4 cách tha thứ cho lỗi lầm của chính mình

Sự tha thứ thường được định nghĩa là sự chủ ý buông bỏ cảm giác tức giận, oán hận và trả thù đối với người mà bạn tin rằng đã làm những việc sai trái với bạn. Tuy nhiên, trong khi bạn có thể rất hào phóng và sẵn sàng tha thứ cho người khác, thì bạn lại rất khó tha thứ cho chính mình. 

Mọi người đều mắc sai lầm. Tuy vậy, học cách rút kinh nghiệm từ những sai lầm, buông bỏ, tiếp tục sống và tha thứ cho chính mình là điều quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và với hạnh phúc của cá nhân. Cùng đọc thêm về lý do tại sao tự tha thứ có thể có lợi cho chính bạn. Đồng thời, tìm hiểu từng bước giúp bạn tha thứ cho chính mình nhiều hơn sau những vấp ngã của chính mình nhé.

1. Làm thế nào để tha thứ cho chính mình?

Một phương pháp trị liệu về sự tha thứ cho bản thân gợi ý các bước như sau. Trong đó bao gồm 4 yếu tố để tha thứ chính mình:

  1. Trách nhiệm
  2. Sự ăn năn
  3. Phục hồi
  4. Làm mới

1.1 Chấp nhận trách nhiệm

Tha thứ cho bản thân không chỉ đơn thuần là gác lại quá khứ và bước tiếp. Đó là việc chấp nhận những gì đã xảy ra và thể hiện lòng trắc ẩn với bản thân.

Đầu tiên, đối mặt với những gì bạn đã làm hoặc những gì đã xảy ra là bước đầu tiên. Đây cũng là bước khó nhất. Bạn có thể bao biện hoặc hợp lý hóa hành động của mình, khiến chúng “tạm” chấp nhận được. Không sao, đã đến lúc học cách đối mặt và chấp nhận những gì bạn đã làm. 

Bằng cách nhận trách nhiệm và chấp nhận rằng mình đã có những hành động gây tổn thương cho người khác; bạn có thể tránh được những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như hối hận và tội lỗi quá mức.

1.2 Bày tỏ sự ăn năn

Khi nhận trách nhiệm, bạn có thể trải qua một loạt cảm giác tiêu cực như tội lỗi, xấu hổ. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là bình thường, thậm chí lành mạnh. Những cảm xúc này có thể là bàn đạp để chuyển hóa thành hành vi tích cực hơn.

Cảm giác tội lỗi ngụ ý rằng bạn là người tốt nhưng đã làm điều gì đó xấu. Trong khi đó, sự xấu hổ lại khiến bạn thấy mình là người xấu. Điều này có thể dẫn đến cảm giác vô giá trị. Nếu không được giải quyết, có thể dẫn đến nghiện ngập, trầm cảm và tính hung hăng. Bạn cần hiểu: việc mắc sai lầm và cảm thấy tội lỗi không khiến bạn trở thành người xấu hoặc làm giảm giá trị nội tại của bạn.

1.3 Sửa chữa thiệt hại và khôi phục niềm tin

Việc tự sửa đổi là một phần quan trọng của sự tha thứ. Nó là cần thiết ngay cả khi người mà bạn tha thứ là chính bạn. Việc tha thứ cho bản thân sẽ bền vững hơn khi bạn đã sửa sai. Vì khi đó bạn sẽ cảm thấy xứng đáng với việc tự tha thứ. Cũng giống như là bạn có thể không tha thứ cho người khác cho đến khi họ đã bù đắp cho bạn theo cách nào đó.

Có một cách để vượt qua cảm giác tội lỗi là hành động sửa chữa lỗi lầm của bạn. Nói lời xin lỗi và tìm cách bù đắp cho người mà bạn đã làm tổn thương.  Có vẻ như phần này của quy trình chỉ mang lại lợi ích cho người mà bạn đã làm hại. Tuy nhiên nó cũng đem lại lợi ích cho cả bạn nữa. Sửa chữa sai lầm nghĩa là bạn sẽ không bao giờ phải tự hỏi: liệu mình đã có thể làm được gì hơn không.

1.4 Tập trung vào việc làm mới bản thân

Mọi người đều mắc sai lầm và có những điều họ cảm thấy hối tiếc hoặc hối hận. Việc rơi vào cái bẫy của sự suy xét, dằn vặt, tự hận bản thân, thậm chí là sự thương hại có thể gây tổn thương. Ví dụ, nó khiến bạn khó duy trì lòng tự trân trọng và động lực. 

Tự tha thứ thường đòi hỏi bạn phải tìm cách học hỏi từ trải nghiệm và trưởng thành hơn. Bạn cần hiểu cách cư xử sai trái của bản thân và tại sao bạn cảm thấy có lỗi. Vậy làm thế nào nào để ngăn chặn những hành vi tương tự tái diễn trong tương lai? Bạn có thể đã sai lầm, nhưng những kinh nghiệm học hỏi được có thể giúp bạn đưa ra lựa chọn tốt hơn trong tương lai.

2. Những hạn chế của tự tha thứ cho bản thân

Sự tự tha thứ là sự tự rèn luyện rất mạnh mẽ. Tuy vậy, nó không dành cho người tự cáo buộc bản thân về điều họ không hề chịu trách nhiệm. 

Ví dụ, những người từng bị lạm dụng, chấn thương hoặc mất mát, có thể cảm thấy xấu hổ và tội lỗi mà không kiểm soát được. Điều này có thể đặc biệt đúng khi người đó cảm thấy rằng đáng lẽ họ nên dự đoán trước, và từ đó tránh những kết cục tiêu cực (một ví dụ về cái được gọi là thiên lệch ​​nhận thức muộn).

3. Những lợi ích lớn từ sự tự tha thứ bản thân

Tiên đề chuẩn trong tâm lý học cho rằng sự tha thứ là một hành động rất tốt và nó mang lại một số lợi ích, cho dù bạn đã trải qua một sự cố nhỏ hay đã phải chịu đựng một sự việc nghiêm trọng hơn nhiều. Điều này bao gồm cả việc tha thứ cho người khác cũng như cho chính bạn.

3.1 Lợi ích với sức khỏe tinh thần

Thả lỏng và tự tha thứ có thể giúp tăng cảm giác khỏe mạnh, dễ chịu và cải thiện hình ảnh của bạn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc thực hành tự tha thứ giúp giảm độ trầm cảm và lo âu. Tương tự, lòng trắc ẩn có liên quan đến mức độ thành công, năng suất làm việc, và khả năng tập trung cao hơn.

3.2 Cải thiện sức khỏe thể chất

Hành động tha thứ cũng có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất của bạn. Nghiên cứu cho thấy rằng sự tha thứ có thể cải thiện mức cholesterol, giảm đau và huyết áp, cũng như giảm nguy cơ đau tim.

3.3 Đối với các mối quan hệ

Thái độ nhân ái với bản thân là một yếu tố quan trọng của các mối quan hệ thành công. Tạo ra các mối quan hệ tình cảm chặt chẽ với những người khác là điều quan trọng. Tuy nhiên, khả năng chữa lành những mối quan hệ đó khi chúng nhạt đi hoặc gặp trục trặc cũng quan trọng không kém. 

Một nghiên cứu cho thấy rằng, cả hai bên trong một mối quan hệ đều có lợi khi “người phạm sai lầm” tự tha thứ. Cụ thể, cả hai bên có xu hướng cảm thấy hài lòng hơn trong mối quan hệ. Ngoài ra, họ sẽ có ít suy nghĩ tiêu cực hơn về nhau nhờ sự tự tha thứ đó.

4. Khó khăn của việc tha thứ

Vậy điều gì khiến cho việc tha thứ cho chính mình đôi khi trở nên khó khăn đến vậy? Tại sao mọi người thường tiếp tục tự trừng phạt và trách móc bản thân về những lỗi nhỏ nhặt? Tham gia vào những hành động không phù hợp với giá trị của bản thân hoặc với niềm tin vào bản thân có thể dẫn đến cảm giác tội lỗi và hối hận. Hoặc tệ hơn là tự ghê tởm chính mình.

Một số người thường có xu hướng tự dằn vặt. Điều này có thể khiến bạn dễ dàng sống trong những cảm giác tiêu cực. Thực tế, việc tự tha thứ liên quan đến việc thừa nhận hành vi sai trái. Và việc bạn có thể cần phải thay đổi lại có thể khiến quá trình này thử thách hơn.

Cuối cùng, những người chưa sẵn sàng thay đổi có thể khó thực sự tha thứ cho chính mình. Thay vì thừa nhận việc cần phải thay đổi, họ có thể tự tha thứ giả hiệu bằng cách đơn giản là bỏ qua hoặc bào chữa cho hành vi của mình.

5. Một số hạn chế tiềm năng khi tự tha thứ cho chính mình

Sự tự tha thứ thường được coi là một hành động tích cực, có thể giúp khôi phục ý thức bản thân. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng đôi khi nó có thể có tác động bất lợi. Cạm bẫy lớn nhất là đánh mất sự cảm thông cho những người bị tổn thương bởi hành động của bạn. Sự tự tha thứ có thể thường làm giảm cảm giác tội lỗi. Nhưng đôi khi sự tập trung hướng nội này có thể khiến bạn khó nhận biết chính mình trong mối tương quan với người khác. Hãy thực hành một cách có ý thức sự đồng cảm với những người mà bạn đã làm tổn thương.

Kết luận

Tha thứ cho những người đã làm tổn thương bạn có thể là một thử thách. Tương tự, tha thứ cho chính mình cũng có thể khó khăn như vậy. Điều quan trọng cần nhớ là học cách tha thứ cho chính mình không phải là một quá trình mang tính khuôn mẫu phù hợp với tất cả. Nó không bao giờ đơn giản hay dễ dàng. Tuy vậy, sự từ bi với bản thân có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe cho bạn. Ngoài việc giảm căng thẳng, trầm cảm và lo âu, sự tự tha thứ cũng có thể có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất của bạn và cải thiện các mối quan hệ mà bạn có.

Dịch bởi Hà Tăng từ How to Forgive Yourself

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt