra, phản ứng của hạch hạnh nhân dịu đi. Đồng thời, ta còn quan sát thấy vùng vỏ não trán trước (trụ sở kiểm soát cảm xúc) được kích hoạt lên.

Ở một ví dụ khác. Khi cho một đối tượng có hội chứng sợ nhện tiến lại gần một con nhện rất to đang bị nhốt trong một cái lọ. Họ bị căng thẳng thấy rõ (điện trở da tăng lên) và rất khó khăn tiến lại gần cái lọ. Nhưng nếu cho phép người này nói ra những lời mô tả cảm xúc của bản thân trong khi đang phản ứng stress của cơ thể giảm (điện trở da giảm xuống), và người đó tiến lại được gần cái lọ hơn.  

3.2. Diễn đạt bằng cách viết

Diễn đạt bằng lời mang tính trị liệu, cũng giống với diễn đạt viết. Nghiên cứu tiên phong của nhà tâm lý xã hội người Mỹ James Pennebaker cho thấy nhiều lợi ích của nhật ký. Viết ra những trải nghiệm cuộc sống đau đớn sẽ  giúp vết thương lành sẹo và cải thiện sức khoẻ.

Nghiên cứu của nhà tâm lý James Pennebaker

Một trong những nghiên cứu của ông dựa trên quy trình đơn giản sau:

  • Yêu cầu những người tham gia tình nguyện không có rắc rối tâm lý đặc biệt viết trong 4 ngày liên tục về trải nghiệm gây thương tổn nhất trong đời họ, trong vòng 15 phút không dừng lại. Để những chủ đề được đưa ra thật sự được đào sâu chứ không hời hợt ở bề mặt.
  • Người ta chia những người tham gia thành 2 nhóm. Một nhóm được khuyến khích tiếp tục viết và đào sâu về trạng thái tâm hồn của mình. Và nhóm kia thì tiếp tục viết nhưng giảm thiểu và bớt hăng say đi. 

Kết quả nghiên cứu

Sau thử nghiệm, so với nhóm còn lại, nhóm đào sâu nhận lợi ích sức khoẻ tinh thần cảm xúc rõ ràng. Khoảng 15 ngày sau đó và sức khoẻ chung về lâu dài (giảm các lần thăm khám bác sĩ trong năm sau đó). Trong nghiên cứu, dường như một cơ chế chữa lành của viết là tái tạo lại trải nghiệm đau đớn. Trải nghiệm mà thông thường luôn dựa trên những tình trạng tinh thần rối bời. Ép ta phải viết lại cảm giác mù mờ dưới dạng câu chuyện nhất quán là rất có lợi. 

Ngoài ra, thư tay không còn phổ biến, nhường chỗ cho điện thoại, email hay tin nhắn điện tử SMS. Điều này đang dần thay đổi thói quen bộc lộ của chúng ta. Sự tương tác ngay tức thì và nhanh chóng thay thế cho việc suy ngẫm nội tâm. Điều này có thể có lợi cho phần mang tính xã hội trong chúng ta. Nhưng chắc chắn rất ít lợi ích cho phần tinh thần, và trí thông minh cảm xúc… 

3.3 Diễn đạt bằng cách đọc

Rất nhiều nghiên cứu chứng tỏ việc đọc các sách hỗ trợ tâm lý nhắm vào đối tượng cụ thể:

  • Sách self-help được coi là một sự trợ giúp hiệu quả trong phần lớn các bệnh lý tinh thần;
  • Những tiểu thuyết thay đổi tích cực khả năng thấu cảm và kết nối xã hội. Đọc tiểu thuyết hư cấu có thể làm giàu đáng kể trải nghiệm sống của riêng mỗi người. Ví dụ như tạo điều kiện vào vai người hùng. Bằng việc giúp đỡ người đọc hiểu quan điểm của họ về thế giới và người khác. 

Lời kết cho chữa lành cảm xúc bằng ngôn từ

Sức mạnh của ngôn từ không tầm thường cũng không viển vông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu thêm. Tác dụng không chỉ đến từ việc thể hiện ra ngôn từ nói hay viết. Mà thể hiện như thế nào cũng quan trọng (lựa chọn tư dùng và cách sắp xếp chúng).

Tất nhiên, nhà thơ không trị liệu, nhưng tác phẩm viết của họ có thể mang tính trị liệu. Nhà văn Paul Valéry từng ghi chép rằng:

“Sự vĩ đại của những nhà thơ nằm ở việc tóm lất một cách mạnh mẽ những gì mà họ chỉ thoáng thấy trong tâm hồn mình với ngôn từ.”

Ngôn từ có thể làm sáng tỏ, giảng hoà, đôi khi vượt lên những tưởng tượng của ta. Đặc biệt là trong việc chữa lành cảm xúc.

Dịch bởi Nguyễn Hoạ My từ Le Pouvoir des mots – L’essentiel Cerveau & Psycho no. 24


Bài viết liên quan:

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt