thiết lập mục tiêu

Bí quyết thiết lập mục tiêu hiệu quả và thành công

Việc có một mục tiêu và thường xuyên quay lại sửa đổi hợp lý sẽ giúp bạn thiết lập lại bản thân, giữ vững tinh thần và nạp năng lượng. Ảnh minh họa: Freepik.

1. Những gợi ý hữu ích để phát triển bản thân

Có nhiều cách để phát triển và hoàn thiện bản thân. Nhưng, việc thiết lập các mục tiêu cụ thể để phát triển cá nhân sẽ đảm bảo thành công cho bạn. Vốn dĩ cuộc sống của chúng ta không thể tránh khỏi những trở ngại. Vì vậy, có một mục tiêu và thường xuyên quay lại sửa đổi hợp lý sẽ giúp bạn thiết lập lại bản thân, giữ vững tinh thần và nạp năng lượng. 

Nó cũng mang lại động lực và trách nhiệm luôn tập trung và theo sát các kế hoạch. Đặt mục tiêu đôi khi có thể giống như một nhiệm vụ khó khăn. Đó là lý do tại sao bạn sẽ cần có một lộ trình định hướng con đường của chính mình.

2. Học thuyết thiết lập mục tiêu

Giống như hầu hết các lý thuyết trong tâm lý học, học thuyết thiết lập mục tiêu bắt đầu với những ý tưởng trong bài báo Hướng tới lý thuyết về Động lực và Khuyến khích Mục tiêu (Toward a Theory of Task Motivation and Incentives) từ Tiến sĩ Edwin A. Locke. Trong đó, ông giải thích sự cần thiết của các mục tiêu rõ ràng và cụ thể, thách thức và được giám sát với những phản hồi và theo sát tiến độ thường xuyên. 

Locke cùng với Tiến sĩ Gary Latham đã đưa ra 5 nguyên tắc thiết lập mục tiêu hiệu quả. Những nguyên tắc này bao gồm:

  • Sự rõ ràng
  • Những thách thức
  • Độ cam kết
  • Tính phản hồi
  • Độ phức tạp của nhiệm vụ.

Chúng là những thành phần cần thiết khi thiết lập, hướng tới và đạt được mục tiêu.

Ngoài ra, nghiên cứu được thực hiện bởi giáo sư tâm lý học, Tiến sĩ Gail Matthews chỉ ra mối tương quan giữa việc viết ra những mục tiêu và thành công mà bạn hướng tới thay vì chỉ đơn thuần là hình thành và lưu giữ chúng trong đầu.

3. Động lực của bạn lớn đến đâu?

Bạn đã bao giờ đặt mục tiêu và từ bỏ trước khi thấy bất kỳ kết quả nào hay chưa? Nếu rồi thì bạn quá hiểu việc tạo ra thay đổi đòi hỏi nhiều hơn là chỉ ý chí. Theo nhà tâm lý học Catherine Jackson, việc thiết lập và đặt ra mục tiêu đòi hỏi phải có động lực, suy nghĩ có kế hoạch và luôn trang bị cách để vượt qua những thách thức có thể phát sinh.

Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), nghiên cứu cho thấy có ba yếu tố để đạt được mục tiêu:

  • Động lực để thay đổi
  • Sẵn sàng theo dõi hành vi của mình
  • Ý chí quyết tâm biến nó thành hiện thực

Cả ba yếu tố này đều có vị trí trong các mục tiêu SMART.

3.1 Tính cụ thể của mục tiêu

Khi bạn đặt ra một mục tiêu cụ thể, bạn thiết lập cho mình lộ trình đến thành công. Cân nhắc việc trả lời những câu hỏi như ai, làm gì, ở đâu, khi nào, bằng phương tiện/công cụ nào và câu hỏi tại sao mỗi khi đặt ra một mục tiêu cụ thể.

3.2. Thiết lập mục tiêu có thể đo lường được

Bạn sẽ sử dụng chuẩn mực nào để đảm bảo rằng bạn đang tiến lên phía trước? Làm thế nào để biết rằng bạn đang thành công? Làm thế nào để biết nếu bạn cần điều chỉnh? Có mục tiêu đo lường được sẽ giúp bạn đi đúng hướng và đạt được nó ở thời điểm đã định.

3.3 Thiết lập mục tiêu có thể đạt được hoặc có thể thực hiện được

Mục tiêu bạn đang đặt ra có phải là mục tiêu bạn có thể đạt được không? Tất nhiên, bạn sẽ không muốn mọi thứ trở nên quá dễ dàng. Tuy vậy, bạn nên tránh đặt ra những mục tiêu nằm ngoài tầm với của mình.

3.4 Thiết lập mục tiêu có tính thực tế hoặc có liên quan đến bạn

Điều này đi cùng với tính có thể đạt được. Mục tiêu của bạn có phù hợp với cuộc sống của bạn không? Liệu bạn có đạt được nó một cách thực tế dựa trên hoàn cảnh hiện tại của bạn không? Có thể mục tiêu này bạn đã đặt ra từ trước nhưng không đạt được vì không thực tế tại thời điểm đó. Nhưng bây giờ, trong những hoàn cảnh khác nhau, mục tiêu này có thể trở thành hiện thực.

3.5 Thiết lập mục tiêu có tính hợp thời và tính hữu hình

Để một mục tiêu trở thành hiện thực thì cần phải:

  • Đặt nó trong một khung thời gian
  • Nó cần phải thực tế hoặc có thế nhìn thấy được

Phát triển các mục tiêu SMART là rất quan trọng để thành công. Đó là vì bạn thường bị giới hạn trong phạm vi câu hỏi “cái gì” và “cách thức” đạt được mục tiêu của bạn. Để đạt được mục tiêu hiệu quả, bạn cũng cần phải tìm ra mục đích của mình. Đồng thời, bạn cần phải nắm rõ “lý do tại sao” thúc đẩy động lực của bạn.

4. Xác định mục tiêu của bạn

Bạn có thể đặt mục tiêu cho bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống. Một số lĩnh vực phổ biến hơn bao gồm sức khỏe, nghề nghiệp, tài chính và giáo dục. Các khía cạnh rộng này sẽ tạo tiền đề cho các mục tiêu nhỏ hơn mà bạn sẽ thực hiện hàng năm, hàng tháng và hàng ngày. 

Mặc dù một số mục tiêu của bạn có thể nằm trong danh mục lớn đó, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra những mục tiêu phát triển bản thân. Chúng bao gồm những thứ như học vẽ, học thể thao và cống hiến cho cộng đồng của bạn. Bạn không cần phải giới hạn bản thân trong mục tiêu cuộc sống nhất định.

Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về niềm đam mê và sở thích của bạn. Suy nghĩ về một số ý tưởng xung quanh những điều khiến bạn hứng thú. Hãy nghĩ lại và cố gắng xác định xem có điều gì bạn luôn muốn làm. Có thể nỗi sợ hãi về điều chưa biết – hoặc sợ thất bại – đã ngăn cản bạn chấp nhận rủi ro. Những ý tưởng bạn tạo ra từ các hoạt động động não này giống như manh mối có thể giúp bạn thu hẹp trọng tâm và đặt ra các mục tiêu cụ thể hơn.

5. Hãy hỏi bản thân lý do tại sao thiết lập mục tiêu đó

5.1 Tại sao lại thiết lập mục tiêu đó?

Bước tiếp theo bạn muốn thực hiện là tự hỏi bản thân “tại sao” mục tiêu đó lại quan trọng đối với bạn. Ví dụ: nếu bạn muốn có tấm bằng đại học, việc đặt ra các mục tiêu nhỏ hơn xoay quanh “lý do tại sao” sẽ giúp bạn đạt được điều đó nhanh hơn. Để xác định lý do tại sao, hãy tự hỏi mình ba câu hỏi sau:

  1. Tại sao việc hoàn thành chương trình học lại quan trọng đối với tôi? 
  2. Do đâu mà lý do đó quan trọng? 
  3. Vì điều gì mà tôi cảm thấy chắn chắn về lý do đó?

5.2 Khẳng định một lần nữa

Khi bạn đã hiểu rõ hơn về “lý do tại sao”, đã đến lúc tự đánh giá một lần nữa. Quay lại với ví dụ về tấm bằng đại học. Nếu bạn đã xác định rằng việc hoàn thành bằng cấp của mình là mục tiêu lớn, thì trước khi bạn áp dụng chiến lược SMART (để đưa ra các mục tiêu nhỏ hơn, có thể đạt được hơn) bạn nên trả lời các câu hỏi sau đây. Việc này nhằm xác định xem bạn có thực sự sẵn sàng thực hiện những cam kết này. 

  • Để cam kết thực hiện một điều gì đó có thể gây căng thẳng về mặt thể chất và cảm xúc, bạn có sẵn sàng hay không? 
  • Bạn đã chuẩn bị tinh thần để thành thật với bản thân về nơi bạn đang đứng và nơi bạn muốn đến chưa? 
  • Liệu bạn có thời gian cho mục tiêu không? Bạn có thể nói “không” với những điều sẽ cản trở mục tiêu của bạn không?

Bây giờ bạn đã thực hiện hai hoạt động khác nhau để hiểu rõ lý do của mình, đến lúc này bạn hẳn đã biết liệu mình có động lực tạo ra thay đổi hay không. Nếu câu trả lời là có, bạn đã sẵn sàng để tiếp tục với quá trình thiết lập mục tiêu.

6. 8 mẹo và chiến lược chinh phục mục tiêu

Đầu tiên và quan trọng nhất là bạn cần có khả năng lập kế hoạch các bước để đạt được mục tiêu của mình. Khi kế hoạch được thực hiện, chính sự cam kết và tập trung sẽ hướng bạn tới kết quả bạn mong muốn. Tất nhiên, quá trình này còn phải dựa vào động lực tự thân và sự linh hoạt của bạn. Dưới đây là một số mẹo và chiến lược khác để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.

6.1 Đặt ra mục tiêu với tông giọng tích cực

Khi đặt mục tiêu, cố gắng tránh đặt ra mong muốn của bạn theo cách tiêu cực. Ví dụ: “Tôi sẽ không phàn nàn nhiều như vậy”. Thử nói lại với giọng điệu tích cực như “Tôi sẽ tìm ra ba điều tích cực trong ngày của mình và viết chúng ra trước khi đi ngủ.”

6.2 Tập trung vào quá trình chứ không phải kết quả

Đây là một trong những phần khó nhất của việc thiết lập và chinh phục mục tiêu. Đó là vì bản chất thực sự của mục tiêu là bắt đầu từ cái đích trong đầu bạn. Nhưng những bước bạn thực hiện để đạt được nó mới là quan trọng nhất. Giả sử kết quả bạn muốn là giảm 9kg cân nặng. Đó là mục tiêu. Nhưng trong quá trình hướng tới mục tiêu này, bạn phát hiện ra rằng cơ thể của mình thoải mái hơn với mức cân nặng nhất định khi chỉ cần giảm khoảng 7kg. Liệu có phải bạn đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu này hay không? Câu trả lời là Không, nếu bạn tin vào sức mạnh của cả quá trình thực hiện.

6.3 Thiết lập hợp đồng cam kết với chính mình

Khi bạn đã sẵn sàng, cho dù đó là giai đoạn chuẩn bị hay hành động, nhà tâm lý học Catherine Jackson khuyên bạn nên lập một bản hợp đồng cam kết với chính mình để thành công.

6.4 Dọn dẹp cái cũ để đón nhận cái mới

Jackson nói rằng để bắt đầu thực hiện mục tiêu một cách đúng đắn, tốt hơn là bạn nên:

  • Suy ngẫm về những gì bạn đã đạt được cho đến nay
  • Tha thứ cho bản thân và buông bỏ sự hối tiếc về những gì chưa thể đạt được. 
  • Dọn dẹp tâm trí
  • Ngoài ra,dọn dẹp nhà cửa và góc làm việc cũng không phải ý tồi đâu bạn nhé.

6.5 Hình dung ra những gì bạn muốn

“Việc hình dung và tập luyện tinh thần sẽ kích thích mạng lưới thần kinh kết nối ý định của bộ não với cơ thể bạn. Vì vậy, hãy dành một chút thời gian để rèn luyện suy nghĩ của bạn trước khi bắt đầu thiết lập mục tiêu của mình,” Jackson nói. Điều này giúp bạn tưởng tượng một cách có chủ ý và có mục đích để biến mọi mục tiêu thành hiện thực.

6.6 Lập kế hoạch cụ thể

Liệt kê mục tiêu hoặc đặt mục tiêu cho các bước thực hiện mà bạn cần để hoàn thành chúng. Sau đó, Jackson khuyên hãy chia chúng thành các bước nhỏ để đạt được với thời hạn thực tế. “Điều này sẽ dễ dàng hơn khi bạn dành thời gian khởi đầu mỗi tuần để viết ra những điều cụ thể bạn muốn hoàn thành trong tuần tiếp theo sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu.”

6.7 Giữ mục tiêu luôn hiện hữu với bạn

Bạn nên đặt mục tiêu với các bước và thời hạn ở nơi dễ nhìn thấy thường xuyên. Jackson giải thích: “Nhìn thấy các mục tiêu và các bước bạn phải thực hiện sẽ giúp bạn có động lực và kiên định để tiếp tục hướng tới mục tiêu đó”. Và lời khuyên của cô ấy là gì ư? Hãy nhìn vào nó hàng tuần hoặc tốt hơn là hàng ngày.

6.8 Tự thưởng cho bản thân

Khi bạn hoàn thành các bước hướng tới mục tiêu của mình, đừng quên tự thưởng cho bản thân trong suốt chặng đường của mình nhé.

7. Xem xét và đánh giá lại mục tiêu

Thêm một điều cuối cùng trước khi bạn bận rộn với việc thiết lập mục tiêu. Trừ khi bạn là trường hợp ngoại lệ: hãy lên kế hoạch xem xét và đánh giá lại mục tiêu của bạn nhiều lần trước khi bạn đạt được chúng. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những mục tiêu cao hơn. 

Bạn có thể thực hiện việc này hàng tuần, hai tuần một lần, hàng tháng hoặc hai tháng một lần. Nó phụ thuộc vào chuẩn mực và thời gian bạn đã đặt ra để đạt được mục tiêu.

Bất kể bạn có thường xuyên ngồi xuống để thực hiện đánh giá này hay không, điều quan trọng nhất là bạn phải đánh giá xem mục tiêu của mình. Ngoài ra, bạn cũng cần xem các bước đang thực hiện có còn phù hợp và thực tế hay không.

“Cuộc hẹn với mục tiêu của chính mình” cũng cho bạn cơ hội theo dõi tiến trình của mình. Việc này được APA đánh giá là đem lại khả năng đạt được thành công cao hơn. Chưa kể, những buổi đánh giá này cho bạn cơ hội điều chỉnh và tôn vinh bất kỳ thành công nào bạn đã đạt được. Chúng cũng đều rất quan trọng trong suốt tiến trình này.

8. Kết luận

Nếu bạn thực sự muốn thay đổi cuộc đời và phát triển bản thân, hãy ngồi lại, sắp xếp lại cuộc đời, thiết lập mục tiêu. Đừng chỉ ngồi mong chờ điều kỳ diệu đến với mình. Hãy thử nghĩ và thực hiện mục tiêu của bạn hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và xem nó thay đổi bạn ra sao nhé.

Dịch bởi Hà Tăng từ Tips for Goal Setting