sức khoẻ tâm thần

Sức khỏe tâm thần và bệnh tâm thần: Những điểm khác biệt

Sức khỏe tâm thần và bệnh tâm thần là hai thuật ngữ đang ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên chúng không mang ý nghĩa giống nhau như ta vẫn tưởng. Không phải ai cũng đều sẽ mắc phải một căn bệnh tâm thần, nhưng tất cả mọi người đều vật lộn với sức khỏe tâm thần.

Sức khỏe tâm thần có nghĩa là gì?

Sức khỏe tâm thần đề cập đến trạng thái cảm xúc và tâm lý của chúng ta. Đây là tình trạng hạnh phúc trong tương quan với xã hội. Đồng thời nó cũng là cách ta cảm nhận về bản thân trong tương tác với những người khác.  Sức khỏe tâm thần không giống như bệnh tâm thần. Mặc dù sức khỏe tâm thần kém cũng có thể dẫn đến các bệnh về tinh thần và thể chất.

Khi ta có sức khỏe tốt, chúng ta có khả năng phục hồi. Nhờ đó mà có thể đối phó với những thách thức và căng thẳng trong cuộc sống. Cũng như xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp hay đưa ra quyết định đúng đắn. Cũng giống như sức khỏe thể chất, tâm thần rất quan trọng trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Bất kể là từ thời thơ ấu, thanh thiếu niên cho đến khi trưởng thành hay lúc về già.

Dấu hiệu của suy giảm sức khỏe tâm thần

Sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm sống, mối quan hệ với người khác, sức khỏe thể chất và môi trường của một người. Giống như việc mọi người có thể gặp các vấn đề về thể chất trong suốt cuộc đời. Ai cũng có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc cảm xúc chi phối suy nghĩ, tâm trạng và hành vi của mình.

Một người đang trải qua giai đoạn khó khăn và có sức khỏe tâm thần giảm sút không có nghĩa là đang mắc bệnh tâm thần. Cảm thấy đau khổ và bị cô lập về mặt xã hội là những dấu hiệu cho thấy một người cần chú ý nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của mình.

Những lợi ích của việc cải thiện sức khỏe tâm thần của một người là rất đáng lưu tâm. Khỏe mạnh về mặt tinh thần giúp bạn cảm thấy tự tin vào giá trị và khả năng của mình. Từ đó mà có thể chấp nhận điểm mạnh và điểm yếu của mình, đặt mục tiêu thực tế hơn và tạo ra ý nghĩa cũng như mục đích sống tốt đẹp. Sức khỏe cảm xúc và tâm thần gắn bó chặt chẽ với nhau, và cả hai đều có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sức khỏe thể chất.

Những đặc điểm của bệnh tâm thần

Bệnh tâm thần liên quan đến một loạt các rối loạn ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và hành vi. Nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, tôn giáo hoặc chủng tộc/dân tộc. Những người bị bệnh tâm thần thường gặp khó khăn và các vấn đề hoạt động ở nơi làm việc, gia đình và trong các tình huống xã hội. Bệnh tâm thần không phải là thứ mà một người có thể “vượt qua chỉ bằng ý chí”. Bởi nhẽ nó có thể đến từ các yếu tố sinh học như gen hoặc các chất hóa học của não gây ra. Hay kể cả những chấn thương và lạm dụng cũng như tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần.

Những loại bệnh tâm thần chính

  • Trầm cảm
  • Lo âu
  • Rối loạn cảm xúc, bao gồm cả lưỡng cực
  • Rối loạn nhân cách
  • Tâm thần phân liệt
  • Rối loạn chấn thương
  • Rối loạn ăn uống
  • Hành vi nghiện

Bệnh tâm thần rất phổ biến ở Mỹ, và cứ 5 người lớn sẽ có 1 người sống chung với bệnh tâm thần (nghĩa là 43,8 triệu người vào năm 2015.) Trong khi trầm cảm và lo âu là hai trong số những rối loạn phổ biến nhất. Bệnh tâm thần bao gồm nhiều tình trạng khác nhau từ nhẹ, trung bình đến nghiêm trọng. Những người không mắc bệnh tâm thần vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh tâm thần từ bạn bè hoặc thành viên khác trong gia đình.

Triệu chứng của bệnh tâm thần

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tâm thần là khác nhau. Tuy nhiên nó có thể bao gồm những triệu chứng như sau:

  • Sự thay đổi về giấc ngủ
  • Sự thèm ăn
  • Năng lượng, tâm trạng thay đổi đột ngột
  • Suy nghĩ dai dẳng hoặc cưỡng chế
  • Nghe thấy giọng nói văng vẳng
  • Thu mình lại với xã hội
  • Cảm thấy buồn bã
  • Tuyệt vọng hoặc bị kích động
  • Khó thực hiện các công việc hàng ngày
  • Luôn muốn làm tổn thương bản thân hoặc người khác

Với phương pháp điều trị thích hợp, mọi người có thể và thực sự hồi phục khỏi bệnh tâm thần. Bạn bè và các thành viên trong gia đình có thể có tác động tích cực với người bệnh. Bác sĩ chăm sóc chính có thể giới thiệu cá nhân đó cho bác sĩ tâm thần và các chuyên gia chuyên điều trị về chuyên môn này.

Điều trị bệnh thể chất có thể cần dùng thuốc và vật lý trị liệu. Mặt khác, điều trị bệnh tâm thần cũng có thể cần dùng thuốc và các liệu pháp khác nhau. Bước đầu tiên là giúp bệnh nhân hiểu mình đang gặp vấn đề và sẵn sàng nhận giúp đỡ.

Một người có thể có sức khỏe tâm thần kém nhưng hoàn toàn không mắc bệnh tâm thần. Bên cạnh đó, người mắc bệnh tâm thần vẫn có thể đón nhận các phương pháp trị liệu để cải thiện sức khỏe tâm thần của mình. Ai trong chúng ta cũng sẽ gặp phải những thử thách và khủng hoảng trong cuộc sống. Nhưng với sự nhận diện tình hình, đón nhận giúp đỡ và trị liệu tích cực, tất cả mọi người đều có thể sống tốt, hướng đến mục đích tốt đẹp và có khả năng đóng góp cho cộng đồng.

Dịch bởi Hà Tăng từ Mental Health vs. Mental illness

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt