lòng tự trọng

Lòng tự trọng: Bài học chữa lành những mặc cảm

Người đời có thể làm ta mặc cảm theo nhiều cách. Trước những biến chuyển đó, ta có thể cảm thấy giận dữ. Nhưng thái độ này có thể gây ra những kết quả tiêu cực. Đôi khi, thực hành tha thứ, tìm kiếm sự an bình nội tại sẽ mang tới sự nhẹ nhõm cho tâm hồn. Và lòng tự trọng có thể giúp ta đạt được trạng thái tâm lý bình an như vậy.

1. Năng lượng của lòng tự trọng

Đối với một người phụ nữ, sự tự trọng có liên kết chặt chẽ với hình ảnh của bản thân. Điều này đặc biệt đúng khi ta còn trẻ, vì đó là thời điểm đỉnh cao của sắc đẹp. Ta không thấy có nhiều khuyết điểm trong ngoại hình của mình.

Việc cải thiện lòng tự trọng của mình không đồng nghĩa với nâng cao sắc đẹp. Cũng như nó không nhất thiết phải là đầu tư cho quần áo, mỹ phẩm hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Mặt khác đó là làm thế nào để ta cảm thấy thoải mái với hình ảnh của chính mình. Đồng thời đó cũng là phát triển lòng trắc ẩn với chính bản thân, biết tha thứ cho những sai lầm của mình. Ngoài ra đó còn là quá trình học cách yêu bản thân một cách dồi dào. Để từ đó ta không còn phải phụ thuộc vào sự tán thưởng của người yêu, gia đình, bạn bè, xã hội…

2. Vượt qua những mặc cảm

Lúc còn nhỏ, cô có một vết bớt trên mặt. Dẫu vậy mọi người xung quanh không cảm thấy có vấn đề gì với điều đó, kể cả những người bạn thân. Nhưng mọi chuyện bắt đầu từ thời gian cô học lớp 6-7. Cô bị chính những người bạn thân thiết xưa kia chế giễu. Điều đó làm cho cô thấy lo sợ và mất tự tin. Ngay cả khi đã trưởng thành, cô vẫn cảm thấy không thể hòa nhập hay tha thứ cho những người bạn đó.

Việc vết thương còn ở lại sau bao nhiêu năm, và không thể dễ dàng quên đi là điều hoàn toàn bình thường. Nó không nói lên rằng cô gái kia hẹp hòi hay giận dai. Bởi nhẽ trong trường hợp này, không chỉ lòng tự trọng của bị tổn thương. Ngay cả trái tim của cô gái cũng đã cảm nhận được sự phản bội. Bởi nhẽ nó tới từ một người cô tin cậy.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cô không nên vượt qua những kỷ niệm và mặc cảm của mình. Ngược lại cô gái hoàn toàn có thể tự làm nhẹ lòng mình lại sau ngần ấy năm.

3. Làm thế nào để đạt được sự tự trân trọng?

3.1. Hiểu tầm quan trọng khi rút được cho mình những bài học

Rút ra bài học một cách cẩn thận là cần thiết. Bởi nhẽ, nếu không làm điều này một cách nghiêm túc, vô thức của chính bạn có thể sẽ nổi giận. Hình dung nó sẽ nói gì nhé:

“Nào nào, cô lại định bỏ qua cho thứ bạn xấu chơi như thế mà không nói lời nào đòi công bằng cho mình sao? Sẽ còn cần bao nhiêu cú đâm sau lưng như thế này nữa để cô hiểu rằng bạn bè thực sự là nâng đỡ hỗ trợ nhau? Cô mà nhẹ dạ như thế thì tôi không chịu đâu. Tôi… tôi sẽ hành hạ… tôi sẽ làm ra các cơn ác mộng…Tôi sẽ làm cho ta đau dạ dày… Trời ơi, phải rút ra bài học, cô có hiểu không?”

Khi chống lại vô thức của chính mình thì mọi nỗ lực của bạn thường sẽ không có hiệu quả. Bởi vì vô thức rất mạnh mẽ, đặc biệt là khi nó cảm thấy cần bảo vệ cho bạn. Bạn sẽ thấy mình muốn bỏ qua, nhưng “mọi thứ cứ kỳ kỳ sao đó!”.

Thế đấy, khi nào còn chưa thể suy nghĩ thấu đáo thì hãy cứ ghim trong lòng còn tốt hơn là lờ đi vấn đề của mình.

3.2. Ba bài tập để phát triển sự tự trọng

Theo tôi, sự tự trân trọng có thể phát triển được nhờ thực hành ba điều sau đây:

  • Một là: Liên tục củng cố lòng tự trọng của mình. Một khi tự yêu thương và trân trọng bản thân, bạn sẽ dễ dàng quên đi những trầy xước do cuộc đời vô tình hay hữu ý khiến bạn đau. Bởi nhẽ, một người có lòng tự trọng lành mạnh sẽ bình tĩnh hơn trong những tình huống bị tổn thương. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc dễ dàng hiểu thấu động cơ của đối phương. Cũng như học có thể phân tích tìm cách ứng phó thích hợp nhất.
  • Hai là: Rút ra những bài học một cách thận trọng và nghiêm túc.
  • Ba là: Hình dung mình hành xử được theo đúng nguyên tắc của giao tiếp phi bạo lực.

Nguyên tắc giao tiếp phi bạo lực

Bạn có thể hình dung mình hành xử được theo đúng nguyên tắc của giao tiếp phi bạo lực. Nêu rõ ý kiến và cảm xúc của mình, yêu cầu rằng cảm xúc và giá trị của mình cần được tôn trọng. Điều đó sẽ giúp bạn yêu cầu hành vi thích hợp từ đối phương.

Bạn chỉ cần hình dung thật rõ, thường thì điều đó đã khiến lòng bạn nhẹ đi nhiều. Có thể hình dung nhiều lần, nếu bạn muốn. Việc hình dung từ trước sẽ giúp bạn nói ra chính những điều cần nói ấy một cách trơn tru, dễ dàng.

Khi bị người khác làm tổn thương, chúng ta sẽ tức giận. Và điều đó là cần thiết, bởi nhẽ phải đủ giận để hiểu rằng những chuyện tương tự sẽ không được ngang nhiên diễn ra nữa. Sau đó, ta có thể tìm cách giải quyết tốt nhất theo các nguyên tắc và kỹ năng tâm lý.

Mong rằng những gợi ý vừa qua ít nhiều mang lại cho bạn những ý tưởng hữu ích để cải thiện lòng tự trọng của bản thân.

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt