Giảm kỳ vọng để thêm hạnh phúc trong cuộc sống

1. Lý do hàng đầu của sự không hạnh phúc

Các chuyên gia cho rằng “Lý do hàng đầu của sự không hạnh phúc chính là kỳ vọng”

“Phát hiện cơ bản của chúng tôi là hạnh phúc không phụ thuộc vào việc mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp như thế nào. Mà là mọi thứ sẽ tốt hơn hay tồi tệ hơn so với mong đợi​​. Phương trình toán học của chúng tôi cho phép tính toán mức ảnh hưởng của sự kết hợp giữa phần thưởng và kỳ vọng để dự đoán mức độ hạnh phúc của một người”. Tiến sĩ Robb Rutledge – Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Tâm thần học và Lão học Max Planck UCL.

1.1 Thử nghiệm của Tiến sĩ Robb Rutledge

Trò chơi kiếm tiền đánh bạc

26 người tham gia nghiên cứu trong dự án của ông được yêu cầu chơi game kiếm tiền hoặc đánh bạc có thắng thua. Cứ qua 2-3 game, các nhà nghiên cứu sẽ hỏi cảm nhận của người chơi để biết mức độ hạnh phúc của họ thế nào.

Rutledge xác tín phương trình tính toán của đội bằng việc kết nối với các máy MRI (máy chụp cộng hưởng từ). Các lần quét não cho thấy, nhiều hoạt động được ghi nhận trong vùng não được gọi là “striatum” (thể vân), nơi được liên kết với “phần thưởng” và “kỳ vọng”.

Chỉ cần xuất hiện và tham dự cuộc khảo sát thì người tham dự đã nhận được £20 (bảng Anh). Nếu tham gia chơi nhiều ván, người tham dự cũng chỉ kiếm được trung bình £28,51. Nhưng họ nói họ cảm thấy hạnh phúc với mỗi bảng được thêm. Vì số tiền đó là vượt ngoài mong đợi ban đầu.

Thí nghiệm trò chơi não vĩ đại

Rutledge còn đưa vào thử trên dân số bên ngoài. Ứng dụng game có tên “The Great Brain Experiment” (Thí nghiệm não vĩ đại) thu hút được 18.420 người tham dự. Những người này chơi tổng cộng 200.000 lượt và đánh giá mức độ hạnh phúc sau khi chơi.

Đội của Rutledge nhận ra rằng những người chơi online cũng hành xử như nhóm được thí nghiệm trực tiếp. Và họ cũng thấy hạnh phúc nếu nhận được nhiều hơn mong đợi ban đầu, dù là chỉ với tiền ảo.

Những phát hiện của Rutledge cũng có ý nghĩa quan trọng đối với nghiên cứu về chứng trầm cảm. Chẳng hạn, ta được biết rằng những người bị trầm cảm không cảm thấy hạnh phúc với những điều mà người bình thường cảm thấy hạnh phúc. Cách họ hồi đáp với phần thưởng. Cách họ đưa ra quyết định có điều gì đó khác biệt so với người khác. Và điều này có liên quan đến chuyện luôn bị rơi vào tâm trạng tồi tệ”

2. Làm thế nào mà giảm kỳ vọng lại liên quan đến hạnh phúc của con người?

Kỳ vọng là kiểu suy nghĩ bắt buộc sự việc phải diễn ra giống như tưởng tượng và mong đợi. Khi thực tế lại cung cấp một kết quả không “đủ tốt”, sự “bất như ý” đó sẽ khiến một người thất vọng, không vui, tức giận, thậm chí vô cùng đau khổ.

Người có kỳ vọng càng cao, càng dễ rơi vào bế tắc hơn bất kỳ ai. Họ rất sợ những lỗ hổng, Họ thường đặt ra yêu cầu khó đạt được, hoặc không khả thi. Sự kỳ vọng càng cực đoan thì càng bất lợi. Vì nó càng lấy đi sức mạnh tiến đến hoàn thành mục tiêu. 

Sự kỳ vọng cao hay cầu toàn có thể ở trong bất cứ ai, dưới hình thức này hay hình thức khác. Một ví dụ điển hình là việc xây dựng thói quen tập thể dục tốt cho sức khỏe. Việc này thường trở thành một nhiệm vụ bất khả thi với những người bận rộn trong hàng tá nhiệm vụ. Nhưng chỉ muốn tập thể dục một cách tự do thoải mái vào thời điểm và thời gian hoàn hảo.

3. Mối quan hệ giữa kỳ vọng và thất vọng

Theo Nat Ware – CEO và Nhà sáng lập của Công ty tư vấn đa quốc gia 180 Degrees, sự không hạnh phúc hay thất vọng có nguyên nhân từ “sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế”. Khi kỳ vọng càng khác xa so với thực tế, càng bất như ý thì thất vọng càng nặng nề. 

Trong tâm trí chúng ta thường xuyên diễn ra sự so sánh với bức tranh ngầm. Đến từ ba nguồn: tưởng tượng của chính mình, các mốc so sánh xã hội, và kỷ niệm từ quá khứ.

3.1. So sánh giữa “tưởng tượng” và “thực tế”

Chênh lệch về sự tưởng tượng = Tưởng tượng > Thực tế

Khi sự tưởng tượng lớn hơn nhiều so với thực tế đáp ứng, kỳ vọng không được thoả mãn.

Mỗi lựa chọn trong cuộc sống của con người đều dựa trên sự tưởng tượng. Ta ó niềm tin điều gì đó sẽ mang lại hạnh phúc và niềm vui cho mình thì chỉ có khi đạt được đúng kỳ vọng. Còn nếu không ta sẽ cảm thấy không hài lòng.

“Sự thiên lệch trong chọn mẫu” (selection bias) dễ đem đến thất vọng. Vì thực tế diễn ra thường không theo hình ảnh ta nghĩ và mong chờ, vốn được xây trên một số mẫu tốt đẹp nhất

Các doanh nghiệp muốn bán sản phẩm, họ thường tìm mọi cách để hình ảnh thật lung linh trên các mẫu quảng cáo. Gần đây, cộng đồng mạng “bóc phốt” một cửa hàng bánh kem tại TP.Hồ Chí Minh. Một cô gái đặt chiếc bánh với mẫu mã xinh xắn tặng sinh nhật mẹ. Nhưng cái kết thì hoảng hốt vì nhận được sản phẩm quá kém so với hình quảng cáo.

Khi chụp ảnh, để sản phẩm tươi ngon đẹp mắt. Các chuyên gia hình ảnh sẽ không hoàn toàn dùng sản phẩm thật mà có khi thay thế hoặc pha trộn thêm những chất “chỉ để ngắm” giúp bức hình trông hoàn hảo nhất. Hay thậm chí hình có thể được sao chép của những thương hiệu nước ngoài với người thợ bánh tay nghề cao và nguyên liệu xịn.

giảm kỳ vọng
Kỳ vọng (trái) & Thực tế (phải)

3.2. So sánh giữa mình và người khác trong xã hội

Chênh lệch giữa các cá nhân = Thực tế của họ > Thực tế của tôi

Ở đây chính là giữa tôi và bạn; giữa tôi và tập thể, xã hội.

Nói thật nào, bạn sẽ vui vẻ hơn trong trường hợp nào: đồng nghiệp của bạn lương cao hơn / thấp hơn / bằng bạn?

Các chuyên gia đã chứng minh, khi bạn biết lương của mình cao hơn mọi người sẽ khiến bạn làm việc vui vẻ và hăng say hơn. Tương tự như vậy, nếu bạn ở trong môi trường dù thu nhập cao so với mặt bằng chung của số đông người dân, mà bạn kiếm ít tiền hơn với những người còn lại trong tổ chức, bạn sẽ không hài lòng chút nào. Phần đông con người cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ đi bên cạnh người kém cỏi hơn mình.

Trong một nghiên cứu về thành tích của vận động viên, người giành huy chương bạc có xu hướng thất vọng nhiều hơn người huy chương đồng. Vì họ tìm kiếm cho mình vị trí quán quân. Trong khi người giải đồng cảm thấy hân hoan hơn khi chiến thắng người hạng tư. Đáng lẽ đạt giải bạc phải vui hơn đồng chứ? Tất cả là bởi sự kỳ vọng đang hiện diện trong tâm trí của người chiến thắng huy chương Bạc.

giảm kỳ vọng
Huy chương bạc cầu lông Wang Yihan (Trung Quốc) thất vọng vì không giành được Huy chương vàng

Trong khi người giải đồng cảm thấy hân hoan hơn khi chiến thắng người hạng tư. Đáng lẽ đạt giải bạc phải vui hơn đồng chứ? Tất cả là bởi sự kỳ vọng đang hiện diện bên trong thực tại tâm trí của người chiến thắng huy chương Bạc.

3.3. So sánh giữa Hiện tại” và Quá khứ”

Chênh lệch về thời gian = thành tích quá khứ > thành tích hiện tại

Bạn ngẫm xem, có phải ta dễ sa vào phiền não khi hiện tại thu nhập kém hơn quá khứ? Khi tình yêu bây giờ quá “cơm-áo-gạo-tiền”, kém nên thơ hơn ngày xưa?

Người trúng số độc đắc sau khi nhận một khoản tiền khổng lồ một lần. Họ sẽ phải đương đầu với một nỗi thất vọng đang chực chờ mãi cho đến cuối đời. Trừ khi một lúc nào đó họ có một khoảng tiền khác lớn hơn quả độc đắc trong quá khứ.

Câu chuyện của Ngôi sao nhí Macaulay Culkin

Thế giới không quên được thành công của ngôi sao nhí Macaulay Culkin trong phim “Ở nhà một mình”. Tuy nhiên, việc nổi tiếng quá sớm và dễ dàng được ví như “con dao hai lưỡi”. Điều này khiến anh không còn động lực phát triển trong sự nghiệp, không giữ được hào quang một thời nổi tiếng.

Cuộc đời của Culkin được xem là câu chuyện bi kịch điển hình của ngôi sao nhí tại kinh đô điện ảnh Hollywood. Anh nổi tiếng và giàu có từ khi còn nhỏ. Và sau đó lại không thể bước qua những cạm bẫy và phép thử. Cuộc sống bấp bênh, mặc cảm và cô đơn về tinh thần trong hiện tại trông lại càng thảm hại khi đặt bên cạnh hào quang của quá khứ

giảm kỳ vọng

Macaulay Culkin – ngôi sao nhí và kẻ nghiện ngập

Tương tự với cách giáo dục con trẻ trong gia đình. Những đứa trẻ được cha mẹ trang bị dư giả về vật chất có một quá khứ đủ đầy không lo lắng. Sau này, chúng bước vào xã hội để đối mặt với thực tại chật vật. Sự so sánh với “ngày xưa” khiến họ dễ rơi vào những ngõ cụt tinh thần, khó “tiêu hóa” được thất bại và trầm cảm. Cha mẹ có ngờ đâu rằng việc mình luôn khen ngợi khích lệ con, luôn vẽ ra một viễn cảnh thật tươi sáng cùng con mình lại sẽ vô tình đẩy trẻ xa rời khỏi những thực tế trần trụi và đa chiều.

Giấc mơ xuất ngoại

Nhiều người dân ở các quốc gia kém phát triển mang giấc mơ Mỹ hoặc châu Âu suốt cả đời. Và gieo ảnh hưởng trong thế hệ sau của mình. Cuộc sống nơi hải ngoại có thể đã từng dành ưu đãi cho một số thế hệ trong quá khứ. Nhưng thực tế của thời hiện đại là như thế nào?

Năm vừa qua, người Việt Nam không khỏi xót thương với cái chết của 39 người trẻ trong chiếc xe container đông lạnh trên hành trình sang Anh. Họ phải chi rất nhiều tiền hàng trăm triệu tích cóp cả đời của gia đình. Trốn trong những nơi ẩm thấp thiếu sinh khí trong nhiều tháng ngày. Chỉ để theo đuổi mong ước đổi đời tại các quốc gia phát triển.

Thực tế cho thấy, nếu phi vụ trót lọt, họ sẽ “được” làm việc trong môi trường lao động tách biệt đô thị, chất lượng kém, sống tạm bợ. Và lao động cực lực mỗi ngày để “cày” trả nợ cho bọn buôn người. Vì là người nhập cư bất hợp pháp, họ không có giấy tờ, không được phép đi làm. Phải làm chui, sống cuộc đời không được luật pháp bảo hộ. Thậm chí, không ít người phải bỏ mạng trên con đường tìm kiếm giấc mơ;

Sự tưởng tượng về cuộc đời tươi đẹp, vinh quang nơi xứ người dựa vào những câu chuyện truyền kỳ của thế hệ trước. Cuối cùng phải đổi lấy sự vỡ mộng và hối tiếc.

4. Giải phóng sự kỳ vọng bên trong mỗi người

4.1. Giảm kỳ vọng và thực tế hơn

Có người sẽ nhận xét đây là giải pháp khá đơn giản cho một vấn đề phức tạp. Nhưng thực chất không đơn giản như thế. Cách này đòi hỏi rà soát lại mọi kỳ vọng đang phóng ra ngoài thực tại xã hội.

Giảm kỳ vọng không phải là đánh giá thấp dự đoán và giá trị của sự việc. Mà là nhắc nhở bản thân “đặt niềm tin cao quá vào một điều gì là tiền đề dẫn đến thất vọng, hụt hẫng”. 

Bên cạnh đó, có thể trong quá khứ bạn nhiều lần may mắn trải nghiệm thực tế tốt như mong đợi. Nhưng không có nghĩa mọi thứ không thay đổi.

Trong năm 2020, một số nơi trên thế giới còn phải hứng chịu tai họa kép hoặc liên hoàn. Ví dụ như lũ lụt tại các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Hay nổ kho pháo tại Beirut (Liban) xảy ra ngay trong thời điểm các quốc gia này đang gồng mình chống đại dịch COVID-19. Rồi khủng hoảng kinh tế, khiến cho cuộc sống người dân đảo lộn và tiến thoái lưỡng nan.

giảm kỳ vọng
Beirut trước/sau vụ nổ pháp 4.8.2020 mang theo những kỳ vọng của bao nhiêu con người bị sụp đổ

So sánh với những quốc gia chịu thảm nạn này, thì tình hình các quốc gia khác không đến nỗi tuyệt vọng. Tuy nhiên, cảm nhận tuyệt vọng ở các nước Âu Mỹ lại cực kỳ lớn. Chính vì giới kinh doanh thì mong đợi quá nhiều khi đầu tư phát triển. Còn dân thường lại luôn kỳ vọng một cuộc sống thoải mái dễ dàng.

4.2. Sẵn sàng cho sự không hoàn hảo.

Có một câu nói trong thương trường: “Tốt hơn là ra mắt rồi học hơn là học rồi mới ra mắt”. Đồng nghĩa với việc “Hãy làm gì đó đi, không hoàn hảo nhưng hãy làm gì đó đi!”.

Thay vì chờ đợi và theo đuổi một tình huống hay hoàn cảnh hoàn hảo. Có một hướng khác là dừng lại và thoải mái với sự “tốt vừa đủ” (good enough). Hãy mong chờ rằng đời không hoàn hảo. Mọi sự có thể không diễn ra đúng kế hoạch, hay việc làm “có sạn” này khác. Điều đó không có nghĩa là chúng ta đang thất bại. Niềm vui từ mỗi bước hoàn thành nhiệm vụ sẽ giúp ta tăng thêm sức mạnh để về đích.

Thay vì cần sửa soạn đến tập thể dục tại phòng Gym chuẩn mực trong 1 giờ. Nếu không có thời gian thì bạn có thể tập 15 phút hay 30 phút ngay tại nhà, phải không?

Đối với doanh nghiệp, thay cho việc đầu tư tô vẽ bóng bẩy, sai sự thực về sản phẩm, dịch vụ, địa điểm du lịch, sự kiện nào đó. Hãy tập trung vào tăng cảm nhận hài lòng về chất lượng của khách hàng sau khi trải nghiệm.

4.3. Không ngại tiên liệu trường hợp tồi tệ nhất xảy ra?

Có lẽ người trúng số độc đắc sẽ hạnh phúc hơn nếu được rót tiền nhiều lần theo định kỳ. Thay vì nhận toàn bộ tiền một lần rồi sau đó liên tục thấy vơi dần theo thời gian.

Mỗi lần lựa chọn, hãy nghĩ về những khả năng thuận lợi nhất và tồi tệ nhất. Nhớ tưởng tượng chi tiết đến cả diễn tiến, cảm xúc và phản ứng có thể có. Chỉ khi đó, bạn mới biết cần làm gì tiếp, làm gì để cẩn trọng tránh tình huống xấu. Và có tâm thế tiến đến mục tiêu một cách tập trung và thoải mái.

Chúng tôi dùng lời TS Rutledge để kết luận: Thay vì đặt kỳ vọng cao, hãy mong đợi một cách chính xác và thực tế. Điều này sẽ giúp chúng ta có những quyết định sáng suốt và trải nghiệm hạnh phúc hơn.

Phạm Nhữ Hoài Thương

Bài viết liên quan: Sự chăm chỉ có mang đến thành công cho bạn?

Nguồn tham khảo:

TEDxTalk, Why we’re unhappy — the expectation gap | Nat Ware | TEDxKlagenfurt.

Expectation and Happiness.

Cathy Ginsberg (2019), Overwhelm and Burnout – What’s the difference?

Daily Mail Reporter (2012), There is no silver lining: The hilarious pouts of the Olympians who went for the gold – but wound up in second place.

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt