cảm nhận tích cực về cơ thể

Vì sao cảm nhận tích cực về cơ thể lại quan trọng?

Cảm nhận tích cực về cơ thể là gì?

“Cảm nhận tích cực về cơ thể/cảm nhận cơ thể tích cực” khẳng định rằng tất cả mọi người đều xứng đáng có được hình ảnh tích cực về cơ thể mình; bất kể xã hội và văn hóa đại chúng xem hình thể; kích cỡ và ngoại hình lý tưởng là như thế nào. 

Một số mục tiêu của phong trào Cảm nhận tích cực về cơ thể bao gồm những việc như:

  • Thách thức cách xã hội nhìn nhận về cơ thể
  • Khuyến khích việc chấp nhận mọi hình thể
  • Giúp mọi người xây dựng sự tự tin và chấp nhận cơ thể của chính mình
  • Chỉ ra những chuẩn mực không thực tế về cơ thể

Lợi ích của cảm nhận tích cực về cơ thể

Trước hết, cảm nhận cơ thể tích cực không chỉ thách thức cách xã hội nhìn nhận mọi người dựa trên kích cỡ và hình dạng thể chất. Nó còn ghi nhận rằng: những phán xét thường dựa trên chủng tộc, giới tính, tình dục và tình trạng khuyết tật. 

Phong trào cũng giúp mọi người hiểu vai trò của các thông điệp truyền thông đại chúng đối với cách ta cảm nhận cơ thể. Điều này bao gồm: cảm nhận của ta về đồ ăn, tập thể dục, quần áo, sức khỏe, bản sắc cá nhân và cách chăm sóc bản thân. Hiểu hơn về vai trò này giúp mỗi người hình thành mối quan hệ lành mạnh và thực tế hơn với cơ thể của chính mình.

Lịch sử của phong trào

1.1 Giai đoạn đầu của phong trào

Cảm nhận cơ thể tích cực bắt nguồn từ phong trào chấp nhận thân hình béo vào cuối những năm 1960. Phong trào này tập trung vào việc chấm dứt văn hóa chỉ trích người khác chỉ vì họ nặng cân. Nó cũng phản đối sự phân biệt đối xử dựa trên kích cỡ hoặc trọng lượng cơ thể mỗi người. Điều này dẫn đến việc thành lập Hiệp hội quốc gia nâng cao chấp nhận thân hình béo vào năm 1969. Hiện tại, Hiệp hội vẫn đang tiếp tục làm việc để thay đổi cách mọi người nói về cân nặng.

Vào năm 1996, Thuật ngữ “cảm nhận cơ thể tích cực” xuất hiện khi một nhà trị liệu tâm lý và một người từng điều trị chứng rối loạn ăn uống thành lập trang web thebodypositive.org. Trang web này cung cấp các nguồn và tài liệu giáo dục được thiết kế để giúp mọi người cảm thấy hài lòng hơn về cơ thể của họ. Chúng khuyến cáo ngừng việc giảm cân bằng cách ăn uống và tập thể dục thiếu hợp lý. 

1.2 Giai đoạn hiện đại của phong trào

Khoảng năm 2012, phong trào Cảm nhận cơ thể tích cực như hiện tại bắt đầu nổi lên. Ban đầu nó tập trung thách thức các tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế ở nữ giới. Khi phong trào trở nên phổ biến hơn, thông điệp về việc chấp nhận cân nặng bắt đầu thay đổi. Đó là “Tất cả mọi cơ thể đều đẹp”.

Tuy vậy, nhiều người vẫn bối rối về ý nghĩa chính xác của “Cảm nhận tích cực về cơ thể”. Một phần lý do là vì có quá nhiều định nghĩa khác nhau về phong trào này. 

Tùy thuộc vào người bạn đang hỏi, sự tích cực của cơ thể có thể có nghĩa là:

  • Trân trọng cơ thể của bạn bất chấp những khuyết điểm
  • Cảm thấy tự tin về cơ thể của mình
  • Yêu bản thân
  • Chấp nhận hình dáng và kích cỡ cơ thể của bạn

Ngoài ra, cảm nhận tích cực về cơ thể cũng có nghĩa là tận hưởng chính cơ thể của bạn. Không gò ép bản thân quá mức trước những thay đổi tự nhiên. Ví dụ: do quá trình lão hóa, mang thai, hoặc phong cách sống. 

1.3 Mạng xã hội và cảm nhận tích cực về cơ thể

Instagram đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của phong trào cảm nhận cơ thể tích cực. Những năm gần đây, một số tạp chí và công ty đã hợp tác nhằm tôn vinh Cảm nhận cơ thể tích cực trong các ấn phẩm và nỗ lực marketing. Trong số đó, một số đã ngừng việc sử dụng hình ảnh người mẫu đã qua chỉnh sửa. Số khác như Dove và Aerie phát triển các chiến dịch marketing lồng ghép thông điệp về cảm nhận cơ thể tích cực.

2. Vì sao bạn cần quan tâm đến cảm nhận tích cực về cơ thể?

2.1 Hình ảnh cơ thể và cảm nhận về bản thân

Một mục tiêu chính của phong trào là chỉ ra cách “hình ảnh về cơ thể” (body image) ảnh hưởng đến tinh thần và sự hạnh phúc. Việc có hình ảnh về cơ thể lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong:

  • Cách mọi người cảm nhận về ngoại hình của họ
  • Cách họ đánh giá giá trị bản thân 

Nghiên cứu cho thấy hình ảnh cơ thể tiêu cực có thể tăng nguy cơ mắc một số vấn đề tâm thần. Ví dụ: trầm cảm và rối loạn ăn uống. 

2.2 Vóc dáng lý tưởng và rối loạn ăn uống

Một nghiên cứu khác cho thấy; ngay cả tiếp xúc ngắn với thông điệp đại chúng về “vóc dáng lý tưởng” có thể có hại. Chúng gia tăng lo lắng về ngoại hình và tăng các triệu chứng rối loạn ăn uống.

2.3 Hình ảnh cơ thể và sức khỏe tâm lý

Cụm từ Nhận thức về ngoại hình/hình ảnh về cơ thể mình (Body image) đề cập đến nhận thức chủ quan của một người về cơ thể của chính họ. Điều này có thể khác hẳn so với thực tế ngoại hình của họ. Cảm xúc, suy nghĩ và hành vi liên quan đến hình ảnh cơ thể có thể có tác động lớn đến sức khỏe tâm thần và cách bạn đối xử với bản thân. 

Điều quan trọng nữa là, một người hình thành hình ảnh về cơ thể mình từ khi còn nhỏ. Thật không may, ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể bất mãn với cơ thể chính mình. Một báo cáo được công bố bởi Common Sense Media cho thấy hơn 50% trẻ em gái và gần 33% trẻ em trai từ 6 đến 8 tuổi cảm thấy trọng lượng hiện tại của mình cao hơn so với trọng lượng lý tưởng. Kết quả cũng tiết lộ: 25% trẻ em đã có một vài hành vi ăn kiêng từ khi lên 7.

3. Tác hại của cảm nhận tiêu cực về cơ thể

3.1 Một vài tác hại chính

Các vấn đề có thể xuất hiện do hình ảnh bản thân kém bao gồm:

Trầm cảm:

Tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm cao hơn nhiều so với nam giới. Một số nhà nghiên cứu tin rằng sự khác biệt về giới này liên quan tới sự không hài lòng với cơ thể.

Lòng tự trân trọng thấp:

Nghiên cứu phát hiện ra ở thanh thiếu niên, điều này liên quan tới sự tự ti về cơ thể. Nó xảy ra ở mọi giới tính, tuổi tác, cân nặng, chủng tộc, dân tộc và tình trạng kinh tế xã hội.

Rối loạn ăn uống:

Sự không hài lòng về cơ thể cũng có liên quan đến rối loạn ăn uống, đặc biệt là ở trẻ em gái vị thành niên.

3.2 Kỳ vọng thiếu thực tế về một cơ thể thanh mảnh

Nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng việc tiếp xúc với các mô tả về “cơ thể gầy lý tưởng” có liên quan đến cả các triệu chứng về hành vi và cảm xúc liên quan đến rối loạn ăn uống.

Đó chưa phải là tất cả: Không chỉ tiếp xúc với những hình ảnh ấy mới gây nguy hiểm. Niềm tin thịnh hành rằng vẻ đẹp, sự thành công và việc được quý trọng là do có hình thể thanh mảnh, cũng gây ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, khi mọi người tiếp thu những ý tưởng này, khả năng cao họ sẽ cảm thấy không hài lòng về cơ thể. Họ có thể lao vào chế độ ăn kiêng hoặc tập thể dục không cần thiết. 

Vì vậy, cảm nhận tích cực về cơ thể nhằm giúp mọi người nhận ra những nhân tố ảnh hưởng đến sự tự ti về ngoài hình. Hi vọng rằng, mỗi người có thể điều chỉnh những kỳ vọng về ngoại hình. Đồng thời, nhận thức tích cực hơn về chính cơ thể mình. Có vậy mới có thể giúp chống lại những tổn hại mà sự tự ti “ngoại hình kém” đang gây ra đối với sức khỏe tinh thần và thể chất.

4. Những chỉ trích đối với phong trào

4.1 Sự cực đoan hóa việc giữ cơ thể khỏe mạnh

Thông điệp về cảm nhận cơ thể tích cực nhằm giúp mọi người cảm thấy tốt hơn về bản thân. Điều này không có nghĩa là nó không có vấn đề. Ví dụ, cảm nhận tích cực về cơ thể có thể mang nghĩa rằng, hãy làm bất cứ điều gì chỉ để cảm thấy khá hơn về ngoại hình. 

Thật không may, chúng ta thường bị “dội bom” bởi những ý tưởng rằng những người gầy hơn sẽ hạnh phúc, khỏe mạnh và xinh đẹp hơn. Việc lý tưởng hóa thể trạng gầy càng đẩy người ta lao mình vào các chế độ không lành mạnh. Điều này bao gồm tập thể dục quá mức hoặc ăn kiêng khắc nghiệt. Tất cả đều dưới chiêu bài cảm thấy “tích cực hơn về cơ thể”.

4.2 Thiếu tính bao quát

Một lời chỉ trích khác về cảm nhận cơ thể tích cực là nó không có tính bao quát. Nó có xu hướng loại trừ những người da màu, người khuyết tật, LGBTQ và phi giới tính. 

Ngoại ra, sự miêu tả trong các thông điệp tích cực về cơ thể vẫn bị ràng buộc với tiêu chuẩn vẻ đẹp lý tưởng nhất định. Bởi vậy nên nhiều người đơn giản là cảm thấy mình bị cho ra rìa khỏi phong trào này.

4.3 Không thể áp dụng với mọi người

Nữ diễn viên Jameela Jamil, từng đóng trong loạt phim truyền hình The Good Place – Chốn Bình yên, thường được mô tả là một trong những gương mặt đại diện của phong trào cơ thể tích cực, mà cô cho rằng đó là sự phân loại nhầm lẫn. Trong một bài đăng trên Instagram, Jamil giải thích rằng cảm nhận tích cực về cơ thể là điều cần thiết cho những người “không được các bác sĩ tin tưởng, những người từng bị ngược đãi trên phố và những người không tìm được kích cỡ quần áo vừa với mình.” 

Tuy nhiên, cô cũng nhận ra rằng phong trào này không phù hợp với tất cả mọi người. Nhiều người cảm thấy không thoải mái khi trò chuyện về cảm nhận cơ thể tích cực. 

Thay vào đó, Jamil gợi ý rằng nên ủng hộ việc giải phóng cơ thể. Thậm chí là việc “không yêu cũng chẳng ghét” cơ thể mình. Cách tiếp cận này giúp đưa cơ thể của bạn ra khỏi trọng tâm về hình ảnh bản thân. Jamil cũng nhận thức bản thân có được đặc quyền ấy và không gò ép mình vào những tiêu chuẩn về kích cỡ. Trong khi đó, chính những đối tượng của phong trào cơ thể tích cực lại không có được nhận thức xa xỉ ấy.

4.4 Lý tưởng hóa cơ thể một cách quá mức

Một lời chỉ trích khác về xu hướng tích cực hóa việc nhìn nhận cơ thể đó là, chính nó lại biến cơ thể trở thành tâm điểm sự tự nhận thức. Nó bỏ qua tất cả các yếu tố bản sắc cá nhân quan trọng hơn cả ngoại hình. Theo lập trường của Jamil, ta nên ngừng coi cơ thể là yếu tố quyết định giá trị bản thân và tự nhận thức. Đó có thể là cách tiếp cận lành mạnh và toàn diện hơn.

5. Bạn có thể làm được gì

Phong trào cảm nhận cơ thể tích cực nuôi dưỡng việc chấp nhận và yêu thương cơ thể chính mình. Tuy nhiên, chính nó có thể gây thêm áp lực cũng như những chuẩn mực không thể đạt được. Nó có thể làm nảy sinh thêm một đòi hỏi khác trong cuộc đời bạn.

5.1 “Tiêu chuẩn kép”

Việc mọi người vừa chấp nhận bản thân họ, lại vừa bị “dội bom” tới tấp những hình ảnh cơ thể gầy gò có thể gây thêm tổn thương. Bảo mọi người bỏ qua lý tưởng làm đẹp đang thịnh hành là không thực tế. Nó có thể gây áp lực hơn cho người vốn đã lo lắng, tiêu cực, bị hạ thấp giá trị. 

Văn hóa đại chúng luôn nói rằng không ai hoàn hảo. Nhưng nó lại bắt họ phải thấy tích cực về điều đó. Sự “tiêu chuẩn kép” này có thể dẫn đến xấu hổ và mặc cảm. 

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, việc những người dễ mặc cảm lặp lại những lời khẳng định tích cực mà bản thân họ còn không thực sự tin tưởng sẽ gây phản tác dụng. Họ thậm chí còn cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân họ so với trước đây.

Tất nhiên, không có nghĩa là bạn không nên nói những điều tốt đẹp hoặc tích cực về bản thân. Nhưng nếu chỉ che đậy suy nghĩ tiêu cực bằng những thông điệp tích cực thì có thể có hại. Một cách tốt hơn sẽ là thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ thực tế hơn.

5.1 Bạn có thể không yêu cũng chẳng ghét cơ thể mình

Chẳng có gì sai khi bạn không nhất thiết phải yêu mọi thứ về cơ thể mình. Bạn có thể cảm thấy trung lập hoặc thậm chí thờ ơ với cơ thể của mình. Giá trị của bạn không ở hình thể, kích thước, hoặc bất kỳ khía cạnh nào khác của ngoại hình. Ngoại hình đóng góp một phần, nhưng không phải là tất cả trong việc tự định hình bản thân. 

Mang sự chú ý của bạn rời khỏi cơ thể. Thay vào đó, hãy chú trọng sự nhận thức vào các khía cạnh khác của bạn. Tất nhiên, điều này không dễ dàng. Sẽ có lúc bạn cảm thấy yếu đuối. Ví dụ, khi bạn không thích một số khía cạnh của bản thân, hoặc so sánh mình với người khác. Quan trọng hơn là, hãy tiếp tục cố gắng suy nghĩ rộng mở. Tránh những kiểu suy nghĩ tiêu cực từng khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn về ngoại hình mình.

5.2 Hãy thử tập trung nâng cao sức khỏe bản thân

Tự chăm sóc bản thân đôi khi có thể giả trang như một cách để thay đổi hoặc kiểm soát ngoại hình của bạn. Hãy tập trung vào những việc khiến bạn hài lòng về cơ thể hiện tại. 

Hãy tôn trọng cơ thể của bạn. Ăn các bữa ăn lành mạnh vì chúng cung cấp năng lượng cho tâm trí và cơ thể của bạn. Tập thể dục vì việc đó giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực. Không nên tập chỉ để cố gắng thay đổi hoặc kiểm soát cơ thể của mình.

5.3 Cá nhân hóa tủ đồ của bạn

Hãy mặc và mua quần áo phù hợp cơ thể hiện tại. Không phải cho một phiên bản tương lai đã được lên kế hoạch. Sao bạn có thể hài lòng về bản thân nếu cứ cố giữ lại những loại quần áo cho người gầy trong tủ đồ?

Ngoài ra, tìm kiếm những món đồ làm bạn thoải mái và hài lòng về vẻ ngoài của mình. Hãy loại bỏ khỏi tủ đồ của bạn những bộ quần áo không phù hợp với vóc dáng hiện tại. Cơ thể của bạn có thể thay đổi về kích thước và hình dáng trong tương lai. Tuy nhiên, không có nghĩa là bạn không thể hài lòng về bản thân ngay tại đây, ngay lúc này.

5.4 Hãy thử “thanh lọc công nghệ

Kế đến, hãy loại bỏ khỏi newsfeed những tài khoản khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân. Nếu bạn hay so sánh mình với người khác, bạn sẽ khó cảm thấy hài lòng với chính mình. Hãy theo dõi các tài khoản khơi dậy sở thích của bạn, mang lại cho bạn sự tích cực. Đặc biệt, trên Instagram, nhiều tài khoản chỉ tập trung vào việc khắc họa hoặc lý tưởng hóa duy nhất một loại hình cơ thể. Hãy thử follow các tài khoản lan tỏa thông điệp tích cực về cơ thể. Có thể bao gồm mọi tạng người, màu da, giới tính và năng lực.

Triển vọng của Cảm nhận tích cực về cơ thể

Nghiên cứu gần đây tại hội nghị thường niên năm 2016 của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ chỉ ra sự không hài lòng về cơ thể đang có xu hướng giảm dần. Theo như phân tích tổng hợp; hơn 250 nghiên cứu từ hơn 100.000 người tham gia đã được xem xét trong suốt 31 năm. Mặc dù tỷ lệ nữ giới không hài lòng về cơ thể cao hơn so với nam giới; kết quả cho thấy tỷ lệ này đang giảm dần trong những năm gần đây.

Những phát hiện này là một dấu hiệu tích cực. Có thể thấy rằng sự chấp nhận cơ thể và phong trào cơ thể tích cực đang thay đổi cách nhìn nhận của phụ nữ và trẻ em gái về bản thân họ. Tuy đây có thể là một cuộc chiến gian nan; việc tôn vinh mọi dáng người trên truyền thông đại chúng sẽ giúp chúng ta từng bước chống lại sự hạ thấp ngoại hình chính mình.

Dịch bởi Hà Tăng từ What Is Body Positivity?

Bài viết liên quan: Cách giúp bạn trân trọng vẻ bề ngoài của mình

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt