Tính nam độc hại: Sự mỏng manh trong vẻ ngoài mạnh mẽ

Tính nam tiêu cực, hay tính nam độc hại là một định nghĩa xã hội dùng để miêu tả những hành vi cực đoan xuất phát từ nam giới. Trong đó bao hàm những tiêu chuẩn cố hữu về một người đàn ông đích thực như trụ cột gia đình, cơ bắp lực lưỡng, thấu hiểu phụ nữ, biết uống bia rượu,…

Tuy nhiên, đằng sau hình mẫu mạnh mẽ ấy là một tâm hồn mỏng manh bị kéo căng bởi những định kiến và kỳ vọng tới từ xã hội. Chúng ám ảnh những người đàn ông trưởng thành kể từ ngay thời điểm mà họ mới cất tiếng khóc chào đời.

1. Tính nam độc hại bắt nguồn từ đâu?

1.1. Kỳ vọng từ mọi người xung quanh

Ngay từ khi một đứa trẻ chào đời, mọi người xung quanh đã bắt đầu đối xử với nó dựa trên sự phân biệt giới tính. 

Đối với các bé trai, chúng sớm nhận biết được những mong đợi từ những người xung quanh mình. Từ chuyện không được ẻo lả khóc nhè như những bé gái, không tíu tít trò chuyện quá nhiều, cho tới việc phải rộng lượng với mọi người xung quanh. Những bé trai hiểu rằng sau mỗi lần la hét, bướng bỉnh, gây sự với bạn bè thì mọi người quanh mình sẽ rất buồn (chúng rất sợ điều này).

1.2. Bản năng bảo vệ người mẹ

Lớn lên một chút nữa, các bé trai học được rằng phải phụ giúp, bênh vực mẹ trong mọi trường hợp. Nhất là khi hình mẫu người cha trong gia đình gặp phải nhiều vấn đề. Chẳng hạn như cha quá bận rộn, hay vắng nhà, bỏ rơi mẹ, tính tình hung dữ, độc tài hoặc nghiện ngập. 

Trong những trường hợp như vậy, chàng trai bé nhỏ mong muốn mình trở thành người bảo vệ mẹ. Đồng thời nó bằng mọi giá không hành xử giống cha. Bé trai muốn trở thành một người đàn ông tốt hơn. Một người biết quan tâm chăm sóc và được yêu quý bởi phái nữ. Nó học được cách đặt nhu cầu của mình ra đằng sau nhu cầu của người khác, cũng như sự khéo léo để tránh gây ra những xung đột. Ngoài ra bé trai cũng ra sức cố gắng để trở nên tốt hơn. Tất cả nhờ vào việc không mắc sai lầm, và trở thành niềm tự hào của mẹ.

1.3. Nỗi sợ bị bỏ rơi

Theo các nghiên cứu của ngành tâm lý học, thời điểm con người chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi môi trường sống là trong vòng năm năm đầu tiên của cuộc đời. Những yếu tố đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới sự độc đoán sau này của tính nam độc hại.

Trong thời gian này, một đứa trẻ đã hình thành hầu hết các quan niệm và mô hình phản ứng của nó trước cuộc sống. Vậy thì môi trường xung quanh những năm đầu đời của đứa trẻ là gì? Là cha, là mẹ, là những người họ hàng thân thiết, là người trông trẻ, là cô giáo ở trường mẫu giáo.

Những đặc tính của một đứa trẻ sơ sinh:

Thứ nhất, trẻ em mới sinh ra rất yếu ớt. Điều đó khiến chúng hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường xung quanh. Chúng cần được người xung quanh phán đoán ra những nhu cầu của mình và đáp ứng một cách chính xác, kịp thời. Đối với một đứa trẻ, bị bỏ rơi đồng nghĩa với cái chết. Do vậy mà chúng cũng đồng thời phải đáp ứng được những kỳ vọng từ môi trường quanh mình.

Thứ hai, trong những ngày đầu chào đời, một đứa trẻ sẽ mặc nhiên coi mình là trung tâm của vũ trụ. Đơn giản là vì suy nghĩ của nó còn rất sơ khai. Nó chưa học được cách phân biệt đâu là mình, đâu là thế giới xung quanh. Thế nên, dù có chuyện gì xảy ra, đứa trẻ đều mặc định rằng mình là nguyên nhân. Trong quá trình trưởng thành, nó dần học cách phân biệt. Tuy nhiên nó vẫn thường coi mình là nguyên do trong một thời gian dài. Vì thế mà mỗi dấu hiệu bỏ rơi mà đứa trẻ cảm nhận, nó đều cho rằng đó là lỗi của mình.

Những đặc tính này đi kèm với việc hầu như mọi đứa trẻ đều sinh ra trong một thế giới không hoàn hảo, với những cha mẹ không hoàn hảo nên việc chúng trải qua cảm giác bị bỏ rơi là điều bình thường. Đứa trẻ không biết nhìn thế giới ở góc độ nào khác. Mặc cho sự thực rằng việc đổ lỗi cho bản thân là một cách nhìn sai lạc. 

1.4. Sự xấu hổ

Những đứa trẻ cảm giác thấy có lỗi khi bị bỏ rơi, và mong muốn tìm cách thay đổi sự việc (điều này nằm trong bản năng sinh tồn của con người). Chính vì thế mà chúng đi tới một kết luận rằng: “Mình không ổn, mình đã làm gì sai, vậy nên mọi người mới bỏ rơi mình.

Điều đó cũng đồng nghĩa rằng: Nó phải thay đổi, không thể sống y như nó vốn là!

“Ta tới, ta thấy, ta chinh phục.”

– Julius Caesar

Sự xấu hổ, tự kết tội bản thân dần dần khiến đứa trẻ thay đổi hành vi. Nó buộc phải giấu giếm con người thật của mình. Đồng thời ngày càng phát triển lớp vỏ bọc mà nó cho là cần thiết để đạt được tình yêu thương.

Đồng thời sự xấu hổ hình thành trong giai đoạn này không xuất phát từ việc cảm thấy không ổn về hành động. Nó khởi đầu từ mong muốn giấu giếm đi bản chất của mình. Cũng chính vì lý do này mà những đứa trẻ yếu ớt này mới có thể bị ảnh hưởng bởi những trạng thái tâm lý cực đoan như tính nam độc hại trong tương lai.

2. Nỗi khổ của người đàn ông

Qua không biết bao nhiêu thế hệ, cuộc sống của nhân loại đã hoàn toàn dựa trên phân biệt đối xử giữa nữ giới và nam giới. Thế giới cũng đã nói về sự thiệt thòi của nữ giới nhiều rồi. Nay chúng ta sẽ nói về những nỗi khổ của nam giới.

2.1. Gánh nặng của những kỳ vọng

“Bổn phận là thứ làm nên người đàn ông”

– George S. Patton

Những câu nói như thế này đã ăn sâu vào tâm trí của bao nhiêu thế hệ phụ nữ và đàn ông? Điều gì khiến người đàn ông tin chắc như đinh đóng cột rằng đối với mình, việc chu toàn mọi thứ, đặc biệt là kiếm tiền nhiều hơn vợ, là nhiệm vụ bắt buộc? Và hơn thế nữa, họ còn quan tâm cả đến những điều khác, chẳng hạn như ngoại hình của mình thua sút hơn so với vợ… Chúng ta thấy rõ rằng thâm tâm người đàn ông muốn vươn đến một hình ảnh hoàn hảo. Đồng thời họ sẵn sàng để vươn tới mẫu hình đó. Thế nhưng làm sao một người có thể trở nên hoàn hảo được? Áp lực về sự hoàn hảo ấy đã vô hình chung khiến người đàn ông canh cánh một mối lo âu rằng – tôi không đủ tốt.

2.2. Áp lực tới từ xã hội

Áp lực này không chỉ tồn tại trong tâm trí của người đàn ông. Nó còn tồn tại trong đầu của nhiều người trong xã hội chúng ta, có thể ở cả những người vợ nữa. Nhưng có bao giờ chúng ta dừng lại để cân nhắc độ phi lý của niềm tin này?

“Giá trị của một người đàn ông thực sự nằm ở đâu?

Ở sự sung túc, sức mạnh hay thể hình?

Ở việc anh ta nhận lại hay cho đi bao nhiêu?”

– Lời bài hát Through Heaven’s Eyes – The Prince of Egypt (OST)

Xét cho cùng thì suy nghĩ rằng “Tôi không đủ tốt”, “Tôi làm đủ mọi chuyện cho cô ấy, nhưng tôi luôn có cảm giác vẫn không được cô ấy để tâm, coi trọng” đến từ đâu?

3. Tính nam độc hại trong hôn nhân

3.1. Câu chuyện của một người chồng

Một người đàn ông muốn ai cũng được vui vẻ và rất ghét xung đột. Do muốn tránh xung đột với vợ; anh thường đè nén những bực dọc của mình và luôn cố gắng cư xử đúng mực.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, dường như anh không thể làm vừa lòng vợ của mình. Người đàn ông có cố gắng đến mức nào thì vợ anh cũng tìm ra một cái gì đó sai sót. Cũng do vậy mà cô trách móc anh về việc đó. Như sáng hôm ấy, anh đã dậy sớm, nấu bữa sáng trong lúc vợ anh tắm cho con. Sau đó, trong lúc cô trang điểm, anh cũng cho con ăn và sửa soạn cho các bé đến trường. Mọi việc tưởng như êm đẹp, cho đến khi người vợ đột nhiên gắt lên: “Sao anh lại cho con gái mặc bộ quần áo này, trông chẳng ra sao cả!”

Rõ ràng anh chẳng hiểu gì nữa. Anh đã cố gắng bao nhiêu. Lúc nào cũng còn sót một điều gì đó làm vợ anh không vui, không vừa ý. Lúc nào cũng vậy, vợ anh không nhìn thấy những việc anh đã làm xong. Cô ta chỉ nhìn thấy một việc duy nhất anh đã sai sót.

3.2. Vì đâu mà tính nam độc hại bộc phát trong hôn nhân?

Có ba khả năng để dẫn tới tính nam độc hại trong hôn nhân:

Một là – Người vợ có vấn đề trong cư xử với người khác. Cô ta thiếu tôn trọng và tiêu cực. (Những điều này không thể phát triển trong một thời gian ngắn được. Năm xưa khi lấy cô ấy, liệu bạn đã nhìn ra những dấu hiệu này chưa?)

Hai là – Bản thân người đàn ông mang những niềm tin cốt lõi bất lợi (ví dụ: tôi không xứng đáng, tôi không đáng được yêu); hoặc mang Cảm giác thiếu an toàn nền tảng. Vì thế, sự băn khoăn khó chịu, lúc nào cũng cảm thấy mình không đủ tốt; cảm thấy người khác không tôn trọng mình. Nó xuất phát từ lăng kính riêng của người đàn ông. Từ một lòng tự trọng không được chăm sóc và lòng tin bị tổn thương. 

Ba là – Tương tác của người đàn ông với người phụ nữ thân thiết quả thật “có vấn đề”. Do đó mà chuyện không hay chỉ xảy ra trong quan hệ giữa hai người. Ngoài ra thì người phụ nữ không có vấn đề gì. Cũng như lòng tự trọng của người đàn ông cũng hoàn toàn bình thường

4. Cách để vượt qua tính nam độc hại 

“Tại sao đàn ông lại phải bó buộc bản thân bằng những định kiến xưa cũ về nam tính? Thậm chí những cụm từ như ‘Hãy làm một thằng đàn ông đi’ thực sự có ý nghĩa gì? Chẳng phải có rất nhiều định nghĩa về người đàn ông rất đáng để được trân trọng hay sao?”

– Andy Dunn

Chìa khóa để thoát khỏi tính nam độc hại; và cải thiện mối quan hệ của bản thân mà không cần đòi hỏi sự tác động của ai; chính là nằm ở việc “Trân trọng chính mình”.

Hành động thay đổi chính mình là điều nằm trong tầm tay mọi người. Nếu không nói là nhiệm vụ quan trọng nhất của đời người.

Bạn muốn có kết quả khác, muốn có một cuộc sống hạnh phúc hơn bây giờ? Hãy thử làm khác những gì bạn vẫn làm từ xưa đến nay xem sao.

Tôi cũng tha thiết chúc cho bạn sớm có được tương lai hạnh phúc.

Vũ Phi Yên - Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng

Thạc sĩ – Chuyên gia Tâm Lý lâm sàng. Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Nguồn Lực Việt