giải pháp trị liệu tâm lý

Các giải pháp trị liệu cho những rối loạn tâm lý

Bài trước tôi có chia sẻ về những sự chia cắt gây nên đau khổ cho con người. Và bạn có biết, sự chia cắt này dẫn rối loạn tâm lý với một số người. Trong bài này, ta cùng tìm hiểu về nguyên nhân, và giải pháp để giải quyết nó nhé.

1. Nguyên nhân đằng sau sự chia cắt dẫn đến rối loạn tâm lý của con người

1.1 Đối với chia cắt Tinh thần – Cơ thể: 

Truyền thống gia đình, và cả một số năng khiếu tự nhiên khiến chúng ta dễ phát triển lệch. Một đứa trẻ có Thông minh nội tâm cao, ngay từ nhỏ đã được khuyến khích đọc sách; được gặp gỡ một số giáo viên dạy văn/sử biết truyền cảm hứng; học giỏi và được khuyến khích tư duy; nhận được một số tưởng thưởng từ điều đó rất dễ phát triển thành “một bộ não di động”. Vì đơn giản là không nhận được khuyến khích đủ để dành thời gian phát triển về thể chất hơn.

Tương tự, một bạn đẹp xinh, thích hát và hát hay, sớm thu hút sự chú ý và được ưu đãi vì những điều đó sẽ tự nhiên bị lệch theo hướng phát triển ca hát: vừa dễ vừa có lợi, mà lại vui. Đó là phát triển méo lệch do hàng tá thuận lợi. 

Cũng có kiểu lệch do bị bất lợi bẩm sinh (VD: yếu ớt vụng về về thể chất, hoặc phát triển tư duy hơi chậm hơn bạn đồng lứa); do gặp phải trở ngại gia đình hay xã hội (VD: gia đình cấm đoán vui chơi, chỉ xem trọng điểm số học tập; hoặc gia đình vốn không một ai đọc sách, không khuyến khích việc đọc); do bị tổn thương thể chất hay tinh thần (VD: tổn thương tinh thần do thầy cô giáo hay học đường gây ra có thể khiến trẻ khi lớn lên sợ hãi tất cả những gì liên quan đến học thuật; hoặc từng bị chê cười, chọc phá vì một số đặc điểm thể chất, thể hình; tự thấy mình yếu kém).

1.2 Đối với Chia cắt Nam tính – Nữ tính

Trong một xã hội phụ hệ (trọng các nét Nam tính và xem nhẹ những nét Nữ tính); mọi người đều bị ảnh hưởng và mất quân bình. Các bạn có thể tìm đọc thêm với các từ khoá như Patriarchal social system (Chế độ phụ hệ), Misogyny (Chứng ghét phụ nữ – ghét nữ tính). Và đây không chỉ là khổ nạn của riêng một số nước châu Á hay Hồi giáo cực đoan; tư tưởng phụ hệ có mặt ở khắp nơi nơi.

1.3 Đối với Chia cắt giữa Tôi và Không phải tôi (Họ/Chúng nó):

Có thể nói, đây là kiểu khó vượt qua nhất; và cũng gây đau khổ nhiều nhất (đôi khi, chính đương sự không cảm thấy khổ, mà là người xung quanh). 

Có nhiều trường hợp khác nhau:

  • Rối loạn nhân cách Ái kỷ (Narcissistic personality disorder);
  • Thù địch với xã hội (Antisocial personality disorder);
  • Vô cảm trước người khác, không hề có chút empathy nào (dịch tạm là thiếu thấu cảm nhé; nhóm này hay được gọi bằng chữ bình dân là psychopath – thái nhân cách)
  • Những người hầu như không thể đến gần ai hay cho ai đến gần mình thực sự; nói không với Gắn bó (Attachment) và sự thân mật thực sự (Intimacy)
  • Không yêu thương chính mình, quá phụ thuộc vào người khác hoặc quá tránh né người khác (mà sâu xa bên trong lại là quá lo âu mình sẽ bị hại, nếu dám để cho mình yêu thương hay phụ thuộc)

2. Vấn đề của những người có những sự chia cắt như trên

Lại một lần nữa, có thể tìm thấy trong lịch sử của họ nhiều điều không ổn:

  • Bất thường não bẩm sinh
  • Cách nuôi dạy hoàn toàn không phù hợp từ cha mẹ khiến sự gắn bó bị đứt gãy, hay khiến họ có cách hành xử khác thường để được an toàn, yêu thương, tôn trọng, chú ý…
  • Những bất an và cảm nhận bị bỏ rơi từ khi còn rất nhỏ (có khi chính họ không nhớ)
  • Can thiệp y khoa quá sớm và quá mạnh bạo trên cơ thể đứa trẻ
  • Những lạm dụng tình dục, bạo hành cơ thể…

Họ đã trải qua bao nhiêu điều trong quá khứ mà vẫn sống sót đến hiện tại, dù có méo lệch như thế, bị o ép những phần sống còn của chính mình như thế, bị chấn thương như thế. Ai cũng là anh hùng của cuộc đời mình; và vào một lúc nào đó có thể là anh hùng cho cả những người xung quanh, cho cuộc đời nữa. Chỉ cần chúng ta nhớ: đời người anh hùng chẳng được tạo nên bởi trăm trận chiến thắng cả trăm.

3. Các giải pháp trị liệu tâm lý phù hợp cho những rối loạn tâm lý

Tôi lướt qua trong vòng năm dòng các cách giúp đỡ mà ngành tâm lý có thể mang lại nhé. Mong bạn bỏ quá cho tôi nếu tóm tắt này quá ngắn hoặc có phần hơi sơ lược, vì chúng ta không có vài ngày rảnh để nói cho đến nơi đến chốn. 

3.1 Trị liệu phân tâm học:

Chúng ta có thể đào sâu vào từng vết thương, xới tung quá khứ; buộc mình phải nhìn vào, nhìn lại những điều rất không đẹp đã từng xảy ra; trong một quá trình dài và khá đau đớn (Trị liệu theo Phân tâm học). 

3.2 Trị liệu Nhận thức – Hành vi:

Chúng ta cũng có thể “chụp hình, thu âm” từng suy nghĩ, từng tiếng nói nội tâm, từng hành vi của chính mình. Để làm gì? Để phân tích, tự cãi cự lại từng suy nghĩ khiến mình khổ sở; và thay đổi từng hành vi cho phù hợp hơn với thực tế (cách tiếp cận Nhận thức, hành vi). 

3.3 Trị liệu nhân văn:

Chúng ta cũng có thể đi tìm cho bằng được một nhà trị liệu có thể cho chúng ta một môi trường thật an toàn (sự trân trọng tích cực vô điều kiện – unconditional positive regard); người sẽ giúp ta làm hoà giữa “Cái tôi thật” và “Cái tôi lý tưởng/cái tôi mà tôi nên là”; giúp ta học cách sống thật, sống tràn đầy, sống hết tiềm năng.

Trường phái thứ ba này có cái tên nghe hay lắm các bạn: Tâm lý học Nhân văn. Ý tưởng tuyệt vời và cần tìm được một nhà trị liệu như thế. Theo nhiều nghiên cứu thì tác dụng mong đợi sẽ đến sau khoảng ~100 buổi tham vấn cho trường phái Trị liệu phân tâm; 12 – 16 buổi cho Trị liệu nhận thức – hành vi; và 50 – 100 buổi cho Trị liệu với cách tiếp cận nhân văn. 

Đó là ba trường phái nổi tiếng nhất và thu hút sự chú ý nhiều nhất. 

Bỏ qua hàng chục nhóm trường phái khác, ít được biết đến hơn, tôi mời các bạn làm quen với trường phái thứ tư, hết sức thú vị. Đó là Trị liệu thôi miên.

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt